Coi chừng sập bẫy 'thợ săn đầu người'

Headhunter (săn đầu người) là cách gọi của những chuyên viên tuyển dụng trung gian, làm việc độc lập hoặc làm việc cùng công ty tư vấn nhân sự. Nhiệm vụ chính của các headhunter là tìm kiếm ứng viên cho các tổ chức, doanh nghiệp có nhu cầu, đặc biệt là tìm các vị trí cấp cao, các CEO (giám đốc điều hành).

Đây là nghề có thu nhập cao nhất trong lĩnh vực nhân sự, với mức hoa hồng “khủng”. Điều này vô tình trở thành “miếng mồi” cho các đối tượng xấu lợi dụng lừa đảo…

“Ông mai bà mối” cao cấp

Tìm kiếm nhân sự có trình độ chuyên môn, có kinh nghiệm làm việc, có khả năng hoạch định chiến lược kinh doanh, chịu được áp lực cao làm việc cho các công ty, tập đoàn luôn là ưu tiên hàng đầu của các “thợ săn đầu người”.

Từng có hơn 10 năm làm Trưởng vùng Đông Nam Á cho tập đoàn trong lĩnh vực dược phẩm, bà Nguyễn Lan H. (48 tuổi, ngụ Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh), một ứng viên tiềm năng cho vị trí trưởng phòng kinh doanh hoặc CEO của các công ty nước ngoài có trụ sở tại Việt Nam đang là đối tượng trong tầm ngắm của các “thợ săn”. Nắm được thông tin bà H. vừa nghỉ việc, nhiều headhunter đã tìm cách liên hệ với bà H. để chào mời cho vị trí mới.

Nghề “săn đầu người” là nghề mang lại thu nhập cao nhưng cũng tiềm ẩn nhiều vấn đề.

Nghề “săn đầu người” là nghề mang lại thu nhập cao nhưng cũng tiềm ẩn nhiều vấn đề.

Sau thời gian chọn lọc thông tin, đánh giá tính xác thực của công việc, bà H. đã đồng ý gửi hồ sơ cho headhunter tên Minh Tuấn, giới thiệu là “thợ săn” nhân sự cao cấp cho tập đoàn T.S, trụ sở chính tại Singapore đang mở rộng thị trường ở Việt Nam. Xem xong hồ sơ của ứng viên, Minh Tuấn đã hẹn gặp bà H. tại một quán cà phê ở Q.1 để nói chuyện trước khi gửi lên tập đoàn xếp lịch phỏng vấn. Buổi nói chuyện diễn ra thoải mái, cởi mở. Bà H. được Tuấn bật mí trước về mức lương và các khoản phụ trợ, ưu đãi. Với thu nhập hơn 5.000 USD/tháng (khoảng 122 triệu đồng Việt Nam) là con số không hề nhỏ cho ứng viên, Bà H. đồng ý và hứa “lại quả” cho “thợ săn” Minh Tuấn 50 triệu đồng khi trúng tuyển.

Khoảng một tuần sau, bà H. được thông báo sẽ có lãnh đạo tập đoàn phỏng vấn vòng đầu tiên qua hình thức trực tuyến từ bên trụ sở Singapore. Tuấn là người hỗ trợ bà H. phỏng vấn, luôn bên cạnh bà trong suốt quá trình nói chuyện bằng tiếng Anh với “sếp” tập đoàn.

Buổi phỏng vấn suôn sẻ, lãnh đạo đánh giá cao ứng viên này và cơ bản là đồng ý với hồ sơ năng lực của bà H.

Qua ngày hôm sau, bà H. nhận được cuộc gọi của Tuấn thông báo bà đã trúng tuyển vị trí quản lý vùng cho tập đoàn, một tháng sau sẽ qua Singapore để ký kết hợp đồng. Bà H. cũng nhận được email của tập đoàn về việc đồng ý tuyển dụng. Cuộc “mai mối” coi như thành công, Tuấn hỏi bà H. về khoản hoa hồng 50 triệu. Bà H. nói sẽ đưa sau khi ký hợp đồng nhưng Tuấn giải thích, công việc đã thành công tức là phải thanh toán liền. Trước sức ép từ Tuấn và cũng muốn lấy danh dự với tập đoàn nên bà H. đồng ý đưa tiền.

