Coi cộng đồng là di sản để phát triển bền vững
Cộng đồng nông nghiệp bền vững được De Heus đồng hành cùng phát triển chính là di sản quý giá tập đoàn này để lại cho thế hệ kế cận.
TheLEADER có buổi trò chuyện với bà Nguyễn Thu Thủy, Giám đốc phát triển bền vững De Heus khu vực châu Á, về hành trình 15 năm đồng hành cùng người nông dân phát triển ngành chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản tại Việt Nam.
Sau chặng đường 15 năm đồng hành, De Heus đánh giá thế nào về ngành thủy sản và chăn nuôi của Việt Nam?
Bà Nguyễn Thu Thủy: De Heus tham gia thị trường Việt Nam kể từ năm 2008. Thời điểm đó, ngành chăn nuôi của Việt Nam vẫn tương đối hạn chế so với các nước châu Á khác, phần nhiều ở quy mô nhỏ lẻ, hộ gia đình, ít có mô hình áp dụng công nghệ theo hướng công nghiệp.
Đến nay, sau 15 năm, bức tranh ngành chăn nuôi đã có sự thay đổi rõ rệt. Áp lực từ thị trường cũng như sự bùng phát của một số loại dịch bệnh trên vật nuôi khiến mô hình chăn nuôi nhỏ lẻ khó có hiệu quả. Những mô hình tự phát giảm dần, đi kèm với sự phát triển của các trang trại, mô hình chăn nuôi tập trung quy mô lớn hơn.
Ngày càng có nhiều người nông dân coi chăn nuôi là thu nhập chính, do đó nghiêm túc đầu tư hiện đại hóa, từ chuyển đổi qua hệ thống nuôi chuồng khép kín, cho đến hệ thống cho ăn tự động, hệ thống xử lý nước thải.
Có thể nói, so với các quốc gia khác, ngành chăn nuôi Việt Nam có tốc độ phát triển rất nhanh, đạt được những kết quả ấn tượng.
Còn về ngành thủy sản, Việt Nam là cường quốc xuất khẩu một số loại thủy sản như cá tra, tôm. Các sản phẩm này hướng tới các thị trường có giá bán tốt nhưng yêu cầu cao về chất lượng nên quy trình sản xuất cần đáp ứng được các tiêu chí khắt khe của những tiêu chuẩn quốc tế như GlobalGAP hay ASC. Áp lực đó, cũng chính là động lực, giúp ngành nuôi trồng thủy sản trở nên từng bước chuyên nghiệp và hiện đại.
De Heus tham gia thế nào vào sự thay đổi mạnh mẽ ấy, thưa bà?
Bà Nguyễn Thu Thủy: Là doanh nghiệp hoạt động chính trong mảng sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi, bà con nông dân là khách hàng của De Heus. Chúng tôi luôn tâm niệm mỗi sản phẩm hay dịch vụ cung cấp phải dựa trên nhu cầu thực tế của khách hàng, giúp bà con từng bước chăn nuôi hiệu quả và bền vững hơn. Do đó, với những kinh nghiệm được tích góp qua nhiều quốc gia, De Heus đem đến Việt Nam nhiều bí kíp, công nghệ, giải pháp phong phú phù hợp cho mỗi phân khúc khách hàng.
Người Việt Nam rất tự chủ về kinh doanh và chịu khó học hỏi, sẵn sàng đầu tư để chuyên nghiệp hóa nếu thấy tiềm năng về hiệu suất và kinh tế. Tất nhiên, trong chăn nuôi, những cải thiện hiệu suất đó chẳng thể chứng minh sau chỉ một vài ngày.
Do đó, đội ngũ kinh doanh của De Heus đều là những chuyên gia về chăn nuôi, không thể chỉ có mục tiêu về số lượng mà còn phải đồng hành với khách hàng để sát sao tình hình, kịp thời tư vấn và đưa giải pháp để bà con đạt hiệu quả cao nhất cho mỗi vụ nuôi.
