'Cởi bỏ' dần áp lực thuế đối ứng

'Chúng ta đang chuyển sang trạng thái kịch bản tốt và có thể còn tốt hơn'. 'Chúng ta đã loại bỏ được rủi ro về thuế suất cao'…

Cổ phiếu của các doanh nghiệp sản xuất lớn tại Việt Nam, đặc biệt trong các ngành dệt may và điện tử, tăng giá trong tuần qua

Cổ phiếu của các doanh nghiệp sản xuất lớn tại Việt Nam, đặc biệt trong các ngành dệt may và điện tử, tăng giá trong tuần qua

Đó là chia sẻ của chuyên gia phân tích tại nhiều công ty chứng khoán gửi tới nhà đầu tư, khách hàng khi có thông tin về thỏa thuận thuế quan sơ bộ giữa Mỹ và Việt Nam trong tuần qua, với mức thuế chung là 20%.

Trên sàn chứng khoán, cổ phiếu của các doanh nghiệp sản xuất lớn tại Việt Nam, đặc biệt trong các ngành dệt may và điện tử, tăng hơn 10%, phản ánh tâm lý lạc quan. Tuy nhiên, một số ngành như thủy sản và khu công nghiệp chịu áp lực do lo ngại thuế tăng từ 0% lên 20%.

Theo ông Quản Trọng Thành, Giám đốc Khối nghiên cứu và phân tích, Công ty Chứng khoán Maybank Investment Bank (MSVN), phản ứng tiêu cực ở ngành thủy sản là “thái quá” vì các doanh nghiệp có thể điều chỉnh chiến lược để thích nghi với mức thuế mới.

Cuối phiên giao dịch ngày 3/7/2025, thị trường chứng khoán Việt Nam có dấu hiệu chững lại nhưng khối ngoại quay lại mua ròng, thể hiện niềm tin vào sự ổn định của thỏa thuận. Nhà đầu tư cá nhân có một bộ phận chốt lời để đánh giá thêm thông tin. Tuy nhiên, không có dấu hiệu hoảng loạn và tâm lý thị trường dự kiến sẽ ổn định khi các chi tiết đàm phán được công bố.

Việt Nam là một trong ba quốc gia đầu tiên đạt thỏa thuận thuế với Mỹ, khẳng định vị thế đối tác chiến lược toàn diện giữa hai quốc gia.

Vì vậy, theo quan điểm của MSVN, đây là một thông tin tích cực. Đây là một cuộc đàm phán thành công của Việt Nam về vấn đề thuế.

Vì sao lại đánh giá tích cực? Theo ông Thành, chúng ta thường nhìn nhận triển vọng kinh tế Việt Nam cũng như thị trường với 3 hoặc thậm chí 4 kịch bản, trong đó có kịch bản tiêu cực, kịch bản cơ bản và kịch bản tốt. Với thông tin này, chúng ta đang chuyển sang trạng thái kịch bản tốt và có thể còn tốt hơn. Chúng ta đã loại bỏ được rủi ro về thuế suất cao đối với Việt Nam.

So với mức thuế 46% áp lên Mexico hoặc 55% lên Trung Quốc, mức 20% giúp Việt Nam duy trì lợi thế cạnh tranh. Ngay cả khi so với mức thuế thấp của nhiều nền kinh tế khác như Đài Loan (Trung Quốc) - dưới 18%, chênh lệch thuế chỉ 2 - 5%, không đủ để làm mất lợi thế của Việt Nam.

Ở góc độ lợi thế chi phí, chi phí lao động, đất đai, nguyên vật liệu thấp và một số yếu tố khác giúp hàng hóa Việt Nam cạnh tranh ngay cả với thuế 20%. Ví dụ, chi phí sản xuất thấp hơn 10 - 15% so với các nước trong khu vực, bù đắp cho chênh lệch thuế.

Ở góc độ địa chính trị, Việt Nam là một trong ba quốc gia đầu tiên đạt thỏa thuận thuế với Mỹ, khẳng định vị thế đối tác chiến lược toàn diện.

Về thuế 40% đối với hàng trung chuyển, ông Thành nhấn mạnh, đây là cơ hội để Việt Nam chuyển từ vai trò trung gian sang trung tâm sản xuất. Nếu đạt được tỷ lệ nội địa hóa 40%, tương tự mức Ấn Độ đang đàm phán (35%), Việt Nam có thể tối ưu hóa lợi ích từ thỏa thuận. Điều này đặc biệt quan trọng với các ngành như điện tử (nội địa hóa khoảng 50%) và dệt may (45%), vốn có tiềm năng đáp ứng yêu cầu.