Một tháng sau, bà H. nhận được email của công ty thông báo vì thủ tục pháp lý ở Việt Nam chưa hoàn thành nên chưa thể ký hợp đồng với ứng viên được, dự kiến ba tháng sau công ty sẽ liên hệ với ứng viên.

Bà H. tiếp tục chờ đợi hết ba tháng vẫn không thấy động tĩnh gì từ tập đoàn, bà hỏi Tuấn thì được trả lời rất vô trách nhiệm: “Việc này thuộc về tập đoàn, tôi đã hoàn thành xong nhiệm vụ tuyển dụng”. Bà H. cảm giác bất an, liền email lại cho tập đoàn nhưng mãi không thấy hồi âm. Bà liền tìm hiểu về pháp lý tập đoàn này ở Singapore và thấy họ đang hoạt động rất tốt. Sẵn có vốn tiếng Anh, bà H. đã liên hệ trực tiếp với tập đoàn để hỏi về hồ sơ của mình thì được hồi đáp không có tên của bà trong ứng viên tuyển dụng. Ở Việt Nam, họ cũng chưa có kế hoạch tuyển dụng quản lý vùng.

Quay lại “thợ săn” Minh Tuấn, bà H. cố gắng liên hệ nhưng không thể gặp lại người này. “Tôi chưa từng nghĩ mình bị lừa như thế, luôn tự tin ở trình độ, năng lực công việc của mình. Đúng là khi bước ra đời, mình còn quá khờ khạo”, bà H. buồn bã kể.

Bà N. không thể ngờ được mình bị “sập bẫy thợ săn”.

Bà N. không thể ngờ được mình bị “sập bẫy thợ săn”.

Những năm về trước, headhunter là nghề rất uy tín, được đánh giá quan trọng vì là cầu nối giúp các công ty, tập đoàn lớn “săn đầu người” hiệu quả. Tuy nhiên, khi thời đại bùng nổ công nghệ thông tin, mạng xã hội chiếm ưu thế khiến nghề này bị lạm dụng, các đối tượng đã nghiên cứu, tìm hiểu để xây dựng một kịch bản lừa đảo tinh vi như đã từng lừa bà H., một CEO không phải “dạng vừa”. Để dẫn dắt bà H. vào tầm ngắm, chúng đã tìm hiểu rất kỹ lý lịch hồ sơ của nạn nhân thông qua các kênh nhân sự kết nối với nhau. Khi đưa “con mồi” vào tròng, trúng cử ra một đại diện gặp gỡ, trao đổi sau đó tạo lập một cuộc phỏng vấn giả mạo với “sếp” là người nước ngoài. Bà H. hoàn toàn không nghi ngờ gì về kế hoạch này và đã “sập bẫy” rất nhanh chóng.

Thực tế, những CEO trình độ cao rơi vào bẫy của “thợ săn đầu người” như bà H. không hề thiếu. Họ bị lừa mất tiền và không dám lên tiếng vì sợ ảnh hưởng đến danh dự, uy tín, sợ tai nạn sẽ khiến hồ sơ ứng viên của họ sau này bị đánh giá thấp đi, sợ gia đình, bạn bè dè bỉu…Những nỗi sợ ấy khiến nhiều người chỉ biết cắn răng chịu đựng, chấp nhận mất tiền trong hoài nghi và bức xúc.

Đó là tình cảnh của bà Vũ Minh N. (50 tuổi, ngụ Q.3, TP Hồ Chí Minh). Bà N. vừa rời vị trí giám đốc bán hàng cho tập đoàn mỹ phẩm của Đức sau hơn 8 năm gắn bó. Ở vị trí cũ, mức lương của bà N. trung bình 80 - 100 triệu đồng/tháng, ngoài ra còn hưởng hoa hồng doanh thu. Nắm được thông tin này, các “thợ săn” đã liên hệ với bà N. để mời gọi bà cho vị trí giám đốc phụ trách Việt Nam cho các công ty làm đẹp nước ngoài. Dự định của bà N. sẽ về mở công ty riêng và không làm CEO nữa nhưng trước sức hút của vị trí tuyển dụng cũng như mức lương khủng đã thu phục được bà N. Bà đồng ý giao hồ sơ cho nhóm “thợ săn”. Người thường xuyên liên hệ với bà N. tên Tú, giới thiệu phụ trách nhân sự của tổng công ty B.J, nơi bà N. sẽ phỏng vấn làm giám đốc phụ trách Việt Nam.

