Coi chừng lên cân vì xem những trận Euro 2024 nhàm chán
Việc xem thể thao qua truyền hình có ảnh hưởng đến việc chúng ta ăn vặt. Vậy nên xem Euro 2024 thế nào cho khỏi tốn mồi.
Bạn đã bao giờ tự hỏi tại sao mình lại hay ăn vặt sau khi tập gym chưa? Nghiên cứu cho thấy rằng tập thể dục thường dẫn đến việc tiêu thụ thực phẩm nhiều hơn, cho dù đó là tự thưởng bản thân sau khi hoàn thành thử thách hay bổ sung năng lượng đã đốt cháy.
Với vô số sự kiện thể thao được phát sóng trong hè này và màn hình tràn ngập các trận bóng đá như EURO hay Copa America, một câu hỏi mới được đặt ra: Liệu việc xem thể thao qua truyền hình có ảnh hưởng đến việc chúng ta ăn bao nhiêu không?
Câu trả lời là có. Nghiên cứu của Birau Mia, Phó giáo sư ngành Marketting, Trường Kinh doanh EM Lyon và Carolina O.C. Werle, Giáo sư ngành Marketting, Grenoble École de Management (GEM), đồng tác giả với Jannine Lasaleta, tiết lộ rằng việc xem thể thao qua truyền hình có thể làm tăng mức tiêu thụ kẹo. Nhưng câu chuyện còn nhiều điều hơn thế: độ khó của môn thể thao mà khán giả chọn xem đóng một vai trò quan trọng trong hiệu ứng này.
Từ màn hình đến đồ ăn vặt
Để làm rõ chuyện này, nhóm mời 112 sinh viên gồm cả nam và nữ đến phòng thí nghiệm thực nghiệm Grenoble Ecole de Management để xem video và nếm một số loại kẹo. Một nửa số sinh viên xem video là dân thể thao, trong khi nửa còn lại hầu như không tham gia hoạt động thể chất.
Sau đó, họ đưa cho mỗi sinh viên một cốc kẹo nặng 70g và yêu cầu các em đánh giá chất lượng của nó trong ba phút. Những sinh viên là dân thể thao hóa ra lại ăn nhiều kẹo hơn những sinh viên lười hoạt động thể chất.
Do đó, thử nghiệm ban đầu của các nhà nghiên cứu cho thấy rằng việc chơi thể thao có thể tăng mức tiêu thụ kẹo. Nhưng còn có một vấn đề khác: sinh viên nam thích ăn kẹo nhiều hơn sinh viên nữ, vì vậy có thể kết quả của thử nghiệm là do nam sinh tiêu thụ. Ngoài ra, các nhà nghiên cứu vẫn không chắc chắn liệu loại hình thể thao mà sinh viên được xem có ảnh hưởng đến lượng kẹo ăn vào hay không.
Để tìm hiểu thêm, các nhà nghiên cứu chỉ mời các sinh viên nữ xem video quay lại các môn thể thao có độ từ dễ (chạy bộ) đến khó (thể dục dụng cụ, bóng chày, bóng bầu dục hoặc leo núi). Sau đó, sinh viên được mời thử các loại kẹo giống như trước.
Những sinh viên xem video thể thao dễ (có cảnh một VĐV nữ và một VĐV nam chạy bộ trong khung cảnh nên thơ) ăn nhiều kẹo hơn (30,1 gam) so với những sinh viên xem video thể thao khó (18 gam).
Do đó, nhóm kết luận rằng mức độ dễ hay khó của chương trình thể thao trên truyền hình ảnh hưởng đáng kể đến việc tiêu thụ kẹo, theo hướng xem các môn thể thao dễ thực hiện sẽ ăn kẹo nhiều hơn đáng kể so với xem các môn thể thao khó.
Tại sao chuyện này lại xảy ra?
Để giải thích hiện tượng, các nhà nghiên cứu đã xem xét về động lực mục tiêu. Khi mọi người cảm thấy mình không đạt được mục tiêu, họ sẽ cố gắng nhiều hơn; nhưng một khi họ nhận thấy có sự tiến bộ, họ có xu hướng thả lỏng, mất cảnh giác.
