Coi trọng giáo dục văn hóa, nhân cách và khát vọng cống hiến cho thế hệ trẻ
Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TPHCM trong năm học sắp tới tiếp tục xác định sẽ tập trung nguồn lực vào công tác đào tạo phát triển nguồn nhân lực; thúc đẩy mạnh mẽ nghiên cứu khoa học; chuyên nghiệp hóa, hiện đại hóa, quốc tế hóa các hoạt động của nhà trường; đặc biệt không thể thiếu sứ mệnh phục vụ cộng đồng bằng các hoạt động có giá trị, nổi bật, lan tỏa và dẫn dắt các giá trị xã hội tốt đẹp...
Ngày 21/9, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức lễ khai giảng năm học 2023-2024. Đến dự có ông Nguyễn Trọng Nghĩa - Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; ông Trương Hòa Bình-nguyên Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ; ông Nguyễn Kim Sơn-Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo; ông Vũ Hải Quân- Giám đốc Đại học Quốc gia TPHCM…
Kiến tạo môi trường giáo dục “Toàn diện - Khai phóng - Đa văn hóa”
PGS.TS Ngô Thị Phương Lan- Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn cho biết trong năm học sắp tới đây, nhà trường tiếp tục xác định sẽ tập trung nguồn lực vào công tác đào tạo phát triển nguồn nhân lực; thúc đẩy mạnh mẽ công tác nghiên cứu khoa học; chuyên nghiệp hóa, hiện đại hóa, quốc tế hóa các hoạt động của nhà trường; đặc biệt không thể thiếu sứ mệnh phục vụ cộng đồng bằng các hoạt động có giá trị, nổi bật, lan tỏa và dẫn dắt các giá trị xã hội tốt đẹp.
“Tôi mong rằng tất cả tập thể sư phạm nhà trường sẽ luôn ghi nhớ và thực hành triết lý giáo dục của nhà trường để kiến tạo nên một môi trường giáo dục “Toàn diện - Khai phóng - Đa văn hóa”, ươm mầm nuôi dưỡng và phát triển các tài năng tương lai của đất nước trong lĩnh vực khoa học xã hội nhân văn”, bà Phương Lan nhấn mạnh.
Bày tỏ niềm vui chào đón gần 4.000 tân sinh viên, học viên sau đại học của trường đến với một hành trình tri thức mới, PGS.TS Ngô Thị Phương Lan mong muốn những đại diện của thế hệ Gen Z với sự thông minh, tự tin, năng động sẽ dùng sức trẻ và những lợi thế thời đại của mình, không ngừng phấn đấu để đóng góp và lan tỏa những giá trị văn hóa tốt đẹp của Người Nhân Văn, đó là “Sáng tạo - Dẫn dắt -Trách nhiệm”.
Đóng góp nguồn nhân lực chất lượng cao về khoa học xã hội và nhân văn
Phát biểu tại lễ khai giảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa cho biết, trong hàng chục năm qua, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn đã không ngừng mở rộng và phát triển cả về quy mô và tầm ảnh hưởng.
Đến nay, trường trở thành một trung tâm đào tạo và nghiên cứu hàng đầu của cả nước về lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn; địa chỉ uy tín, tin cậy của các đối tác quốc tế; cơ sở giáo dục đại học đa ngành. Trường đạt được nhiều thành tích xuất sắc trong nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế, có nhiều đóng góp nổi bật trong đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao về khoa học xã hội và nhân văn.
Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đề nghị, năm học 2023 - 2024 và thời gian tới, nhà trường nhận thức sâu sắc và tổ chức thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp phát triển giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ; tạo đột phá về chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học để tiếp tục dẫn đầu trong đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, có kiến thức toàn diện, có trách nhiệm xã hội, có năng lực lãnh đạo, tư duy khởi nghiệp, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước và hội nhập quốc tế.
Nhà trường cần đẩy mạnh tự chủ, coi tự chủ đại học là giải pháp đột phá để phát triển. Có chính sách đủ mạnh để thu hút, trọng dụng nhân tài trong và ngoài nước tham gia vào các hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế.
Đổi mới quản trị Nhà trường theo hướng hiện đại, hội nhập quốc tế. Đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số, sớm thí điểm đại học số, tạo ra những giá trị mới, cách làm mới, đột phá mới về hiệu quả và chất lượng trong đào tạo, nghiên cứu khoa học và hoạt động quản trị. Nhà trường cần chủ động, tích cực thực hiện trách nhiệm xã hội và phục vụ cộng đồng.
Một trong những nhiệm vụ quan trọng là tiếp tục nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả đào tạo của các ngành học nhà trường có thế mạnh. Nghiên cứu, sáng tạo, truyền bá tri thức về khoa học xã hội và nhân văn, góp phần giải quyết những vấn đề thực tiễn của đất nước, đáp ứng yêu cầu phát triển của xã hội, của đất nước trong từng giai đoạn, cập nhập và phù hợp với xu hướng phát triển chung về khoa học xã hội và nhân văn trên thế giới.
Đặc biệt coi trọng giáo dục văn hóa, đạo đức, lối sống, giáo dục nhân cách và khát vọng cống hiến cho thế hệ trẻ. Gắn kết mật thiết giữa đào tạo với xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình, hệ giá trị con người Việt Nam.
Song song đó là thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động nghiên cứu khoa học, chủ động hợp tác quốc tế, hội nhập với các trường đại học, viện nghiên cứu trong khu vực và quốc tế. Tiên phong trong thực hiện các nhiệm vụ để giải quyết những vấn đề lớn, mang tầm quốc gia, khu vực và quốc tế, phục vụ sự nghiệp phát triển đất nước trong giai đoạn mới.
Ông Nguyễn Trọng Nghĩa lưu ý, nhà trường cần đặc biệt quan tâm xây dựng môi trường học tập và nghiên cứu hiện đại, năng động, sáng tạo, phát triển đội ngũ cán bộ, giảng viên. Đây là yếu tố then chốt, là nguồn lực quan trọng nhất quyết định cho sự thành công của Nhà trường.
Đồng thời, mong muốn sinh viên của trường chủ động học tập, nghiên cứu, tận dụng cơ hội này trong sự đồng hành của bạn bè, với sự giúp đỡ của thầy cô và nhà trường cho một tương lai tươi sáng phía trước.
“Trong hành trình xây dựng và phát triển phía trước, chúng ta cùng kỳ vọng, mong muốn tập thể lãnh đạo Nhà trường, các cán bộ, giảng viên tiếp tục đoàn kết, chung sức, đồng lòng, phát huy dân chủ, không ngừng đổi mới sáng tạo, xây dựng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn trở thành đại học nghiên cứu thuộc Đại học Quốc gia TPHCM, nằm trong tốp đầu của châu Á về khoa học xã hội và nhân văn” – ông Nguyễn Trọng Nghĩa bày tỏ.