Cốc nhựa dùng một lần: Tiện lợi nhưng tác hại khôn lường
Do đặc tính tiện lợi, dễ sử dụng, giá thành rẻ... cốc nhựa đang được sử dụng rộng rãi ở các cửa hàng kinh doanh đồ ăn, nước uống trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là khu vực TP Thanh Hóa. Điều này đã và đang gây nguy hại nghiêm trọng đến môi trường cũng như ảnh hưởng sức khỏe con người.
Cốc nhựa có đủ các kích cỡ, giá thành rẻ, tiện sử dụng nên được các cửa hàng ăn uống sử dụng khá phổ biến.
Cốc nhựa dùng một lần ngày nay không còn quá xa lạ với người tiêu dùng, nó được sử dụng khá phổ biến. Tuy nhiên, không phải ngẫu nhiên mà một số nước trên thế giới (Mỹ và Canada) lại cấm sử dụng cốc nhựa dùng một lần vì phát hiện chất Styrene gây hại đến sức khỏe người sử dụng, đặc biệt có thể gây ung thư.
Ghi nhận tại cửa hàng đại lý chuyên cung cấp cốc nhựa dùng một lần trên đường Lê Hữu Lập, phường Lam Sơn (TP Thanh Hóa), cốc nhựa có nhiều loại với đủ các kích cỡ khác nhau. Chủ cửa hàng này cho biết: Loại cốc nhựa size 14 là bé nhất có giá 30.000 đồng/100 chiếc, size 70 là lớn nhất với giá từ 70-80.000 đồng/100 chiếc. Loại cốc chuyên dùng cho các quán trà chanh là cốc có size 40-50 (loại nhựa cứng) với giá tiền chỉ 80-90.000 đồng/100 chiếc.
Chủ cửa hàng này cũng cho biết thêm: Cũng với tính năng tiện dụng, dùng một lần như cốc nhựa nhưng cốc giấy lại ít được ưa chuộng. Nguyên nhân là do, cốc nhựa đa dạng mẫu mã lại rẻ hơn nhiều so với cốc giấy. Dù tại cửa hàng có bán cả cốc giấy nhưng loại cốc này tiêu thụ rất chậm. Chủ yếu là các cơ quan tìm mua để phục vụ trong các buổi họp hoặc tiệc nhanh. Cốc giấy an toàn hơn với người sử dụng và môi trường, điều này ai cũng biết, tuy nhiên giá thành của cốc giấy lại đắt hơn nhiều so với cốc nhựa. Cùng size 14 nhưng cốc giấy có giá 180.000 đồng/100 chiếc. Cũng từ lợi nhuận mà người kinh doanh đồ ăn, uống thường dùng cốc nhựa nhiều hơn.
Cùng với xu thế phát triển của xã hội, trên địa bàn thành phố các quán trà chanh, trà sữa mọc lên ngày càng nhiều. Đặc biệt, ở hầu hết các quán trà chanh, trà sữa đều sử dụng cốc nhựa đựng đồ uống cho khách hàng. Anh L.V.Đ., nhân viên của một quán trà chanh trên đường Phan Chu Trinh (TP Thanh Hóa) tiết lộ: Quán trà chanh này chỉ mở vào ban đêm, tuy nhiên mỗi đêm quán tiêu thụ hàng trăm cốc trà tranh, nước uống các loại. Quán chỉ sử dụng cốc nhựa dùng một lần đựng đồ uống do chi phí thấp, tiện dùng lại không mất thời gian, công sức để rửa sạch như cốc thủy tinh hay cốc sứ.
Không chỉ ở các quán trà chanh, trà sữa mà cốc nhựa cũng được dùng phổ biến ở các quán ăn bình dân, đồ ăn nhanh, quán cháo dinh dưỡng cho trẻ em... Với lượng tiêu thụ này, mỗi ngày trên địa bàn TP Thanh Hóa có đến hàng nghìn cốc nhựa dùng một lần được thải ra môi trường.