Ở chiều ngược lại, chúng tôi cũng học hỏi được rất nhiều từ những khách hàng của mình bởi lẽ đâu phải giải pháp nào De Heus đưa ra cũng là tốt nhất. Chúng tôi lắng nghe và kết hợp góc nhìn, quan điểm, kinh nghiệm của khách hàng để mỗi ngày đều trở nên tốt hơn. Phải nói rằng, tinh thần ham học hỏi của bà con tạo cảm hứng rất nhiều cho đội ngũ cán bộ, nhân viên của công ty.
Nhiều ý kiến cho rằng làm việc với người nông dân rất khó khi họ đã quen với mô hình truyền thống. Tuy nhiên, De Heus nghĩ khác. Người nông dân thực chất cũng là người làm kinh doanh, có mong muốn làm sao để con lợn, con gà của mình cho nhiều thịt, nhiều trứng với chất lượng ngon hơn, bán giá cao hơn để nâng cao thu nhập.
Với tư duy đó, chúng tôi không chỉ cung cấp máy móc, vật tư, thức ăn chăn nuôi mà còn cung cấp cho người chăn nuôi những gì họ cần để phát triển “sự nghiệp kinh doanh” của mình.
Chẳng hạn, bà con nói cần con giống khỏe thì De Heus có trung tâm nghiên cứu, sản xuất con giống. Hoặc bà con cần có đầu ra cho nông sản, De Heus kết nối với các đối tác thu mua để đảm bảo thị trường.
Người nông dân thực chất cũng là người làm kinh doanh, có mong muốn làm sao để con lợn, con gà của mình cho nhiều thịt, nhiều trứng với chất lượng ngon hơn, bán giá cao hơn để nâng cao thu nhập.
Bà Nguyễn Thu Thủy, Giám đốc phát triển bền vững De Heus khu vực châu Á
Bà con nông dân rất tích cực học hỏi, tiếp thu kinh nghiệm, công nghệ để tăng hiệu quả chăn nuôi, nuôi trồng. Vậy De Heus có giải pháp gì để khuyến khích bà con thực hành phát triển bền vững, thưa bà?
Bà Nguyễn Thu Thủy: Bên cạnh việc đồng hành cùng phát triển ngành nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho bà con nông dân, De Heus cũng tập trung vào một số mục tiêu phát triển bền vững. Bởi, chúng tôi là doanh nghiệp trong chuỗi nông nghiệp - thực phẩm, mục tiêu cuối cùng của chúng tôi là sức khỏe và đời sống con người.
Một mục tiêu bền vững của De Heus là giảm tình trạng lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi. Hiện nay, kháng kháng sinh đang là một vấn đề y tế, sức khỏe nghiêm trọng, thậm chí có nghiên cứu chỉ ra kháng kháng sinh sẽ trở thành nguyên nhân gây chết người nguy hiểm không kém so với ung thư.
Giải quyết vấn đề này, De Heus phải chứng minh cho bà con nông dân thấy rằng năng suất vẫn được đảm bảo với quy trình chăn nuôi, nuôi trồng sử dụng kháng sinh có trách nhiệm, hay thậm chí là không sử dụng kháng sinh.
Mục đích dùng kháng sinh là để chữa bệnh do vi sinh vật gây ra. Tức là, nếu chúng ta tạo được một môi trường tốt cho vật nuôi phát triển khỏe mạnh, kiểm soát để không mang những mầm bệnh từ nơi khác tới thì sẽ không cần dùng kháng sinh.
Ví dụ tại Trung tâm Sáng tạo và học tập cho gia cầm (Poultry Innovation & Learning Center), De Heus xây dựng mô hình chăn nuôi điển hình, với quy trình chăn nuôi tập trung bảo vệ sức khỏe con vật, chăm sóc toàn diện yếu tố môi trường như không khí, nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng, bảo vệ an toàn sinh học tối ưu để không cần sử dụng kháng sinh.
Bên cạnh đó, trung tâm này cũng áp dụng nhiều giải pháp bền vững khác, chẳng hạn như sử dụng năng lượng mặt trời áp mái giúp giảm lượng khí nhà kính thải ra môi trường.
Việc dùng kháng sinh có trách nhiệm hay dần dần loại bỏ kháng sinh có thể ban đầu cần nhiều công hơn, nhưng bù lại vẫn đảm bảo năng suất tốt và tiết kiệm nhiều chi phí. De Heus muốn thông qua mô hình này chứng minh hiệu quả thực tế và mong muốn khách hàng cùng thực hành cho mục tiêu sức khỏe của tất cả chúng ta.
