Cóc khổng lồ giả làm rắn siêu độc để tránh bị ăn thịt
Các nhà khoa học mới đây phát hiện ra loài cóc khổng lồ Congo có thể ngụy trang thành hình dáng và hành vi giống loài rắn độc Gaboon để tránh bị kẻ thù ăn thịt.
Trong tự nhiên, nhiều loài động vật vẫn thường ngụy trang giống nhau vì nhiều mục đích. Tuy nhiên, theo các nhà khoa học thuộc Đại học Texas tại El Paso và Trung tâm nghiên cứu Centre de Recherche en Sciences Naturelles, Cộng hòa Dân chủ Congo, đây là lần đầu tiên trên thế giới một con cóc có thể ngụy trang thành rắn để tránh bị ăn thịt.
Loài cóc nói trên (tên khoa học là Sclerophrys channingi) sống trong các khu rừng mưa nhiệt đới ở trung tâm châu Phi.
Nó có kích thước tương đối lớn, chiều dài cơ thể lên đến gần 12 cm. Loài cóc này chủ yếu sống về đêm và thường kiếm ăn trên nền đất.
Trong khi đó, rắn độc với tên khoa học là Bitis gabonica có ở khắp miền Trung, miền Đông và miền Nam châu Phi. Đây là một trong những loài rắn lớn nhất khu vực với chiều dài hơn 5,5 mét và trọng lượng khoảng 17,5 kg.
Đây là loài săn mồi sống về đêm, di chuyển chậm, có răng nanh dài nhất thế giới và là loài rắn có thể tạo ra nhiều nọc độc nhất. Nhiều loài động vật lớn như khỉ vẫn cố gắng hết sức tránh đối mặt với loài rắn này.
Trong nghiên cứu công bố trên tạp chí Natural History, các nhà khoa học cho rằng loài rắn này tránh không tấn công con cóc do chúng có màu sắc, hình dạng, kích thước và hành vi giống với rắn.
Khi so sánh các cá thể cóc và rắn trong tự nhiên và cả nuôi nhốt, các nhà khoa học phát hiện ra màu sắc và hình dạng cơ thể con cóc rất giống đầu rắn. Ngoài ra, cóc còn bắt chước tiếng rít của rắn Gaboon.
Dù không hoàn toàn giống rắn, việc ngụy trang này vẫn khá hiệu quả. "Vì có kích thước tương đối lớn so với những loài ếch khác trong khu vực, loài cóc này có khả năng trở thành con mồi hấp dẫn cho động vật ăn thịt...", Eli Greenbaum, nhà nghiên cứu chính từ Đại học Texas ở El Paso, nói với Newsweek.
Ông cho biết vô cùng ngạc nhiên trước phát hiện này. "Đây là trường hợp đầu tiên trên thế giới cho thấy một loài cóc ngụy trang thành rắn để tránh bị ăn thịt. Vì vậy đây là phát hiện độc đáo và quan trọng", ông nói.