'Cởi khẩu trang ra' cũng là câu nói quấy rối

Nhiều 'thượng đế' buộc nhân viên phục vụ phải làm theo yêu cầu của họ, kể cả tháo khẩu trang, nếu không sẽ từ chối để lại tiền boa.

Zing trích dịch bài đăng từ The Lily The Washington Post, đề cập đến quyền lực của khách hàng với người phục vụ bàn trong mùa dịch.

Nhờ kinh nghiệm 12 năm trong nghề, Katherine Lazar, nữ phục vụ bàn của một quán cà phê ở bang Illinois (Mỹ), biết cách đối phó với những gã đàn ông tán tỉnh, chọc ghẹo cô.

Nhưng để được nhận khoản tiền boa tối đa, cô ấy luôn phải nở nụ cười rạng rỡ và giả vờ đồng tình với quan điểm chính trị của họ. Nói cách khác, nếu Katherine nâng cao sĩ diện cho những gã này, họ thường sẽ để lại vài đồng tiền boa cho cô.

 Nhiều phục vụ bàn phải "ngậm bồ hòn làm ngọt" trước những lời bình phẩm của khách hàng. Ảnh: Getty Images.

Nhiều phục vụ bàn phải "ngậm bồ hòn làm ngọt" trước những lời bình phẩm của khách hàng. Ảnh: Getty Images.

Cô không mấy lo lắng về lối hành xử của họ. Nếu có ai vượt quá giới hạn, như xin số điện thoại hay đề nghị gặp nhau sau ca làm việc của cô ấy, Katherine sẽ lập tức dập tắt ý định đó.

Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 đã làm thay đổi mọi thứ.

Năm 2019, Katherine có thể kiếm 150 USD tiền boa mỗi ngày. Nhưng giờ đây, nếu may mắn thì cô mới nhận được khoảng 30 USD do quán cà phê chỉ mở cửa vào cuối tuần để phục vụ đồ uống mang đi.

Nữ phục vụ bàn đành làm thêm tại một nhà tạm trú dành cho phụ nữ với mức lương chỉ 11 USD/giờ. Công việc này cũng không thấm thía vào đâu so với khoản chi mỗi tháng cho gia đình cô.

Katherine, một người mẹ 2 con, cho biết cô vốn sống dựa vào khoản “tiền boa” khổng lồ từ khách quen, bao gồm một người luôn để lại cho cô 20 USD mỗi lần ghé quán. Cô đã đồng ý gặp vị khách đặc biệt này vài lần sau khi tan làm.

“Tôi chẳng muốn vậy đâu, nhưng tôi thấy ngại khi anh ta luôn boa 20 USD mỗi ngày”, nữ bồi bàn kể lại.

Nghe lời hoặc không được boa

Theo một nghiên cứu mới của tổ chức phi lợi nhuận One Fair Wage, đại dịch Covid-19 đã làm trầm trọng thêm sự mất cân bằng quyền lực giữa những người phục vụ bàn và khách hàng của họ.

Đội nghiên cứu đã thực hiện khảo sát 1.675 nhân viên lĩnh vực dịch vụ ăn uống ở New York, Massachusetts, New Jersey, Illinois, Pennsylvania và Washington D.C.

 Phụ nữ chiếm số đông những người làm công sống bằng tiền boa. Ảnh: Nikkei.

Phụ nữ chiếm số đông những người làm công sống bằng tiền boa. Ảnh: Nikkei.

Theo đó, những người làm công sống bằng tiền boa này - với 70% là phụ nữ - luôn tỏ ra dè dặt với khách hàng. Còn Covid-19 đã đem lại thêm quyền lực đối với các “thượng đế”, khiến những phục vụ bàn như Katherine dễ bị quấy rối tình dục và gặp rủi ro về sức khỏe.

“Mức tiền boa vẫn giảm dần, trong khi những người bồi bàn đang vật lộn để thanh toán các hóa đơn gia đình. Vì vậy, mỗi vị khách bước vào quán đều có nhiều quyền lực hơn trước đây”, Saru Jayaraman, Chủ tịch của One Fair Wage và là Giáo sư về chính sách công tại ĐH California ở thành phố Berkeley (bang California, Mỹ), nói.

Nhiều người trả lời khảo sát cho biết họ còn bị yêu cầu cởi bỏ khẩu trang ra để khách hàng có thể “ngắm nhìn gương mặt xinh đẹp”. Thậm chí, vài “thượng đế” đe dọa rằng số tiền boa sẽ bị ảnh hưởng nếu người phục vụ bàn không cởi khẩu trang.

“Nếu tôi làm theo yêu cầu đó, tôi sẽ đánh mất lòng tự trọng của mình. Nhưng nếu không làm, gã đó sẽ không để lại tiền boa cho tôi”, Sandy Tran, một nữ phục vụ bàn gốc Á ở Dallas (bang Texas, Mỹ), bộc bạch.