Hoặc đối với mục tiêu bảo vệ môi trường, De Heus cũng có cách tiếp cận tương tự thông qua hỗ trợ khách hàng thiết kế, giám sát xây dựng chuồng trại và giới thiệu các giải pháp xử lý môi trường hiệu quả và đạt chuẩn.
De Heus Việt Nam đang hướng đến phát triển vùng trồng nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi. Bà có thể chia sẻ thêm về chiến lược này?
Bà Nguyễn Thu Thủy: Thực ra, việc phát triển vùng trồng nguyên liệu phục vụ sản xuất thức ăn chăn nuôi là bài toán khó.
Ngành trồng trọt Việt Nam rất phát triển với nhiều loại nông sản như gạo, cà phê, sầu riêng đều nằm trong “câu lạc bộ tỷ đô”. Việc phát triển cây trồng khác cần được cân nhắc về hiệu quả kinh tế, nhất là trong điều kiện diện tích trồng có hạn, chưa kể các yếu tố thổ nhưỡng và tập quán địa phương.
Giải pháp từ trước đến nay là nhập khẩu nguyên liệu. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn mong muốn có thể thu mua nhiều hơn từ nguồn nguyên liệu nội địa.
Do đó, De Heus phối hợp với Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn phát triển dự án giúp bà con tăng năng suất và chất lượng ở vùng trồng bắp, đặc biệt là khu vực Tây Nguyên. Thông qua các giải pháp, De Heus có thể hỗ trợ bà con áp dụng công nghệ mới trong xử lý bắp sau thu hoạch, tiết giảm sử dụng chế phẩm hóa học, giữ được sự màu mỡ của đất để cho năng suất cao và ổn định hơn, qua đó bà con có thể nâng cao thu nhập.
Với kế hoạch này, chúng tôi hướng tới xây dựng một mô hình kinh tế tuần hoàn cho cả chuỗi giá trị, kết nối nguồn chất thải hữu cơ từ các trang trại khách hàng của De Heus thành nguồn dinh dưỡng cho trồng trọt, từ đó sản xuất và thu hoạch nhiều vụ mùa nguyên liệu cho các nhà máy thức ăn chăn nuôi của De Heus.
Di sản De Heus để lại cho thế hệ sau là những cộng đồng nông nghiệp vững mạnh mà chúng tôi tự hào góp phần xây dựng.
Bà Nguyễn Thu Thủy, Giám đốc phát triển bền vững De Heus khu vực châu Á.
Có thể thấy, trong tất cả những hoạt động, hướng đi của De Heus, người nông dân đều đóng vai trò cốt lõi?
Bà Nguyễn Thu Thủy: De Heus là một tập đoàn gia đình đến từ Hà Lan. Chúng tôi đầu tư vào Việt Nam với kỳ vọng phát triển kinh doanh dài hạn. Những giá trị ấy cần được xây dựng dựa trên một cộng đồng, một hệ sinh thái nuôi trồng phát triển.
Thực ra, Tập đoàn De Heus sẽ không đầu tư vào các quốc gia đã có nền chăn nuôi phát triển mạnh bởi sẽ không tạo ra nhiều giá trị cho cộng đồng địa phương ở các nước đó. Thay vào đó, chúng tôi chọn những quốc gia có nền chăn nuôi chưa quá phát triển nhưng có nhiều tiềm năng.
Và như đã nói, là một doanh nghiệp gia đình đã trải qua bốn thế hệ và cũng kỳ vọng giữ cấu trúc sở hữu doanh nghiệp trong gia đình, họ coi De Heus là di sản để lại cho thế hệ tiếp theo. Di sản đó là những cộng đồng nông nghiệp vững mạnh mà De Heus tự hào góp phần xây dựng, là những người nông dân, đối tác sẵn sàng đồng hành với De Heus trên chặng đường cùng phát triển bền vững phía trước.
Cảm ơn bà!
Nguồn Nhà Quản Trị: https://theleader.vn/coi-cong-dong-la-di-san-de-phat-trien-ben-vung-d37970.html