Colombia và Venezuela nối lại quan hệ lợi ích

Colombia và Venezuela chính thức nối lại quan hệ ngoại giao. Sau ba năm rạn nứt, hai nước láng giềng đã kết nối lại quan hệ với sự xuất hiện của cấp Đại sứ tương ứng ở Caracas và Bogota. Ngoài lịch sử chung, hai nước có chung lợi ích về kinh tế, an ninh và chiến lược.

Caracas chấm dứt quan hệ ngoại giao với Bogota vào tháng 2 năm 2019 khi Tổng thống cánh hữu Colombia Ivan Duque không công nhận việc ông Nicolas Maduro tái đắc cử. Sự rạn nứt đó là đỉnh điểm của nhiều năm căng thẳng giữa Venezuela và Colombia từ thời Tổng thống Alvaro Uribe của Colombia.

Venezuela và Colombia đã chính thức nối lại quan hệ ngoại giao, đã tan vỡ trong ba năm, với việc đến Caracas vào chủ nhật ngày 29 - 8 của đại sứ Colombia do tổng thống mới, Gustavo Petro chỉ định. Đại sứ Colombia Armando Benedetti viết trên Twitter: “Mối quan hệ với Venezuela không bao giờ được cắt đứt, chúng ta là anh em, và một lằn ranh tưởng tượng không thể chia cắt chúng ta”.

Đại sứ Colombia tại Venezuela (phải) và đại sứ Venezuela tại Colombia.

Đại sứ Colombia tại Venezuela (phải) và đại sứ Venezuela tại Colombia.

Theo nhà ngoại giao này, hơn 8 triệu người Colombia sống nhờ thương mại song phương với Venezuela. Một trong những mục tiêu của việc nối lại quan hệ này là nhằm khôi phục các hoạt động thương mại giữa hai nước. Venezuela và Colombia ngày 11-8 thông báo ý định trao đổi đại sứ.

Ngoài việc trao đổi đại sứ, một trong những vấn đề chính là việc mở lại biên giới dài hơn 2.000 km chia cắt hai quốc gia, hoàn toàn không cho xe cộ qua lại kể từ năm 2015 và chỉ mở cửa trở lại cho người đi bộ từ cuối năm 2021. Kể từ đó, các gia đình sống ở hai bên biên giới đã ly tán, nhưng trên hết, tình hình đã thuận lợi cho sự gia tăng của hoạt động buôn lậu hàng hóa, ma túy và buôn người. Hàng nghìn người Venezuela đã nhờ đến những kẻ buôn lậu để sang Colombia tị nạn. Trên thực tế, việc mở lại này có thể mất thời gian. Sẽ là cần thiết để khôi phục các cơ sở hạ tầng và đặc biệt là để chống lại các nhóm vũ trang cắm rễ rất sâu trong khu vực. Người nhóm này khó chấp nhận mất đi khoản tiền thu được từ tình huống phong tỏa giữa hai nước. Caracas và Bogota cũng có ý định khôi phục quan hệ quân sự của họ.

Phòng Thương mại Colombia-Venezuela dự đoán kim ngạch thương mại song phương sẽ đạt từ 800 triệu đến 1,2 tỷ đô la vào năm 2022, sau khi đạt khoảng 400 triệu đô la vào năm trước.

Caracas cắt đứt quan hệ ngoại giao với Bogota vào tháng 2 năm 2019 khi Tổng thống cánh hữu Colombia Ivan Duque không công nhận việc Tổng thống Nicolas Maduro tái đắc cử và ủng hộ tuyên bố của lãnh đạo phe đối lập Juan Guaido làm tổng thống lâm thời. Caracas cũng cáo buộc Bogota hỗ trợ cho các chiến dịch gây bất ổn của phe đối lập Venezuela. Nhưng trong ba năm qua, sự phản đối hoàn toàn này của Colombia đối với chính phủ Venezuela, cùng với Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, đã không mang lại kết quả tích cực nào.

