Cởi bỏ chiếc áo nhà nước, 'ông lớn' Vinaconex sau nửa năm hoạt động ra sao?
Tổng công ty Xây dựng và Xuất nhập khẩu Việt Nam (Vinaconex) vừa công bố báo cáo tài chính quý 2/2019 hé lộ phần nào tình hình sản xuất – kinh doanh sau hơn nửa năm cởi bỏ chiếc áo nhà nước.
“Bẻ lái” trong chiến lược hoạt động?
Báo cáo cho thấy, doanh thu trong nửa đầu năm của Vinaconex sụt giảm mạnh, đạt 3.957 tỷ đồng, bằng 39,18% kế hoạch doanh thu hợp nhất của năm 2019, giảm 4,83% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, mức lãi ròng lũy kế 6 tháng đầu năm 2019 đạt 303,6 tỷ đồng, tăng 66% so với cùng kỳ nhờ các khoản chi phí giá vốn, chi phí hoạt động có xu hướng giảm mạnh.
Đáng lưu ý, doanh thu lĩnh vực cốt lõi và vốn là thế mạnh của Vinaconex trên thị trường là xây lắp giảm tới trên 21% so với cùng kỳ năm trước, chỉ đạt 2.142 tỷ đồng.
Số liệu từ báo cáo tài chính riêng của công ty mẹ, cũng cho thấy tình trạng tương tự. Tổng doanh thu thuần lũy kế của Công ty mẹ đến cuối quý 2 đạt 978 tỷ đồng, chỉ đạt 27,17% kế hoạch doanh thu của cả năm 2019. Nguyên nhân chính vẫn đến từ sự suy thoái của lĩnh vực lõi – xây lắp. Cụ thể, doanh thu xây lắp của công ty mẹ chỉ đạt 662 tỷ đồng, giảm 14,36% so với cùng kỳ năm trước.
Trong khi đó, doanh thu của các hoạt động bất động sản và doanh thu khác tăng lên đáng kể. Trong 6 tháng đầu năm 2019, công ty mẹ đạt lợi nhuận thuần là 322 tỷ đồng, giảm 3,59% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, nếu loại trừ khoản thu nhập bất thường trong kỳ thì lợi nhuận sau thuế sẽ chỉ còn 260 tỷ đồng, giảm 22,15% so với cùng kỳ năm ngoái.
Với khả năng sinh lời từ các hoạt động kinh doanh chính đang không thực sự ổn định, đặc biệt là ảnh hưởng suy giảm mạnh mảng xây lắp cho thấy, Vinaconex đang có sự “bẻ lái” trong chiến lược hoạt động.
Trước đó, tại Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên diễn ra hôm 28/6, Chủ tịch HĐQT Đào Ngọc Thanh từng khẳng định với các cổ đông, rằng Vinaconex đang chuyển hướng trọng tâm sang lĩnh vực bất động sản.
Sự chuyển hướng này đặt ra yêu cầu ban lãnh đạo Vinaconex phải cân nhắc một cách nghiêm túc bởi kinh doanh bất động sản là lĩnh vực đầu tư đòi hỏi có nguồn vốn lớn, cần có quỹ đất lớn, thời gian thu hồi vốn dài và rủi ro cao, lợi nhuận không ổn định nếu không có chiến lược, kế hoạch phát triển lâu dài, bền vững. Trong khi đó, hoạt động xây lắp là vốn thế mạnh truyền thống của Vinaconex lại bị coi nhẹ.
“Nội chiến” vẫn kéo dài
Ngoài kết quả kinh doanh, trong nửa đầu năm nay, Vinaconex cũng được truyền thông nhiều lần nhắc tới với những vấn đề mâu thuẫn trong nội bộ. Thậm chí, đây cũng là doanh nghiệp hiếm hoi mà cổ đông phải mang nhau ra tòa để giải quyết.