Khoản tiền boa rất quan trọng với Sandy bởi mức lương phục vụ cơ bản của cô chỉ là 2,13 USD/giờ. Cô cảm thấy bản thân “như một con thú trong rạp xiếc” khi phải đứng nghe những lời bình phẩm của khách hàng về ngoại hình của mình.

 Các nữ phục vụ bàn thường xuyên chịu những lời gạ gẫm tục tĩu từ phía khách hàng nam. Ảnh: Getty Images.

Các nữ phục vụ bàn thường xuyên chịu những lời gạ gẫm tục tĩu từ phía khách hàng nam. Ảnh: Getty Images.

“Câu nói ‘Hãy tháo khẩu trang ra’ trở nên thật bẩn thỉu thông qua cách mấy gã đàn ông đó phát ngôn. Họ còn nói rằng ‘Em đẹp quá, ước gì em không phải đeo khẩu trang’. Tôi mới chỉ 22, còn mấy ông đó đã ngoài 50”, Haeli Maas, nữ bồi bàn ở bang Kansas, cho biết.

Natasha Van Duser bắt đầu công việc pha chế của mình tại một quán bar ở thành phố New York mới vài tuần trước khi lệnh phong tỏa được áp dụng hồi tháng 3.

Khi quán mở cửa trở lại vào tháng 7, Natasha ngạc nhiên khi là một trong số những nhân viên cũ được mời trở lại làm việc. Hóa ra, người quản lý nói rằng anh ấy “cần vài khuôn mặt tươi tắn, xinh đẹp”.

Natasha không ưa gì lời bình luận đó nhưng cô vẫn đồng ý quay lại làm việc ở đây. Cô đã bị mất việc hơn 3 tháng và cần tiền. Cô không thể sống dựa mãi vào mẹ và bạn trai.

Bị đe dọa sức khỏe, tính mạng

Hiện Natasha chỉ kiếm được khoảng 350 USD/tuần, so với mức 1.000 USD trở lên trước đại dịch xuất hiện. Cô nói rằng những người đến quán thường là khách lạ, nên họ không rủng rỉnh chi hầu bao cho các nhân viên phục vụ. Nữ pha chế cũng cảm thấy áp lực hơn trong việc tạo ấn tượng tốt với khách hàng.

83% nhân viên được One Fair Wage khảo sát cho biết tiền boa của họ giảm trông thấy trong thời kỳ Covid-19, chỉ bằng 50% mức thông thường họ nhận được.

Melissa Poole, nữ phục vụ bàn tại một quán bar thể thao ở thành phố Louisville (bang Kentucky, Mỹ), kể rằng chỉ vì nhắc nhở khách hàng thực hiện giãn cách xã hội theo quy định của chính quyền, cô chỉ được boa rất ít hoặc không được boa. Thậm chí, một số người còn đứng lên đi về ngay lập tức.

 Tình trạng quấy rối và cư xử thiếu tôn trọng đối với người phục vụ tiếp tục diễn ra trong thời gian đại dịch. Ảnh: Staff photographer.

Tình trạng quấy rối và cư xử thiếu tôn trọng đối với người phục vụ tiếp tục diễn ra trong thời gian đại dịch. Ảnh: Staff photographer.

Tuy nhiên, điều đó không hề làm Melissa nhượng bộ với khách hàng. Nhờ nghiêm túc thực hiện giãn cách xã hội, cô là 1 trong 3 nhân viên duy nhất trong quán chưa dương tính với Covid-19.

Tình trạng quấy rối và cư xử thiếu tôn trọng đối với người phục vụ tiếp tục diễn ra trong thời gian đại dịch. Natasha kể lại rằng một người phụ nữ đã nhổ nước bọt vào cô khi được yêu cầu đeo khẩu trang. Một số khác đập cốc và đĩa xuống sàn nhà.

“Thành thật mà nói, tôi cảm thấy thực sự sợ hãi khi ở quán một mình”, cô nói. Vì vậy, Natasha đã nhờ bạn trai đến quán cho đến khi cô hết ca trực của mình.

Bên cạnh đó, Natasha cũng lo lắng rằng mình sẽ bị nhiễm virus SARS-CoV-2. Ban quản lý nơi cô làm việc không chấp hành các quy định phòng chống Covid-19. Tuy nhiên, nếu Natasha phàn nàn về vấn đề này, cô có thể sẽ bị mất việc làm.

Tại bang Illinois, Katherine cũng cố gắng cẩn thận nhất có thể. Cô ấy luôn đeo khẩu trang và đứng tránh xa khách hàng khi không phải phục vụ họ. Nếu có gã nào yêu cầu cô tháo khẩu trang, Katherine sẽ đứng xa 2 m trước khi thực hiện thao tác đó.

Hồng Chang

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/coi-khau-trang-ra-cung-la-cau-noi-quay-roi-post1162602.html