“Mục tiêu phát triển kinh tế của chúng ta hiện nay là làm sao để có những phần nội lực sản xuất trong nước. Chúng ta muốn doanh nghiệp Việt Nam đảm nhận được phần sản xuất đó, cũng như thu hút FDI vào Việt Nam để chuyển giao công nghệ và giúp Việt Nam có nội lực lớn hơn, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa”, ông Thành nói.

Theo ông Thành, GDP 2025 tăng trưởng 7% trong kịch bản cơ bản, với tiềm năng đạt 8% nếu các yếu tố sau được phát huy.

Một là, đầu tư công chiếm 30% GDP, duy trì tăng trưởng tín dụng 15 - 16% và tổng mức đầu tư 15%. Chính phủ đang đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, tạo động lực tăng trưởng.

Hai là, tiêu dùng trong nước chiếm 60% GDP, cần đạt tăng trưởng danh nghĩa 11 - 12% thông qua các chính sách kích cầu, như giảm thuế thu nhập cá nhân hoặc hỗ trợ hộ kinh doanh gia đình.

Ba là, Ngân hàng Nhà nước duy trì chính sách bơm/hút tiền linh hoạt, giữ lãi suất liên ngân hàng ở mức 4 - 5% để đảm bảo thanh khoản mà không gây áp lực lên tỷ giá. Điều này đặc biệt quan trọng khi cầu USD cao và lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vẫn ở mức 4%, tạo hiện tượng chênh lệch lãi suất (arbitrage).

Chuyên gia MSVN dự báo, VN-Index có thể đạt 1.450 - 1.500 điểm trong năm 2025, dựa trên tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp 12 - 15% (kịch bản cơ bản) hoặc 17% (kịch bản tốt). Trong khi đó, định giá P/E đang phổ biến từ 12,5 - 13 lần, hợp lý so với tiềm năng tăng trưởng và triển vọng nâng hạng thị trường lên thị trường mới nổi vào tháng 9/2025, giúp thu hút dòng vốn ngoại, cải thiện thanh khoản, củng cố niềm tin nhà đầu tư.

Một số nhóm ngành tiềm năng, thích hợp đầu tư dài hạn (6 - 9 tháng) là hạ tầng: đường sắt, đường hầm, năng lượng - hưởng lợi từ chính sách đầu tư công và phát triển kinh tế tư nhân; công nghệ: các doanh nghiệp công nghệ bị định giá thấp, như trong lĩnh vực sản xuất linh kiện điện tử, đang có cơ hội phục hồi; doanh nghiệp tư nhân: các công ty cải thiện quản trị, tận dụng chính sách cởi mở để tìm lại giá trị, đặc biệt trong các ngành bị chiết khấu trước đó.

Đối với nhà đầu tư ngắn hạn, việc theo dõi sát bản tin thị trường, dòng tiền và các chỉ báo kỹ thuật là cần thiết để nắm bắt cơ hội giao dịch.

Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Khối Nghiên cứu và Phát triển khách hàng bán lẻ, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam

Mỹ dự kiến áp thuế đối ứng 20% cho hàng hóa sản xuất từ Việt Nam và 40% cho các hàng hóa quá cảnh sang Việt Nam. Tuy nhiên, chưa có thông tin cụ thể về các mặt hàng sẽ chịu thuế.

Có 3 khả năng nên được hiểu: một là, chúng ta sẽ có khung áp thuế 10 - 20%; hai là, áp đồng đều lên các mặt hàng 20%; ba là, 20% là mức trung bình. Tuy nhiên, theo tinh thần chung mà Mỹ muốn áp thuế cho hàng hóa Việt Nam, chúng tôi vẫn nghĩ có khả năng sẽ áp dụng mức 10 - 20% cho các hàng hóa sản xuất từ Việt Nam và mức thuế được áp dụng tùy vào tỷ lệ nguồn gốc xuất xứ hàng hóa từ nước khác.

Nếu khung thuế quan từ 10 - 20% cho hàng hóa sản xuất tại Việt Nam, thì đó cũng là dấu hiệu tích cực, mặc dù cao hơn so với kỳ vọng của chúng tôi trước đó là 10 - 15%. Theo đó, lợi thế cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam có thể cao hơn so với một số nước trong khu vực, nhưng cần chờ mức thuế cụ thể cho từng quốc gia.

Về mức thuế 40% áp dụng cho hàng hóa trung chuyển sang Việt Nam, điều quan trọng là định nghĩa và quy định cụ thể cho hàng hóa trung chuyển là gì và Việt Nam sẽ có các giải pháp như thế nào để thỏa thuận với Mỹ.

