Cởi bỏ tâm lý sợ sai cho cán bộ
Đất nước không thể có những đột phá nếu cán bộ không dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Nhưng để cán bộ '6 dám', họ rất cần được bảo vệ nhằm cởi bỏ tâm lý sợ sai của chính mình. Kết luận 14-KL/TW của Bộ Chính trị đã tạo cơ chế để khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung…
Để cán bộ dám làm, dám chịu trách nhiệm
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều lần khẳng định: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, “Muôn việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém”. Và cơ chế bảo vệ cán bộ “6 dám” gồm: “Dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám nói, dám đột phá sáng tạo và dám đương đầu với khó khăn, thử thách” là điểm nhấn rất quan trọng trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng. Lần đầu tiên, Văn kiện của Đảng đã thẳng thắn đề cập đến cơ chế bảo vệ cán bộ với “6 dám”. Gọi là mới, song thực chất vấn đề đã được đặt ra từ lâu. Đã nhiều lần, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhắc đến cơ chế “bảo vệ cán bộ” để họ dám làm và dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung của đất nước.
Ông Nguyễn Sự, nguyên Bí thư Thành ủy Hội An, tỉnh Quảng Nam là một cán bộ như vậy. Luôn giàu có về sức nghĩ, sức sáng tạo, khả năng biến ý tưởng thành hiện thực. Từ chủ trương tổ chức cho khách ra đảo Cù lao Chàm đốt lửa hát nhạc bolero, kêu gọi người dân bảo tồn phố cổ… để bây giờ người dân Hội An đã biến vườn rau, đồng ruộng thành sản phẩm du lịch hút khách du lịch về làng, thay vì san lấp để xây dựng. Một Hội An cổ kính nhưng lại hiện đại trong tư duy phát triển du lịch. Và ông Sự là “cha đẻ” của những ý tưởng đó.
Tương tự để phát triển du lịch, ông Phan Ngọc Thọ, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Thừa Thiên-Huế, trong thời gian là Chủ tịch UBND tỉnh đã làm nên cuộc di dân lịch sử với hơn 4.500 hộ dân để giải phóng mặt bằng, trả lại hiện trạng cho Kinh thành Huế.
Đại biểu Quốc hội khóa XV Trần Hữu Hậu, nguyên Bí thư Thành ủy Tây Ninh (tỉnh Tây Ninh), khi đang là Bí thư Thành ủy Tây Ninh, ông đã mở trang facebook cá nhân để tiếp nhận và chỉ đạo giải quyết những vấn đề dân sinh còn bất cập, đồng thời quyết liệt chỉ đạo ứng dụng công nghệ thông tin nhằm đẩy mạnh cải cách hành chính ở địa phương. Ông được gọi là “cha đẻ” của ứng dụng công nghệ thông tin vào cải cách hành chính và thực hiện xây dựng “Phường xã vì dân”, “Thành phố thông minh” và vinh dự nhận giải thưởng lãnh đạo công nghệ thông tin tiêu biểu khu vực Đông Nam Á.
Sự dám nghĩ, dám làm của những cán bộ ấy rất đáng trân trọng. Nhất là, trong bối cảnh cuộc đấu tranh chống tham nhũng ở nước ta đang rất quyết liệt, có một bộ phận nhỏ cán bộ còn có tâm lý e dè, ngại ngần, sợ sai trong thực thi công vụ của mình; thì “6 dám” là “liều thuốc” rất kịp thời, giúp cán bộ cởi bỏ tâm lý sợ sai trong thực hiện nhiệm vụ được giao. Quán triệt chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Ban Tổ chức Trung ương đã có Đề án Xây dựng cơ chế khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.
Trên cơ sở đó, Bộ Chính trị vừa ban hành Kết luận 14-KL/TW về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung. Theo đó, khuyến khích cán bộ có tư duy sáng tạo, cách làm đột phá, tháo gỡ, giải quyết những điểm nghẽn, nút thắt trong cơ chế, chính sách, tập trung vào những vấn đề chưa được quy định hoặc đã có quy định nhưng không phù hợp với thực tiễn khi giải quyết công việc.
Không đổi mới, khó hội nhập
Kết luận 14-KL/TW yêu cầu: “Các cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu, tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị quan tâm hỗ trợ nguồn lực, tạo điều kiện thuận lợi để cán bộ dám nghĩ, dám làm thực hiện nhiệm vụ”. Về việc “bảo vệ cán bộ” trong Kết luận 14-KL/TW nêu: Khi cán bộ thực hiện thí điểm mà kết quả không đạt hoặc chỉ đạt được một phần mục tiêu đề ra hoặc gặp rủi ro, xảy ra thiệt hại thì cấp có thẩm quyền phải kịp thời xác định rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan, đánh giá công tâm để xem xét, xử lý phù hợp, nếu thực hiện đúng chủ trương, có động cơ trong sáng, vì lợi ích chung thì được xem xét miễn hoặc giảm nhẹ trách nhiệm. Đó chính là “trụ đỡ” quan trọng để cán bộ sáng tạo, đột phá tìm hướng đi mới cho sự phát triển.