Hồi đầu tháng 8 này, Tổng thống đắc cử Colombia Gustavo Petro đã chính thức tuyên thệ nhậm chức diễn ra tại quảng trường Bolivar với sự có mặt của 9 nguyên thủ quốc gia các nước Mỹ Latinh, Nhà vua Tây Ban Nha, nhiều khách mời đại diện cho các nước trên thế giới cùng với hơn 100.000 người ủng hộ. Ông Petro trở thành nhà lãnh đạo theo đường lối cánh tả đầu tiên tại Colombia lên nắm quyền và sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức trong việc thúc đẩy cải cách kinh tế xã hội nhằm giảm thiểu đói nghèo và bất bình đẳng tại một trong những nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi tình trạng chia rẽ trong xã hội và bạo lực ở Mỹ Latinh. Phát biểu tại lễ nhậm chức, tân Tổng thống Colombia cho biết, những ưu tiên trong chương trình hành động của chính phủ mới trong thời gian tới là thúc đẩy việc triển khai dự án giáo dục đại học công miễn phí, thay đổi hệ thống y tế và trợ cấp đối với người cao tuổi không có lương hưu, cũng như chấm dứt các dự án khai thác dầu khi để hướng tới việc phát triển năng lượng tái tạo.

Ông Petro cũng sẽ phải tiếp tục thúc đẩy lộ trình hồi phục kinh tế sau giai đoạn khủng hoảng do đại dịch COVID-19 gây ra khiến cho tỷ lệ người nghèo tăng mạnh lên mức gần 40% và tỷ lệ thất nghiệp cũng đã lên 11,7% trong những năm gầy đây. Ở một khía cạnh khác, nhà lãnh đạo Colombia cũng cam kết sẽ tìm kiếm một hướng đi hòa bình toàn diện để chấm dứt các cuộc xung đột vũ trang kéo dài suốt 6 thập kỷ qua tại quốc gia Nam Mỹ này, trong đó đặc biệt chú trọng tới khả năng nối lại các cuộc đàm phán hòa bình với nhóm vũ trạng Quân đội Giải phóng quốc gia (ELN), cũng như xem xét tuân thủ các điều khoản trong thỏa thuận hòa bình đã ký từ năm 2017 với Lực lượng Vũ trang Cách mạng Colombia (FARC) đã giải giáp.

Về đối ngoại, tân Tổng thống Petro khẳng định sẽ khôi phục lại quan hệ ngoại giao với nước láng giềng Venezuela sau nhiều năm căng thẳng dưới các chính phủ tiền nhiệm, thúc đẩy hội nhập với các nước trong khu vực Mỹ Latinh và thế giới. Trong cuộc bầu cử diễn ra hồi tháng 6, ông Petro, đại diện cho liên minh cánh tả Pacto Historio (Hiệp ước Lịch sử), đã giành được 50,44% số phiếu bầu ủng hộ, vượt qua ứng cử viên cánh hữu Rodolfo Hernandez, người nhận được 47,31% số phiếu bầu trong cuộc bầu cử vòng 2.

Việc lần đầu tiên một nhà lãnh đạo cánh tả lên nắm quyền trong lịch sử dường như đang tạo ra một làn gió mới trong đời sống chính trị, xã hội của Colombia. Lễ nhậm chức của ông Gustavo Petro mang đậm tính biểu tượng, bài phát biểu của ông hàm chứa nhiều nội dung. Ông liên tục nói đến tình trạng bất công xã hội, mà ông cho là "không bình thường mà Colombia đã trải qua". Tổng thống Petro cam kết hóa giải những chia rẽ trong xã hội, mở đường cho việc thực thi những chính sách thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giảm thiểu đói nghèo, đem lại công bằng xã hội và hòa bình thực sự cho người dân Colombia.

Mộc Thạch (Tổng hợp)

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/su-kien-binh-luan-antg/colombia-va-venezuela-noi-lai-quan-he-loi-ich-i665916/