Colombia tiêu diệt ma túy bằng việc rải chất độc xuống các cánh đồng trồng cây coca
Sau khi đình chỉ rải thuốc diệt cỏ xuống các cánh đồng coca vào vào năm 2015 khi Tổ chức y tế thế giới (WHO) cảnh báo rằng glyphosate là chất gây ung thư, nay Colombia, quốc gia sản xuất cocaine lớn nhất thế giới, có kế hoạch phun lại thuốc này để chặn nguồn nguyên liệu chế biến cocaine tuồn vào Mỹ.
Theo vice.com, chính phủ Colombia đã công bố một dự luật đề xuất nối lại việc rải chất độc xuống các cánh đồng trồng cây coca, nơi cung cấp nguyên liệu chế biến cocaine tuồn sang Mỹ. Việc phun thuốc lại sẽ cho phép nhà nước Colombia chống lại nạn buôn bán ma túy một cách nhanh chóng và hiệu quả hơn. Đây là một chương trình gây tranh cãi vì việc sử dụng glyphosate, một loại thuốc diệt cỏ, được cho là gây ung thư ở những người tiếp xúc với nó thường xuyên và với liều lượng cao.
Dự luật đang trong giai đoạn phê duyệt cuối cùng và dự kiến việc phun thuốc sẽ bắt đầu vào nửa cuối năm nay, ông Ricardo Vargas, một chuyên gia về khử trùng cây trồng và coca tại Đại học quốc gia Colombia thông báo.
Đề xuất phun lại chất diệt cỏ độc hại của Tổng thống Colombia Ivan Duque bị các quan chức, các nhà môi trường, chuyên gia chính sách và người dân lên án vì người dân có thể bị ảnh hưởng bởi việc phun hóa chất.
Mỹ ủng hộ sáng kiến này, hứa hẹn sẽ khởi động một chương trình trị giá 5 tỉ USD để giúp đỡ các vùng nông thôn Colombia. Đại sứ quán Mỹ tại Colombia tuyên bố Mỹ ủng hộ những nỗ lực của chính phủ Colombia để đạt được mục tiêu chung là giảm một nửa diện tích trồng coca và sản lượng cocaine vào cuối năm 2023.
Colombia, quốc gia sản xuất cocaine lớn nhất thế giới đã đình chỉ một chương trình rải thuốc diệt cỏ xuống các cánh đồng coca vào vào năm 2015 sau khi một nghiên cứu của Tổ chức y tế thế giới (WHO) cho thấy rằng glyphosate được phun từ trên không là chất gây ung thư.
Ông Sanho Tree, một chuyên gia chính sách cho rằng để chống lại những kẻ sản xuất ma túy, cần có những con đường kết nối tất cả các vùng sâu vùng xa của đất nước và cho phép kiểm soát tốt hơn các vùng lãnh thổ.