Coi chừng có kết quả trúng tuyển đại học sớm nhưng vẫn rớt

Thí sinh dù đã trúng tuyển đại học sớm bắt buộc phải đăng ký nguyện vọng xét tuyển trên hệ thống tuyển sinh của Bộ GD&ĐT từ 18-7 đến 17 giờ ngày 30-7.

Đến thời điểm này, đa số các trường đại học (ĐH) trên cả nước đã công bố kết quả trúng tuyển theo các phương thức xét tuyển sớm. Như vậy, trước khi có kết quả thi tốt nghiệp THPT (17-7), lượng lớn thí sinh (TS) đã có tên trong danh sách trúng tuyển đại học.

Thí sinh xét tuyển sớm tăng cao

Qua thông tin công bố từ các trường ĐH, năm nay, các phương thức xét tuyển sớm thu hút lượng lớn TS tham gia, tăng hơn hẳn các năm trước. Điểm trúng tuyển vì thế cũng tăng ở nhiều phương thức như xét học bạ, xét kết quả thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM

Cụ thể, như ở phương thức xét kết quả thi đánh giá năng lực, thống kê từ ĐH Quốc gia TP.HCM, năm nay, có 104.843 thí sinh dự thi, tăng hơn 3.000 em so với năm 2023. Đây là năm có số thí sinh dự thi cao nhất trong 7 năm tổ chức.

Năm 2024 này, có 43.498 thí sinh đăng ký xét tuyển trên hệ thống chung với 68 trường ĐH-CĐ của ĐH Quốc gia TP.HCM, tăng 8,5% so với năm ngoái. Trong đó, 32.898 TS đăng ký vào các đơn vị thuộc ĐH Quốc gia TP.HCM, với tổng số nguyện vọng đăng ký là 215.715, tăng 13,5% so với năm 2023.

Đây cũng là lý do khiến điểm chuẩn ở phương thức này tăng cao ở các ngành, các trường thuộc ĐH Quốc gia TP.HCM. Trong đó, ngành có điểm cao nhất lên đến 1.052 điểm và thấp nhất cũng ở trên dưới 700 điểm, thang điểm 1.200.

Hay như tại Trường ĐH Sài Gòn, hầu hết các ngành đều có điểm chuẩn tăng, từ vài chục đến hơn 100 điểm.

Ở phương thức xét học bạ cũng tương tự khi nhiều trường ghi nhận số thí sinh tham gia xét tuyển sớm tăng cao. Đơn cử, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM năm nay tuyển khoảng 7.000 chỉ tiêu, trong đó trường dành chừng 50% cho các phương thức xét tuyển sớm.

Thế nhưng, theo đại diện của trường, số lượng TS đăng ký xét tuyển sớm năm nay tăng kỷ lục khi lên đến khoảng 100.000 nguyện vọng xét tuyển. Nhiều nhất là các ngành thuộc khối công nghệ thông tin, kỹ thuật, kinh tế….

Hay như tại Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, năm nay, trường nhận hơn 35.000 hồ sơ đăng ký ở các phương thức xét tuyển sớm, gồm xét bằng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM; xét tuyển thẳng theo quy định của Bộ GD&ĐT, ưu tiên xét tuyển theo đề án của trường; sử dụng kết quả học tập THPT.

Điều này khiến điểm chuẩn của trường tăng theo, như ở phương thức xét kết quả học tập THPT, hầu hết các ngành đều tăng từ 1 đến 1,5 điểm, ngành tăng nhiều nhất là 2,5 điểm.

 Theo quy định, thí sinh trúng tuyển đại học sớm bắt buộc phải đăng ký xét tuyển trên hệ thống chung của Bộ GD&ĐT để được lọc ảo và trả kết quả chính thức.

Theo quy định, thí sinh trúng tuyển đại học sớm bắt buộc phải đăng ký xét tuyển trên hệ thống chung của Bộ GD&ĐT để được lọc ảo và trả kết quả chính thức.

