Colombia trên bờ vực khủng hoảng khí đốt tự nhiên

Sự sụt giảm mạnh trong đầu tư vào lĩnh vực năng lượng và thiếu các phát hiện hydrocarbon tầm cỡ thế giới đang đe dọa Colombia, quốc gia đang bị xung đột tàn phá, với một cuộc khủng hoảng năng lượng, Oil Price đưa tin.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Tình trạng thiếu khí đốt tự nhiên xuất hiện vào năm 2015 khi quốc gia này hứng chịu đợt hạn hán nghiêm trọng và tình trạng thiếu nước kéo theo do hiện tượng thời tiết El Ninõ. Nguồn cung khí đốt tự nhiên giảm cùng với nhu cầu nhiên liệu tăng cao đã buộc Colombia phải bắt đầu nhập khẩu số lượng lớn khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG) vào năm 2017, với lượng hàng nhập khẩu tăng theo cấp số nhân kể từ đó.

Giờ đây, Tổng thống Gustavo Petro đã ngừng trao các hợp đồng thăm dò hydrocarbon mới và ngăn chặn hoạt động fracking vào thời điểm nhu cầu khí đốt tự nhiên tăng cao, làm xuất hiện lo ngại về một cuộc khủng hoảng năng lượng.

Vào cuối năm 2022, Tổng thống cánh tả của Colombia, Gustavo Petro, tuyên bố đã đạt được thỏa thuận nhập khẩu khí đốt tự nhiên từ Venezuela. Thỏa thuận này là một phần quan trọng trong kế hoạch của tổng thống nhằm chấm dứt cấp giấy phép thăm dò hydrocarbon mới ở Colombia đồng thời đảm bảo an ninh năng lượng của quốc gia.

Kế hoạch của Petro nhằm giúp Colombia thoát khỏi sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch, trong đó dầu mỏ là mặt hàng xuất khẩu hợp pháp lớn nhất của đất nước, mang lại tới 1/5 thu nhập tài khóa và 3% tổng sản phẩm quốc nội, có thể sẽ làm đóng cửa ngành hydrocarbon trong nước. Trong khi là một nhà sản xuất xăng dầu lớn, Colombia có trữ lượng dầu và khí đốt tự nhiên cực kỳ hạn chế, thuộc hàng thấp nhất so với bất kỳ nhà khai thác dầu nào ở Mỹ Latinh.

Theo Bộ Mỏ và Năng lượng Colombia, trữ lượng dầu đã được chứng minh vào cuối năm 2022 chỉ đạt tổng cộng 2,074 tỷ thùng ít ỏi, trong khi chỉ có 2,82 nghìn tỷ feet khối khí đốt tự nhiên. Những trữ lượng đã được chứng minh đó có thời gian khai thác chỉ vào khoảng 7 năm với tốc độ khai thác hiện tại.

Vì lý do đó, an ninh năng lượng của Colombia đang gặp rủi ro do nền kinh tế của quốc gia này quá phụ thuộc vào việc khai thác nhiên liệu hóa thạch. Điều đó càng trở nên phức tạp hơn bởi thực tế là không có phát hiện hydrocarbon lớn nào tại Colombia trong hơn một thập kỷ qua. Các kỹ thuật thu hồi được nâng cao là nguyên nhân giúp trữ lượng dầu đã được chứng minh của Colombia tăng trưởng ít ỏi 1,7% so với cùng kỳ năm trước.

Một mối đe dọa khác đối với nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên ở Colombia là phần lớn nhiên liệu hóa thạch được khai thác ở nước này là sản phẩm phụ của quá trình khai thác dầu. Điều đó khiến nguồn cung khí đốt tự nhiên trong nước phụ thuộc nhiều vào hoạt động thăm dò, phát triển và khai thác dầu mỏ. Nó cũng tạo thêm áp lực nguồn cung vì các công ty khoan dầu ở Colombia phụ thuộc nhiều vào sự cải thiện trong thu hồi dầu để tăng tỷ lệ thay thế trữ lượng và sản lượng dầu từ các mỏ dầu cũ.

