Cốc Lầy: Đường đầu tư dang dở, người dân đi lại khó khăn
Mặc dù đã được Nhà nước đầu tư 2 dự án nâng cấp tuyến đường từ trung tâm xã và từ Tỉnh lộ 154 vào thôn Cốc Lầy, xã Lùng Vai (Mường Khương), nhưng người dân ở đây vẫn phải đi trên con đường đất gập ghềnh, trơn trượt giữa trung tâm thôn.
Đoạn đường 1,5 km ở trung tâm thôn Cốc Lầy chưa được đầu tư nâng cấp.
Cụ thể, 2 dự án đầu tư nâng cấp tuyến đường vào thôn Cốc Lầy gồm gói thầu nâng cấp đường từ Quốc lộ 4D đi thôn Cốc Lầy - Pồ Ngảng, nối vào đường đi mốc 117, kinh phí hơn 22,599 tỷ đồng và gói thầu làm đường từ Làng thanh niên lập nghiệp xã Lùng Vai đến Tỉnh lộ 154, nối vào đường đi mốc 117 (xã Nậm Chảy), kinh phí 11,635 tỷ đồng.
Mục tiêu của 2 dự án được ghi rõ là đầu tư xây dựng công trình nhằm khắc phục khó khăn, đảm bảo an toàn, thuận lợi cho giao thông, đáp ứng nhu cầu đi lại cho người dân, tạo thuận lợi cho phát triển sản xuất, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Dẫn chúng tôi khảo sát tuyến đường từ trung tâm thôn Cốc Lầy đi khu dân cư Pồ Ngảng nối với Tỉnh lộ 154, Trưởng thôn Sùng Seo Thành lắc đầu nói: Cốc Lầy là thôn nghèo nhất xã. Năm 2021, UBND huyện đầu tư nâng cấp tuyến đường từ trung tâm xã vào thôn và tuyến đường từ Tỉnh lộ 154 vào thôn giúp người dân đi lại, giao thương thuận lợi. Cuối năm 2022, cả 2 tuyến đường thông tuyến. Tuy nhiên, ở trung tâm thôn, người dân vẫn phải đi trên tuyến đường rải cấp phối cách đây hơn 10 năm, mưa, lũ đã cuốn trôi mặt đường, chỉ còn đất, đá lởm chởm, lầy lội.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Tiến Lượng, Chủ tịch UBND xã cho biết, từ năm 2021, UBND huyện đã triển khai 2 dự án nâng cấp tuyến đường từ trung tâm xã đi thôn Cốc Lầy và từ Tỉnh lộ 154 vào thôn, nhưng ở trung tâm thôn còn khoảng 1,5 km đường chưa được đầu tư vì hết vốn. Chính quyền địa phương đã nhận được kiến nghị của người dân và cũng đã có ý kiến với huyện.
Thôn Cốc Lầy hiện có 94 hộ (chủ yếu là đồng bào dân tộc Mông, Dao) thì có tới 54 hộ nghèo, 19 hộ cận nghèo, sinh sống tại 3 khu dân cư. Người dân trong thôn sống dựa vào sản xuất nông nghiệp.
Trưởng thôn Sùng Seo Thành cho biết thêm, từ năm 2016, thôn có thêm khoảng 30 hộ ở một số xã vùng cao chuyển về đây sinh sống, nhưng do thiếu đất sản xuất và đường đi lại khó khăn, nên phần lớn các hộ này đã rời địa phương đi làm thuê.
Mặt đường đất, đá lởm chởm gây khó khăn cho người và phương tiện khi tham gia giao thông.
Trao đổi với phóng viên, ông Lê Ngọc Dương, Chủ tịch UBND huyện Mường Khương cho biết: UBND huyện đang xem xét, trong thời gian tới sẽ bố trí nguồn vốn từ chương trình xây dựng nông thôn mới để tiếp tục nâng cấp, sửa chữa đoạn đường còn lại, nối tiếp 2 tuyến đã được đầu tư, phục vụ người dân đi lại thuận lợi.