Trước khi phỏng vấn, bà N. được Tú mách nhỏ là đang có hơn chục bộ hồ sơ ứng viên cạnh tranh với vị trí của bà, trong đó nhiều hồ sơ “nặng ký” về kinh nghiệm và trình độ. Đồng thời, “thợ săn” cũng bật mí luôn mức lương mà Tổng công ty sẽ chi trả cho ứng viên này là khoảng 10.000 USD/tháng (khoảng hơn 220 triệu đồng Việt Nam). Đây là con số trong mơ của mọi người, bà N. không nằm ngoài tham vọng đó. Đánh vào tâm lý này, “thợ săn” đã bàn với bà N. ứng trước một tháng lương cho bộ phận phụ trách nhân sự để họ duyệt hồ sơ nhanh chóng và dành phần ưu tiên cho ứng viên.

Bà N. đồng ý ngay, chuyển tiền cho nhóm “thợ săn” để xí phần. Chuyển tiền xong, bà N. được hẹn phỏng vấn trực tuyến với giám đốc nhân sự của Tổng công ty là người Đức qua hình thức trực tuyến. Sau khi phỏng vấn, bà N. được giám đốc đánh giá cao. Bà N. ngồi ở nhà chờ thông báo trúng tuyển giám đốc từ email và chỉ ba ngày sau bà có tin trúng tuyển thật. Tuy nhiên, bà chờ mỏi mòn vẫn chưa thấy người của Tổng công ty sang Việt Nam bàn giao công việc. Bà hỏi nhóm “thợ săn” thì được trả lời “đã mai mối công việc thành công rồi”.

Bẵng đi hơn hai tháng, vẫn không thấy ai tới giao nhiệm vụ cho mình, bà N. gửi email hỏi công ty vẫn không có hồi âm, gọi cho người tên Tú không bao giờ nghe máy. Lúc này, bà biết mình đã bị lừa nhưng không dám nói cho gia đình, cũng không dám kêu than với ai.

Khi kể với chúng tôi, bà N. vẫn còn nguyên những bức xúc, phẫn nộ. Bà không ngờ, bằng này tuổi rồi mà vẫn bị lừa đau đớn đến vậy.

Cái gọi là “săn đầu người”

Bên cạnh tìm hiểu, nghiên cứu ứng viên tiềm năng cho vị trí công việc, các đối tượng còn am hiểu rất cặn kẽ công việc của headhunter, thậm chí có người đã từng làm “thợ săn” nhiều năm và có kinh nghiệm trong lĩnh vực này. Chúng biết rõ, headhunter có nhiều điểm tương đồng với nhân viên kinh doanh, phải chịu áp lực về doanh số, phải liên tục mở rộng vòng quan hệ của bản thân để tìm kiếm ứng viên. Làm việc với con người thường xuyên cũng đồng nghĩa với việc các headhunter luôn phải chịu rủi ro vì những yếu tố khó kiểm soát. Các đối tượng sẽ đóng giả là ứng viên đăng ký tuyển dụng với các headhunter, với bản lý lịch đẹp như tranh.

Thùy Trang, từng có hơn ba năm phụ trách tiếp nhận hồ sơ nhân sự cho các công ty của Ấn Độ tại TP Hồ Chí Minh chia sẻ, headhunter là nghề được đánh giá có thu nhập cao nhất trong ngành nhân sự. Những "ông mai bà mối" thường được trả hoa hồng sau khi ứng viên đã làm việc chính thức ở công ty mới. Mức hoa hồng tính bằng mức lương ứng viên nhận việc, thông thường là một tháng với vị trí nhân viên và hai tháng với vị trí cao cấp hơn. Cá biệt có những trường hợp "săn" vị trí cấp cao trong ban lãnh đạo hoặc quản lý vùng sẽ nhận mức hoa hồng rất khủng.