Chúng tôi đánh giá, căng thẳng thuế quan đã hạ nhiệt, mức độ ảnh hưởng lên thị trường chứng khoán sẽ thấp. Nếu thị trường chứng khoán có nhịp điều chỉnh thì đó là cơ hội mua vào. Mặc dù vậy, trên quan điểm thận trọng, các nhà đầu tư vẫn nên hạn chế các cổ phiếu chịu tác động trực tiếp từ thuế quan như xuất khẩu (dệt may, thủy sản, đồ gỗ) và FDI (bất động sản khu công nghiệp).

Ông Nguyễn Anh Quê, Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội Bất động sản Việt Nam

Kết quả đàm phán thuế quan giữa Việt Nam và Mỹ phần nào giải tỏa tâm lý lo lắng của các nhà đầu tư bất động sản. Để hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu, Ngân hàng nhà nước sẽ tiếp tục duy trì mặt bằng lãi xuất thấp, thậm chí thấp hơn nữa, ít nhất kéo dài đến hết năm 2026. Nhiều gói vay vốn đặc biệt cũng được tung ra như cho vay lãi suất 0%, vay tín chấp lên đến 5 tỷ đồng. Việc đánh thuế Chính phủ cũng hết sức cân nhắc. Nếu có đánh thuế cũng chỉ nhắm đến bất động sản có chức năng ở, tại các thành phố lớn mà vừa qua giá tăng cao, ảnh hưởng đến an sinh người dân và đánh thuế hướng đến các đội đầu cơ lướt sóng, không ảnh hưởng đến nhà đầu tư chung và dài hạn.

Sau kết quả đàm phán này, tôi dự đoán thị trường bất động sản sẽ sôi động hơn nhưng không lập tức quay trở lại mức giao dịch như quý I/2025 vì nhà đầu tư có tâm lý thăm dò, đầu tư thận trọng hơn. Việc nhà đầu tư “Nam tiến” sẽ quay trở lại mạnh mẽ hơn, nhất là ở các thị trường như Phú Quốc - hưởng lợi khi APEC 2027 tổ chức ở đây, được đầu tư cơ sở hạ tầng khoảng 220.000 tỷ đồng; Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu sáp nhập vào TP.HCM sẽ được đầu tư mạnh mẽ hơn, dân số các khu vực này sẽ tăng.

Thị trường bất động sản Việt Nam hiện nay vẫn là chân sóng chu kỳ mới và nếu không có những yếu tố khách quan đột biến tác động lớn, thì thị trường sẽ diễn ra sôi động ít nhất đến hết năm 2027. Bất động sản vẫn là ngành quan trọng của nền kinh tế trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

TS. Đặng Thảo Quyên, Đại học RMIT Việt Nam

Sự thay đổi gần đây trong chính sách thương mại của Mỹ, đặc biệt là các mức thuế quan mới áp lên hàng Việt, đang hé lộ triển vọng không đồng đều cho các nhà đầu tư nước ngoài ở Việt Nam. Một số ngành có thể duy trì khả năng chống chịu, trong khi các ngành khác sẽ chịu áp lực lớn hơn. Do đó, phản ứng chiến lược từ phía Chính phủ Việt Nam sẽ đóng vai trò then chốt để duy trì sức hút FDI.

Các ngành công nghệ cao như điện tử, dược phẩm và năng lượng được dự đoán sẽ ít bị ảnh hưởng hơn bởi thuế quan, nhờ các chính sách miễn trừ và sự quan tâm ngày càng tăng từ giới đầu tư. Điều này phản ánh những thành tựu chính sách của Việt Nam trong lĩnh vực công nghệ và các dự án đầu tư bền vững. Các khoản đầu tư gần đây như quyết định rót thêm 1,07 tỷ USD vào tỉnh Bắc Ninh của Amkor Technology hay dự án 4,9 triệu USD của BE Semiconductor Industries N.V. tại Khu công nghệ cao TP.HCM là những minh chứng rõ nét.

Để duy trì đà phát triển này, Chính phủ Việt Nam cần tiếp tục ưu tiên thu hút FDI vào các lĩnh vực công nghệ cao thông qua các ưu đãi hấp dẫn. Đồng thời, cần đảm bảo môi trường pháp lý ổn định, được củng cố bởi hệ thống chính phủ điện tử hiệu quả nhằm tăng tính minh bạch trong phê duyệt dự án, qua đó giảm thiểu quan ngại về các thay đổi chính sách. Các vấn đề về năng lượng cũng cần được giải quyết triệt để vì đây vốn là mối quan tâm lớn của các nhà đầu tư nước ngoài.