Sau khi Nhà nước rút hết vốn, cơ cấu cổ đông đã thay đổi, trong đó nhóm cổ đông lớn nhất tại doanh nghiệp này là An Quý Hưng chiếm tới 57,7%, hai cổ đông khác là Cường Vũ và Star Invest nắm giữ khoảng 29% vốn điều lệ. Phần còn lại thuộc về các cổ đông nhỏ, các nhà đầu tư chứng khoán. Song với cổ phần chi phối, cùng 5/7 ghế tại Hội đồng quản trị, nhóm cổ đông lớn nhất đang nắm quyền kiểm soát toàn bộ hoạt động của doanh nghiệp. Điều này gây ra những mâu thuẫn ngay trong nội bộ các cổ đông của Vinaconex và khiến các cổ đông còn lại không khỏi bất an.
Điển hình là trong phiên họp đầu tiên ngày 21/1/2019, các thành viên HĐQT đại diện cho nhóm cổ đông An Quý Hưng đã đề xuất sửa đổi Quy chế tổ chức và hoạt động của Hội đồng quản trị và Quy chế quản lý tài chính. Theo đó, cá nhân Chủ tịch được quyền quyết định mọi giao dịch tới cả ngàn tỷ đồng, Tổng giám đốc quyết tới 500 tỷ đồng mà không cần thông qua Hội đồng quản trị.
Ngoài ra, chủ trương vay ngân hàng 300 tỷ đồng để tạm ứng cổ tức, dùng 714 tỷ đồng quỹ đầu tư phát triển mua cổ phiếu quỹ, thành lập và góp 400 tỷ đồng vào CTCP Trường cùng quyết định “thay máu” hàng loạt nhân sự dày kinh nghiệm tại công ty mẹ Vinaconex.
Phía cổ đông nắm lượng cổ phần “thứ yếu” tại Vinaconex đã nhiều lần bày tỏ mong muốn gia tăng chất lượng quản trị, sự minh bạch và cải thiện các cơ chế giám sát để giảm thiểu rủi ro tại Vinaconex. Tuy nhiên, giữa các nhóm cổ đông chưa đạt được thống nhất.
Tại ĐHCĐ vừa diễn ra, một bộ phần cổ đông tiếp tục bày tỏ lo ngại các cá nhân có thể tự quyết gây ra rủi ro cho doanh nghiệp. “Công ty cổ phần văn minh nhất có sự tham gia của nhiều cổ đông, có sự đóng góp là sự chia sẻ kết nối hợp tác, một cá nhân giải quyết làm sao tránh được chủ quan, vấn đề như vậy gây ra những bức xúc, có gửi những đơn kiến nghị. Chúng tôi mong chúng ta có một nền tảng thực hiện một lợi ích hài hòa minh bạch phát triển đúng nghĩa công ty cổ phần”, một cổ đông cũng là thành viên của Vinaconex nhấn mạnh.
Chia sẻ tại họp báo hồi tháng 6, Chủ tịch Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) Nguyễn Đức Chi cho rằng, những phát sinh giữa các cổ đông hiện tại và Ban điều hành của Vinaconex, phía SCIC không dám can thiệp bởi không đúng thẩm quyền, vai trò.
Cho rằng, việc đấu tranh giữa các cổ đông, tranh luận giữa ban điều hành và cổ đông là rất bình thường nhưng ông Chi cũng nhấn mạnh rằng, kiểu gì các nhóm cổ đông tại Vinaconex cũng phải tìm ra hướng để thống nhất, nếu không thì doanh nghiệp sẽ không thể phát triển.
Giới chuyên môn cũng cho rằng, hoạt động quản trị công ty tốt cần phải tạo được sự hài hòa về mặt lợi ích, ở đó, có một cơ chế để nhà đầu tư, cổ đông có thể kiểm soát việc điều hành công ty nhằm đem lại hiệu quả cao nhất. Ngược lại, sự quản trị thiếu minh bạch khiến các nhà đầu tư e ngại, mà cái giá phải trả sẽ ảnh hưởng ngay tới lợi ích của cổ đông và hoạt động của chính doanh nghiệp đó.