Chị Lê Thị Nhung, phường Đông Thọ, TP Thanh Hóa chia sẻ: Nhà chị có con nhỏ, hàng ngày chị thường mua cháo dinh dưỡng về cho con ăn. Do đi làm về rồi thường tiện ghé vào quán luôn chứ không mang theo hộp đựng ở nhà. Quán cháo dinh dưỡng thường đóng cháo nóng vào hộp nhựa. Dù biết đồ nhựa không tốt, nhất là khi đựng đồ nóng, tuy nhiên do tiện dùng nên chị vẫn sử dụng.
Trước nguy cơ ô nhiễm môi trường từ rác thải nhựa, ngày 4-12-2018, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 198/KH-UBND thực hiện phong trào “Chống rác thải nhựa” trên địa bàn tỉnh nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, các tổ chức và các tầng lớp nhân dân về ảnh hưởng của ô nhiễm môi trường do sử dụng đồ nhựa và túi ni lông khó phân hủy trong sinh hoạt; làm thay đổi từ nhận thức thành hành động cụ thể để hạn chế dần việc sử dụng đồ nhựa và túi ni lông khó phân hủy, thay thế bằng sản phẩm thân thiện với môi trường.
UBND tỉnh cũng yêu cầu tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng về tác hại của rác thải nhựa khó phân hủy đối với môi trường và sức khỏe con người. Tổ chức các đợt ra quân làm vệ sinh môi trường, thu gom phân loại rác thải nhựa. Đồng thời, các cơ quan, đơn vị phát động phong trào sử dụng thay thế chai nhựa đựng nước một lần trong phòng làm việc và trong các cuộc họp bằng các bình đựng nước kim loại, sứ dùng nhiều lần...
Cũng theo thống kê gần đây của Sở Tài Nguyên và Môi trường tỉnh Thanh Hóa, lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên địa bàn tỉnh vào khoảng 2.013,1 tấn/ngày, trong đó, rác có thành phần nhựa chiếm 8-16%. Tuy nhiên, hiện nay công tác phân loại, thu gom, xử lý rác thải nói chung và rác thải nhựa còn hạn chế, như: Phương tiện, trang thiết bị và lực lượng tham gia công tác thu gom, vận chuyển còn thiếu, chưa đảm bảo nhu cầu. Nhận thức của người dân về công tác bảo vệ môi trường và thu gom, xử lý chất thải nhựa sinh hoạt tuy đã được nâng lên nhưng chưa tạo được sự chuyển biến tích cực...
Trao đổi về vấn đề trên, ông Lê Văn Bình, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết: Các loại cốc nhựa dùng một lần cũng như các loại rác thải nhựa khác rất khó phân hủy, phải mất hàng trăm năm mới phân hủy được nếu thải ra môi trường. Loại rác thải này khiến môi trường đất bị cằn cỗi, vi sinh vật không sống được. Vì vậy, các loại cốc nhựa dùng một lần phải được phân loại, thu gom triệt để và có thể sử dụng để tái chế. Nếu thải ra môi trường mà không được thu gom hết sẽ ảnh hưởng xấu đến môi trường, từ đó gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người.
Cũng theo ông Lê Văn Bình, từ nguy hại của rác thải nhựa ra môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 198/KH-UBND thực hiện phong trào “Chống rác thải nhựa” trên địa bàn tỉnh. Cùng với phong trào “Chống rác thải nhựa”, Sở Tài nguyên và Môi trường cũng vừa có Đề án “Thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2019-2025”. Đề án nhằm quy hoạch vị trí đầu tư khu xử lý rác thải rắn; hướng dẫn phân loại, thu gom tại nguồn và lựa chọn công nghệ để xử lý rác thải rắn nói chung và rác thải nhựa nói riêng, góp phần bảo vệ môi trường và nâng cao chất lượng sống cho người dân.