'Cởi trói' cho giáo viên

Bộ GD&ĐT đang lấy ý kiến giáo viên, nhà quản lý giáo dục, dư luận xã hội... để các quy định sau khi sửa đổi góp phần phát triển đội ngũ nhà giáo đáp ứng yêu cầu đổi mới; tháo gỡ vướng mắc nảy sinh trong việc bổ nhiệm; giúp ổn định công tác tuyển dụng, sử dụng, quản lý đội ngũ cũng như để đội ngũ giáo viên an tâm dạy học.

Nhiều quy định bất cập sẽ được Bộ GD&ĐT hủy bỏ

Nhiều quy định bất cập sẽ được Bộ GD&ĐT hủy bỏ

Dự thảo này nhằm sửa đổi bổ sung các điểm gây bất cập trong các Thông tư 01-04 quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập được Bộ GD&ĐT ban hành tháng 2/2021.

Từng phải vất vả, ngược xuôi học để thi nâng hạng giáo viên, cô Nguyễn Thị Hằng Nga, Tổ trưởng Bộ môn Ngữ văn, Trường THPT Hoài Đức B (Hà Nội) nói rằng: Bộ GD&ĐT bỏ quy định bồi dưỡng chứng chỉ chức danh nghề nghiệp theo hạng chính là “cởi trói” cho các nhà giáo.

Ông Lê Văn Dị, Hiệu trưởng Trường THPT Quảng Xương 1, tỉnh Thanh Hóa cho rằng, chức danh nghề chỉ là "tên gọi khác" chứ không vận dụng gì trong dạy học thực tế.

Bà Lê Thị Thúy Nga, Hiệu trưởng Trường THCS Dịch Vọng, quận Cầu Giấy (Hà Nội) cho rằng, cần thiết phải bỏ các quy định trên là trúng mong mỏi của đại đa số giáo viên. Bởi nếu đi học chứng chỉ về phục vụ cho công việc giảng dạy sẽ rất ý nghĩa nhưng thực tế không cho thấy điều đó. Hay như quy định yêu cầu giáo viên hạng I phải có bằng thạc sĩ cũng gây khó khăn, bất cập cho rất nhiều người. Bà Nga ví dụ, nhiều giáo viên cao tuổi, được công nhận giáo viên hạng I nhưng vì tuổi cao, họ không đi học thạc sĩ được lại phải hạ xuống hạng II.

Hiệu trưởng này cho biết, hiện nay nhà trường đánh giá giáo viên theo nhiều quy định, trong đó có chuẩn nghề nghiệp, Luật Thi đua khen thưởng... do đó, không nên phát sinh nhiều quy định, giấy tờ khiến giáo viên vất vả.

Hà Linh

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/coi-troi-cho-giao-vien-post1441498.tpo