Ngoài ra, các cơ quan xúc tiến đầu tư nên xem xét phát triển một nền tảng hỗ trợ đầu tư theo vùng dựa trên trí tuệ nhân tạo, giúp hướng nhà đầu tư đến các địa phương phù hợp nhất, từ đó tăng niềm tin giữa các bên và nâng cao hiệu quả. Cũng nên cân nhắc triển khai hệ thống giao dịch tín chỉ carbon gắn với FDI để thúc đẩy đầu tư vào công nghệ xanh, phù hợp với các mục tiêu phát triển bền vững toàn cầu.

Ngược lại, các ngành xuất khẩu truyền thống như dệt may, da giày và đồ gỗ đang đối mặt với rủi ro lớn từ mức thuế mới và sự cạnh tranh từ hàng hóa Mỹ chịu thuế 0%, khiến dòng vốn FDI vào các lĩnh vực này có nguy cơ sụt giảm. Điều này đặc biệt đáng lo khi các đối thủ cạnh tranh như Ấn Độ, Bangladesh và Indonesia có khả năng sẽ chịu mức thuế thấp hơn.

Để giảm thiểu rủi ro, các ngành này cần đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, hướng đến các quốc gia có chính sách thuế ưu đãi hơn. Đồng thời, cần tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm, tuân thủ quy chuẩn và tiêu chuẩn xanh để tiếp cận các thị trường tiêu chuẩn cao như châu Âu.

Chiến lược FDI của Việt Nam cần trở nên sắc bén hơn và được tinh chỉnh theo từng ngành. Bằng cách giữ vững lợi thế ở lĩnh vực công nghệ cao và thúc đẩy các ngành dễ tổn thương chuyển hướng sang phân khúc giá trị cao và thị trường đa dạng hơn, Việt Nam có thể vượt qua cú sốc từ chính sách thương mại mới của Mỹ, đồng thời nâng cao sức cạnh tranh trên trường quốc tế.

Ông Trịnh Viết Hoàng Minh, Phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán ACB (ACBS)

Với những thông tin sơ bộ từ thông báo của Tổng thống Mỹ Donald Trump và hiện vẫn còn rất nhiều thông tin chi tiết cần làm rõ, chúng tôi cho rằng, kết quả đàm phán thuế hiện tại giữa Việt Nam và Mỹ là phù hợp với kịch bản cơ sở về các ước đoán trước đây (20 - 25% thuế đối ứng) và có tác động từ trung lập đến tiêu cực nhẹ đối với nền kinh tế Việt Nam. Một số tổ chức nghiên cứu quốc tế cũng đã dự báo về kịch bản này và cho rằng sẽ làm xuất nhập khẩu của Việt Nam suy giảm và tác động giảm khoảng 0,5% GDP của Việt Nam.

Mức thuế đối ứng 20% mà Tổng thống Trump đề cập là mức thuế “all-in”, tức là đã bao gồm 10% thuế cơ sở đang tạm tính. Mức 20% này có thể được sử dụng để so sánh tương quan với mức thuế 10% đang áp dụng cho Vương quốc Anh, hay 18% đang đàm phán với Thái Lan, 25% (hay nguy cơ leo thang thành 50%) với EU. Tuy nhiên, nếu so sánh với các quốc gia đã chính thức ký hay đang đàm phán các vòng cuối với Mỹ, thì 20% không phải là mức thấp. Vì vậy, áp lực về FDI của Việt Nam so với các quốc gia khác ngoài Trung Quốc vẫn sẽ khá lớn trong thời gian tới.

Trong khi đó, mức thuế 40% đối với hàng “trung chuyển” là một khái niệm cần làm rõ hơn.

Đối với thị trường chứng khoán, tác động của thuế quan sẽ khác biệt đối với từng nhóm ngành. Nhóm hàng điện tử và máy tính, điện thoại và linh kiện, máy móc thiết bị, giày dép, xơ, sợi dệt, nguyên phụ liệu dệt may… đều là các nhóm hàng có hàm lượng FDI rất cao, tỷ lệ nhập khẩu nguyên vật liệu từ Trung Quốc lớn, từ đó đối mặt với nguy cơ bị áp thuế 40%. Trong khi các nhóm gỗ, nông thủy sản, cao su… sẽ không gặp vấn đề về xuất xứ.

Nhóm phóng viên

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/coi-bo-dan-ap-luc-thue-doi-ung-post372574.html