Bảo Yên phát triển vùng trồng cam hàng hóa

Sau một thời gian đưa vào trồng thử nghiệm, cây cam V2 trên địa bàn huyện Bảo Yên đã mang lại tín hiệu khả quan, góp phần đa dạng hóa cây trồng, tăng thu nhập cho người dân.

Năm 2018, cây cam V2 được đưa về trồng thử nghiệm tại xã Phúc Khánh với diện tích hơn 6 ha. Được trồng và chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật, cây sinh trưởng, phát triển tốt, sau 3 năm bắt đầu cho thu hoạch quả. Cam V2 trồng ở Phúc Khánh phù hợp khí hậu, thổ nhưỡng nên quả to, đều, đẹp (từ 3 - 4 quả/kg), vỏ mỏng, hàm lượng nước cao, tỷ lệ xơ thấp, ngọt đậm, có vị thơm, được thị trường đón nhận. Năm 2023, nông dân xã Phúc Khánh thu hoạch hơn 110 tấn cam, với giá bán từ 20 - 30 nghìn đồng/kg, thu về trên 2 tỷ đồng.

Cây cam V2 trồng trái vụ, cho thu hoạch từ tháng Giêng đến tháng Ba âm lịch hằng năm, giá bán cao hơn so với các loại cây chính vụ, đầu ra thuận lợi. Từ trồng cam đem lại nguồn thu nhập cao và ổn định cho gia đình.

Anh Đỗ Chí Tuấn, thôn Trĩ Ngoài, xã Phúc Khánh.

Nhờ mạnh dạn chuyển đổi cây trồng theo hướng sản xuất hàng hóa, những năm gần đây, kinh tế của nhiều hộ trên địa bàn xã Phúc Khánh trở nên khá giả. Trong đó, việc đưa cây cam V2 vào trồng trên đất nương đồi, vườn nhà đã bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế, giúp người dân nâng cao thu nhập và dần hình thành vùng cây ăn quả có múi trên địa bàn huyện.

Đồng chí Vũ Thị Tư, Bí thư Đảng ủy xã Phúc Khánh cho biết: Toàn xã hiện có hơn 20 ha cam V2, trong đó 10 ha đang cho thu hoạch quả, giá trị thu nhập đạt gần 250 triệu đồng/ha. Qua trồng khảo nghiệm, giống cam V2 phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu ở địa phương nên xã đã xây dựng kế hoạch mở rộng diện tích, quy hoạch vùng trồng tại các thôn: Trĩ Trong, Trĩ Ngoài, Làng Đẩu, Làng Nủ thêm 20 ha, nâng tổng diện tích lên 40 ha.

Không chỉ Phúc Khánh, tại một số xã trên địa bàn huyện Bảo Yên, cây cam V2 được đưa vào trồng thử nghiệm, bước đầu cho hiệu quả kinh tế. Hiện, toàn huyện có gần 30 ha cam, nhiều hộ có nguyện vọng mở rộng diện tích loại cây này.

Thực hiện Đề án 01 của Huyện ủy Bảo Yên về “sản xuất nông nghiệp chất lượng cao gắn với xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2020 - 2025”, huyện xây dựng kế hoạch về phát triển vùng sản xuất cam theo chuỗi giá trị sản phẩm, nhằm nâng cao giá trị sản xuất, ổn định đầu ra, tăng thu nhập cho người dân. Theo đó, mục tiêu đến hết năm 2025, toàn huyện có 100 ha trồng cam (80 ha cam V2 và 20 ha cam đường canh) tại các xã Phúc Khánh, Lương Sơn, Việt Tiến…

Để hoàn thành mục tiêu trên, huyện tăng cường tuyên truyền, vận động người dân tập trung chuyển đổi cây trồng, tích tụ ruộng đất để phát triển vùng cam. Tổ chức tập huấn kỹ thuật trồng và chăm sóc cam đảm bảo an toàn thực phẩm cho nông dân; thực hiện thâm canh nâng cao giá trị sản phẩm trên diện tích đất canh tác; thu hút tổ chức, doanh nghiệp đến đầu tư phát triển vùng trồng, liên kết bao tiêu sản phẩm cho nông dân. Bên cạnh đó, huyện Bảo Yên sẽ hỗ trợ thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã làm cầu nối giữa các hộ trong liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp; hỗ trợ các hợp tác xã đầu tư xây dựng hạ tầng, máy móc thiết bị hoạt động, nâng cao giá trị sản xuất, ổn định đầu ra cho sản phẩm.

Song song với đó, huyện Bảo Yên tiếp tục nghiên cứu, rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung các chính sách phát triển nông, lâm nghiệp, xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững để định hướng và phát triển sản xuất; sử dụng lồng ghép các nguồn vốn nhằm hỗ trợ cho các hộ trồng cam...

Với hiệu quả kinh tế cây cam mang lại, việc quy hoạch và mở rộng vùng trồng trên địa bàn huyện Bảo Yên sẽ góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao giá trị trên một đơn vị diện tích đất canh tác, giúp nông dân tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững.

Kim Thoa - Khánh Ly

Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/bao-yen-phat-trien-vung-trong-cam-hang-hoa-post393092.html