Các công ty khoan dầu thường sử dụng khí đồng hành từ các giếng dầu làm tác nhân để tăng áp suất vỉa chứa thông qua việc bơm lại. Người ta tin rằng khoảng 50% đến 80% lượng khí đồng hành được tạo ra từ quá trình khai thác dầu sẽ được bơm lại để tăng cường khả năng thu hồi.

Bốn hoạt động khai thác khí đốt trên bờ hàng đầu của Colombia là các mỏ Pauto Sur, Cupiagua, Cupiagua Sur và Florenã nằm ở Lưu vực Llanos. Những mỏ này tạo ra khí đồng hành, nghĩa là nó là sản phẩm phụ của quá trình khai thác dầu.

Mỏ Chuchupa do Chevron điều hành trên bờ biển Đại Tây Dương của Colombia là hoạt động khai thác khí đốt chính của Colombia. Chuchupa là một mỏ đã trưởng thành, nơi sản lượng đạt đỉnh vào năm 2010 và hiện đang suy giảm, với dự kiến đạt đến giới hạn kinh tế vào năm 2031. Mỏ ngoài khơi Ballena đã trưởng thành, cũng do Chevron vận hành, cũng cung cấp khí không đồng hành và nằm ở vị trí gần đó. Mỏ Ballena đạt sản lượng cao nhất trong năm 2014 và dự kiến sẽ đạt giới hạn kinh tế vào năm 2039.

Một loạt phát hiện khí đốt tự nhiên gần đây ở Colombia đã mang lại hy vọng đáng kể về việc tăng cường khai thác và dự trữ trong nước. Các phát hiện nước sâu Gorgon-1 năm 2017 và Gorgon-2 năm 2022 tại Lô COL-5 nằm ngoài khơi bờ biển Caribe của Colombia thuộc những phát hiện quan trọng nhất. Lô này được điều hành bởi Shell, với 50% cổ phần, trong khi 50% còn lại do Ecopetrol nắm giữ.

Ngoài ra còn có các phát hiện nước sâu Kronos 2015 và Purple Angel 2017 trước đó được thực hiện gần Lô COL-5. Một phát hiện đầy hứa hẹn khác được tìm thấy tại giếng thăm dò Uchuva-1, được khoan ở Lô Tayrona ngoài khơi bởi Petrobras, nắm giữ 44,44% cổ phần, và 55,56% còn lại do Ecopetrol kiểm soát. Mặc dù những phát hiện đó chứng tỏ có tiềm năng đáng kể ở vùng lãnh hải của Colombia, nhưng ở vùng Caribe, sẽ phải mất nhiều năm nữa chúng mới được phát triển.

Vì những lý do trên, Colombia chịu áp lực đáng kể từ phía nguồn cung khí đốt tự nhiên được khai thác trong nước. Mức tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch ở Colombia đang tăng với tốc độ ổn định, với nhu cầu hiện vượt quá nguồn cung một cách đáng kể.

Có lo ngại rằng sự xuất hiện gần đây của hiện tượng thời tiết El Ninõ ở Colombia sẽ một lần nữa tác động mạnh đến mực nước và sản lượng từ các nhà máy thủy điện của nước này. Điều này sẽ buộc Bogota phải mở rộng sản xuất điện bằng cách sử dụng các nhà máy điện chạy bằng khí đốt để tăng sản lượng, gây thêm áp lực lên nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên vốn đã hạn chế.

Dữ liệu từ Bloomberg cho thấy Colombia đã nhập khẩu 309.000 tấn LPG trong 8 tháng đầu năm nay, tăng mạnh 60% so với tổng lượng LPG được vận chuyển đến quốc gia này trong cả năm 2022 và gấp ba lần co số năm 2021.

Các chuyển gia dự đoán rằng quốc gia từng tự chủ năng lượng này sẽ trở thành nước nhập khẩu ròng khí đốt tự nhiên vào năm 2030. Ngay cả những phát hiện khí đốt tự nhiên gần đây cũng sẽ không giúp ích gì nhiều trong việc mở rộng nguồn cung trong nước và giảm bớt mối đe dọa khủng hoảng năng lượng trong khi làm trầm trọng thêm tình trạng yếu kém kinh tế hiện tại do thâm hụt thương mại ngày càng tăng.

Đỗ Khánh

Oil Price

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/colombia-tren-bo-vuc-khung-hoang-khi-dot-tu-nhien-694147.html