Mức chi phí hoa hồng khá cao nên các đối tượng đã lợi dụng vào việc này để trục lợi. Trang cho biết, trong khoảng thời gian làm việc cho công ty, cô đã bị lừa đến ba lần, toàn những vị trí lãnh đạo có mức lương khủng. Mới nhất là năm 2022, Trang tiếp nhận một hồ sơ ứng viên cho vị trí giám đốc bán hàng khu vực miền Tây. Người này có lý lịch rất đẹp, hơn 20 năm làm giám đốc kinh doanh cho công ty liên doanh nước ngoài, trình độ tiếng Anh, tiếng Trung Quốc lưu loát. Tiếp cận hồ sơ ứng viên từ “thợ săn”, công việc của Trang là kiểm tra các thông tin sau đó chuyển về cho công ty mẹ để lên lịch phỏng vấn.

Ông Võ Đỗ Thắng, Giám đốc Trung tâm an ninh mạng Athena.

Ông Võ Đỗ Thắng, Giám đốc Trung tâm an ninh mạng Athena.

Qua ba vòng phỏng vấn, ứng viên này được chấp nhận làm giám đốc vùng với mức lương khởi điểm 70 triệu đồng/ tháng. Theo quy định, khi ứng viên nhận việc thì công ty sẽ phải thanh toán tiền hoa hồng cho headhunter. Tuy nhiên, ngày “thợ săn” nhận được hoa hồng cũng là ngày ứng viên nghỉ việc không lý do. Vậy là công ty mất trắng tiền hoa hồng cho “thợ săn”.

“Những vụ việc tương tự diễn ra ngày càng nhiều trong thời gian gần đây, bản thân ứng viên họ có trình độ thật nhưng không loại trừ khả năng là băng nhóm lừa đảo. Họ câu kết với nhau để kiềm tiền hoa hồng. Một tháng, họ làm khoảng 10 vụ như thế thì cũng thu về cả tỷ đồng mà chẳng phải ràng buộc gì, các công ty cũng chưa có chế tài nào cho việc xử lý chiêu trò như vậy”, Trang bức xúc cho biết.

Theo ông Võ Đỗ Thắng, Giám đốc Trung tâm an ninh mạng Athena, chiêu “săn đầu người” cũng giống như lừa đảo “việc nhẹ lương cao” mà báo chí phản ánh rất nhiều trong thời gian gần đây. Tuy nhiên, hình thức này tinh vi hơn, đánh vào người có trình độ, có tiền, họ bị bất ngờ mất cảnh giác nên dính lừa. Việc dựng lên tập đoàn nọ, công ty kia rồi cắt ghép hình ảnh, thông tin để làm bằng chứng thuyết phục nạn nhân gửi hồ sơ ứng tuyển, nếu ai tỉnh táo và sáng suốt sẽ nhận ra ngay sự bất thường là các tập đoàn lớn khi tuyển dụng một vị trí cao cấp sẽ đăng công khai trên website của công ty chứ không phải qua một nhóm môi giới hoặc một nhân viên phụ trách nhân sự. Cũng giống như việc đối tượng người nước ngoài phỏng vấn trực tuyến, với các đối tượng lừa đảo chuyên nghiệp thì điều này không hề khó.

Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm công nghệ cao Công an TP Hồ Chí Minh khuyến cáo, người dân có nhu cầu tìm việc làm nên liên hệ trực tiếp các công ty, doanh nghiệp trên các kênh chính thức, trực tiếp đến công ty xác nhận để đảm bảo an toàn. Các công ty, doanh nghiệp bị mạo danh cần kịp thời công bố cảnh báo hành vi giả mạo, báo cáo cơ quan Công an về hành vi giả mạo lừa đảo trên để đấu tranh, xử lý theo quy định.

Ngọc Hoa

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/phong-su/coi-chung-sap-bay-tho-san-dau-nguoi-i734579/