Cẩn trọng kẻo “ngã về không”

Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, năm 2024 có đến 20 phương thức xét tuyển vào ĐH, trong đó đa số là các phương thức xét tuyển sớm. Đây là những phương thức không sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT và được các cơ sở đào tạo thực hiện xét tuyển, công bố kết quả trước khi đến thời gian đăng ký xét tuyển chính thức theo kế hoạch chung của Bộ GD&ĐT (sau kỳ thi tốt nghiệp THPT).

Việc này nhằm giúp các cơ sở đào tạo chủ động kế hoạch tuyển sinh, TS cũng chủ động xét tuyển để trúng tuyển đại học sớm vào ngành học, trường học yêu thích mà không áp lực khi phụ thuộc vào kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Tuy nhiên, hạn chế của xét tuyển sớm là tỉ lệ TS trúng tuyển ảo rất lớn vì TS được đăng ký xét tuyển ở nhiều phương thức, nhiều ngành và nhiều trường khác nhau.

Do đó, theo quy định của Bộ GD&ĐT năm 2024, bộ sẽ tổ chức đăng ký xét tuyển ĐH và lọc ảo chung ở đợt 1 cho tất cả TS ở tất cả các phương thức, bao gồm xét điểm thi tốt nghiệp THPT và TS đã trúng tuyển đại học ở các phương thức xét tuyển sớm.

Vì vậy, những TS đã có kết quả trúng tuyển sớm chỉ là tạm thời. Để được trúng tuyển chính thức, TS phải được công nhận tốt nghiệp THPT. Đồng thời phải thực hiện đăng ký nguyện vọng xét tuyển trên hệ thống tuyển sinh của Bộ GD&ĐT trong thời gian từ 18-7 đến 17 giờ ngày 30-7.

Khi đó, các em được đăng ký nguyện vọng không giới hạn số lượng, theo thứ tự mức độ ưu tiên giảm dần (nguyện vọng 1, nguyện vọng 2, 3…). Trong đó, nguyện vọng 1 là ngành mà TS yêu thích nhất trong các ngành đã trúng tuyển sớm hoặc muốn xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2024.

Việc này để đảm bảo cho TS chỉ trúng tuyển vào một nguyện vọng duy nhất sau khi lọc ảo chung. Sau đó, hệ thống sẽ thực hiện lọc ảo và trả về kết quả trúng tuyển chính thức vào trước 17 giờ ngày 19-8.

Không được yêu cầu thí sinh phải đăng ký nguyện vọng 1

Theo văn bản chỉ đạo của Bộ GD&ĐT năm 2024 về công tác tuyển sinh ĐH; tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục mầm non, Bộ yêu cầu các cơ sở đào tạo phải tải danh sách tất cả TS trúng tuyển đại học sớm lên hệ thống để xử lý nguyện vọng, đảm bảo đồng nhất thông tin TS nộp về trường và trên hệ thống.

Các cơ sở đào tạo không được phép yêu cầu, thỏa thuận với TS cam kết hoặc xác nhận nhập học sớm dưới bất kỳ hình thức nào (nộp phí giữ chỗ, thu trước hồ sơ...).

Đồng thời, không được yêu cầu TS phải đăng ký nguyện vọng 1 trên hệ thống mới được xét tuyển (trừ trường hợp TS đăng ký xét tuyển vào các trường công an, quân đội).

Bộ GD&ĐT lưu ý các cơ sở tuyệt đối không được điều chỉnh danh sách trúng tuyển đại học chính thức sau khi bộ trả kết quả lọc ảo. Ngoài ra, các trường phải quy định tất cả TS xác nhận nhập học bằng hình thức trực tuyến trên hệ thống, trước khi nhập học tại trường.

PHẠM ANH

Nguồn PLO: https://plo.vn/coi-chung-co-ket-qua-trung-tuyen-dai-hoc-som-nhung-van-rot-post800169.html