Theo ông Đỗ Đức Duy, Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái, chúng ta đang trong tiến trình xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN, trong quá trình đổi mới thì không thể tránh khỏi có những vấn đề bất cập xảy ra trong thực tiễn mà hệ thống cơ chế chính sách pháp luật chưa điều chỉnh, bổ sung kịp thời. Việc Đảng có cơ chế để bảo vệ những người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm về sự phát triển chung của địa phương và cả đất nước sẽ giúp lãnh đạo các địa phương tự tin và vững tâm hơn khi dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám mạnh dạn đổi mới vì mục tiêu phát triển của địa phương, cũng như của đất nước.
Ông Nguyễn Tiến Dĩnh, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ nhìn nhận, yêu cầu mới đặt ra là phải kiên quyết và có cơ chế đủ mạnh để bảo vệ những người dám nói, dám làm với động cơ trong sáng. “Có cơ chế bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung sẽ loại bỏ được tâm lý e dè, cán bộ chỉ làm đúng chức trách, nhiệm vụ. Nếu không sẽ không ai dám làm, dám đột phá” - ông Dĩnh nói.
Đại biểu Quốc hội Trần Quốc Tuấn, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Trà Vinh (đoàn Trà Vinh) cho rằng: Muốn đất nước đổi mới theo hướng tích cực rất cần những cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới sáng tạo vì sự nghiệp chung, vì lợi ích của nhân dân; bởi trong quá trình hội nhập, nếu không có những đổi mới theo hướng tích cực thì khó có thể thành công.
Dám nghĩ, dám làm không có nghĩa là “làm liều”
Ông Trần Ngọc Vinh, đại biểu Quốc hội khóa XIII cho rằng: Trước đây đã có ông Kim Ngọc, cố Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc; ông Đoàn Duy Thành, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, nguyên Bí thư Thành ủy Hải Phòng đã có những “xé rào”, dám nghĩ, dám làm nên trong cơ chế thời điểm đó họ và gia đình đã phải chịu nhiều thiệt thòi. Về sau này thực tế chứng minh và chúng ta mới thấy rõ được hiệu quả của sự đột phá dám nghĩ, dám làm đó của họ.
Do đó việc Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 14- KL/TW trong bối cảnh hiện nay là rất cần thiết, tạo niềm tin vững chắc cho đội ngũ cán bộ, đảng viên dấn thân, tiên phong, đi đầu trong quá trình đổi mới, sáng tạo để tạo nên những đột phá. Dám nghĩ, dám làm không có nghĩa là “làm liều” mà cán bộ, đảng viên phải tuân thủ quy trình báo cáo cấp có thẩm quyền để xem xét, bảo vệ. Đặc biệt, cần xem xét người dám nghĩ, dám làm đó có làm vì dân, vì nước hay vì lợi ích nhóm, cá nhân, ông Vinh chia sẻ, đồng thời cho rằng các cấp cần phải quán triệt sâu sắc tinh thần của Kết luận 14-KL/TW để kết luận thực sự đi vào cuộc sống.
Cần “lượng hóa” bằng quy định cụ thể để đánh giá cán bộ
Theo ông Tô Văn Tám, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội: Việc Bộ Chính trị ban hành Kết luận 14-KL/TW về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung là rất cần thiết. Bởi cuộc sống luôn luôn biến đổi, phát triển, do đó cần những cán bộ năng động, sáng tạo trong hoạt động thực tiễn, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Đó là những cán bộ có “tầm nhìn trước”, có cách làm đột phá đem lại hiệu quả trong thực tiễn. Cho nên cần có cơ chế để bảo vệ khuyến khích những người dám đột phá, dám nghĩ, dám làm.
Ông Tám cho rằng, trong đột phá có thể thành công hoặc chưa thành công. Nhưng nếu là người toàn tâm toàn ý vì cái chung, dù chưa thành công song họ cần được bảo vệ, bởi không phải lúc nào đột phá cũng thành công. Đặc biệt trên thực tế giữa năng động sáng tạo và cố ý làm trái rất mong manh. Vì vậy trên cơ sở Kết luận 14-KL/TW của Bộ Chính trị cần “lượng hóa” bằng quy định cụ thể để có thể đánh giá cán bộ đó.
“Để chủ trương của Đảng sớm đi vào cuộc sống cần phải xây dựng cơ chế cụ thể, có thể là Quy chế của Trung ương, hoặc về mặt Nhà nước có thể cụ thể hóa, luật hóa bằng một văn bản quy phạm pháp luật về đánh giá và bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Như thế sẽ dễ thực hiện hơn trong thực tế” - ông Tám khuyến nghị.
H.Vũ (ghi)
Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/coi-bo-tam-ly-so-sai-cho-can-bo-5668288.html