Ví dụ, sau khi tập luyện, những người muốn giữ dáng nếu cảm thấy họ đã tiến triển thì thường giảm bớt nỗ lực. Điều này có thể dẫn đến giảm động lực theo đuổi các mục tiêu liên quan, chẳng hạn như kiêng khem ăn uống.
Nghiên cứu cho thấy rằng việc đạt được những mục tiêu nhỏ hơn (chẳng hạn như tập thể dục) có thể khiến nhiều người cảm thấy họ thoải mái, điều này có thể dẫn đến việc ăn nhiều hơn. Vì vậy, việc hoàn thành khối lượng sau một buổi tập có thể khiến bạn dễ “hào phóng” tự thưởng cho mình thêm chút đồ ăn khoái khẩu hơn là khi bạn chưa hoàn thành buổi tập của mình.
Nghiên cứu của nhóm cho thấy rằng ngay cả việc “xem thể thao” chứ không phải tham gia thể thao cũng có thể mang lại cảm giác hoàn thành gián tiếp các mục tiêu về thể chất. Khi mọi người có thể hình dung mình đang thực hiện hoạt động mà họ đang xem, họ cũng cảm thấy như thể họ đã nhập vai vào VĐV.
Nếu người xem nhận thấy bài tập được hiển thị là dễ chứ không phải khó, họ có thể tưởng tượng mình đang thực hiện nó dễ dàng hơn, dẫn đến cảm giác tự huyễn rằng mình tiến bộ hơn trong việc đạt được mục tiêu về thể chất của bản thân. Từ nhận thức tự huyễn này, người xem cảm thấy mình có quyền tự thưởng cho bản thân và dẫn đến lượng thức ăn nạp vào tăng lên.
Vậy cần làm gì?
Kiến thức này có thể được sử dụng bởi các nhà dinh dưỡng nhằm điều chỉnh lối sống lành mạnh. Khi thúc đẩy các hoạt động lành mạnh bằng cách hình dung hoạt động thể chất có vẻ quá dễ dàng, mọi người có thể cảm thấy đạt được thành tựu lớn hơn, điều này có thể gây tác dụng ngược và dẫn đến việc dễ dãi với bản thân.
Các nhà khuyên cứu khuyên mọi người nên xem một bài vận động dễ (như đi bộ hoặc chạy bộ), sau đó là một bài tập khó hơn (như chạy nước rút hoặc chạy marathon) như một giải pháp thay thế.
Cách tiếp cận này có thể thúc đẩy mọi người tâm lý dễ dàng bắt đầu với các bài tập cơ bản đồng thời nhắc nhở rằng vẫn còn một chặng đường dài để đạt được mục tiêu về thể chất của họ. Chiến lược này có thể là giải pháp để thúc đẩy hoạt động thể chất mà không mang lại cảm giác thành công tự huyễn.
Vậy điều gì sẽ mang lại cho chúng ta từ nghiên cứu này? Hãy để ý việc xem thể thao có thể ảnh hưởng đến thói quen ăn uống của chúng ta như thế nào. Nếu bạn đang muốn duy trì chế độ ăn kiêng, hãy xem những môn thể thao thử thách hơn hay tìm những trận đấu mà Romelo Lukaku nỗ lực ghi bàn có thể giúp bạn khỏi thèm ăn kẹo ngọt. Cứ nhìn thân hình quá khổ của Lukaka và vụng về dứt điểm là nhiều người thấy cần kiêng ăn rồi.
Hơn nữa, khi đặt mục tiêu ăn kiêng, hãy nhắc nhở bản thân rằng sự tiến bộ chỉ thực sự đến từ nỗ lực kiên trì chứ không chỉ tưởng tượng mình đang vận động trên sân. Cần tham gia vào các hoạt động thực sự thách thức và kết hợp chúng với thói quen ăn uống lành mạnh. Bằng cách này, bạn có thể tránh được cái bẫy tự huyễn rằng mục tiêu vận động sẽ được hoàn thành khối lượng sớm và sau đó... vỡ mộng.
Tóm lại, có nên xem các trận đấu Euro trong khi vẫn duy trì chế độ ăn kiêng của mình không? Tùy hoàn cảnh mỗi người nhưng tốt hơn hết bạn nên chọn những trận có độ vận động cao chứ đừng chọn các trận mà các cầu thủ chuyền qua chuyền lại trên sân nhà hay chỉ toàn đi bộ.