Coi trọng đào tạo kỹ năng cho sinh viên

Những hạn chế về phát triển kỹ năng mềm trong trường đại học (ĐH), được coi là một trong những rào cản quan trọng nhất ngăn cản sinh viên tốt nghiệp chuyển tiếp suôn sẻ đến nơi làm việc.

Sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội) tham gia chiến dịch Mùa hè xanh 2024. Ảnh: Thùy Dung.

Sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội) tham gia chiến dịch Mùa hè xanh 2024. Ảnh: Thùy Dung.

Kỹ năng mềm thành môn học trong nhà trường

Tại tọa đàm “Đối thoại giữa ĐH và Doanh nghiệp về Phát triển nguồn nhân lực các lĩnh vực công nghệ cao” do ĐH Quốc gia TPHCM phối hợp tổ chức, ông Kenneth Tse - Giám đốc điều hành Intel Việt Nam đánh giá, về vấn đề kiến thức, các trường ĐH đã và đang trang bị rất tốt nhưng việc phát triển kỹ năng mềm, kỹ thuật đặc thù cho từng công ty cần đảm bảo hơn.

Ông Trịnh Thanh Lâm - Giám đốc kinh doanh Synopsys Nam Á cho rằng, nhà trường cần tăng cường đưa các kỹ năng vào nội dung giảng dạy. Ông Lâm hi vọng ĐH Quốc gia TPHCM, các trường ĐH sẽ giúp sinh viên củng cố kỹ năng nghiên cứu và giải quyết vấn đề bằng cách đưa các kỹ năng vào nội dung giảng dạy tại trường ĐH.

Theo các chuyên gia, việc giáo dục kỹ năng mềm tại các trường ĐH, CĐ Việt Nam đang là một vấn đề cấp thiết đặt ra. Hiện các cơ sở giáo dục đào tạo đã nhận thức được vai trò quan trọng của kỹ năng mềm đối với sinh viên và đã bắt đầu tích hợp kỹ năng mềm dưới nhiều hình thức khác nhau như: Đưa kỹ năng mềm vào chuẩn đầu ra, giảng dạy thành các chuyên đề, các học phần độc lập hay được tích hợp vào các học phần có ưu thế trong việc giáo dục kỹ năng mềm tùy từng cơ sở đào tạo.

Ghi nhận tại Trường ĐH Bách khoa TPHCM, từ năm 2019 kỹ năng mềm đã được chú trọng, đưa thành môn học bổ trợ và được đào tạo trong học kỳ đầu tiên, nhằm giúp tân sinh viên làm quen với môi trường bậc ĐH. Mô hình đào tạo kỹ năng mềm được kết hợp xen kẽ giữa đào tạo chính khóa và hoạt động ngoại khóa. Các nhóm kỹ năng chính được tập trung đào tạo là giao tiếp - truyền thông, làm việc nhóm, phân tích - tổ chức công việc, giải quyết vấn đề.

Bắt đầu từ năm học 2024, Trường ĐH Bách khoa TPHCM triển khai môn kỹ năng mềm thành 8 học phần: Giao tiếp hiệu quả, quản trị nhận thức, quản lý bản thân, chinh phục nhà tuyển dụng, tư duy khoa học, viết đề án - báo cáo, tư duy toàn cầu - đổi mới, phương pháp tư duy lãnh đạo. Các học phần này được bố trí giảng dạy xuyên suốt 4 năm học nhằm giúp sinh viên có điều kiện thực hành liên tục.

Gắn kết nhà trường, doanh nghiệp

Theo bà Nguyễn Thị Việt Hương - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), trước mắt cần đặc biệt quan tâm đến vấn đề đào tạo kỹ năng cho lao động thanh niên, nhằm tận dụng cơ cấu “dân số vàng” để bứt phá. Trong đó, cần tập trung cải thiện vấn đề kỹ năng lao động, đặc biệt đội ngũ nòng cốt là thanh niên.

Ông Mạc Văn Tiến - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Giáo dục nghề nghiệp và nghề công tác xã hội cho rằng, kỹ năng được hình thành trong quá trình người lao động được đào tạo và cả trau dồi trong quá trình lao động, sản xuất trực tiếp. Vì vậy, cần có sự gắn kết giữa nhà trường và doanh nghiệp để vào cuộc cùng đào tạo cho người lao động, từ đó phù hợp với sự thay đổi của doanh nghiệp và sự phát triển như vũ bão của công nghệ.

Để nâng cao chất lượng đào tạo nghề, tạo tiền đề xây dựng và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, UBND TP Hà Nội đã xây dựng kế hoạch đào tạo phát triển kỹ năng mềm cho thanh niên và học sinh, sinh viên giáo dục nghề nghiệp. Theo Đề án “Đào tạo phát triển kỹ năng mềm cho thanh niên và học sinh, sinh viên giáo dục nghề nghiệp” trên địa bàn thành phố đến năm 2030, Hà Nội phấn đấu hết năm 2030, 100% các trường cao đẳng, 80% các trường trung cấp, 50% các trung tâm giáo dục nghề nghiệp tổ chức đào tạo, lồng ghép đào tạo, phát triển kỹ năng mềm cho thanh niên và học sinh, sinh viên giáo dục nghề nghiệp. Đồng thời, Hà Nội hình thành mạng lưới, liên kết giữa doanh nghiệp, cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong việc đào tạo và phát triển kỹ năng mềm cho thanh niên và học sinh, sinh viên trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng chỉ ra một trong những tồn tại, hạn chế hiện nay đó là công tác giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho trẻ em, học sinh, sinh viên còn chưa thực sự hiệu quả. Đây cũng là một trong những nhiệm vụ quan trọng Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tiếp tục triển khai trong năm học 2024-2025 và những năm tiếp theo.

Hàn Minh

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/coi-trong-dao-tao-ky-nang-cho-sinh-vien-10290286.html