Cơm mẹ nấu

Con chẳng nhớ vị sữa mẹ như thế nào, cả những bữa bột, bữa cháo đầu đời ra sao nữa.

Ký ức hay kỷ niệm không lưu lại được gì, có chăng là khi lớn, con sẽ chiêm nghiệm lại hay được nghe mẹ kể. Sữa mẹ nhạt như nước cơm, dịu nhẹ vị ngọt. Những bát bột, bát cháo nuôi 4 đứa chúng con đầu đời phần lớn nấu với nước mắm và mì chính. Miếng giò, lạng thịt, quả trứng là thứ bồi dưỡng cho người ốm, đến miệng 4 đứa con của mẹ chắc chỉ tính bằng gram. Khi ký ức bắt đầu được hình thành, với tôi vẫn là những ngày tháng triền miên thiếu ăn, thèm thịt của thập niên 80-90 thế kỷ trước - thời của kỳ hậu chiến, bao cấp, bị bao vây cấm vận...

Những bữa cơm thời bao cấp do chính tay mẹ nấu không phai mờ trong ký ức của nhiều người.

Những bữa cơm thời bao cấp do chính tay mẹ nấu không phai mờ trong ký ức của nhiều người.

Mẹ tôi vốn là gái Hà Nội gốc nhưng của nả để dành chẳng có bao nhiêu. Bà kết hôn với bố tôi - một bác sĩ trẻ quê tỉnh lẻ nhưng được nuông chiều, có phần mơ mộng. Khỏi phải nói, những năm tháng chiến tranh rồi hậu chiến, bà vất vả như thế nào để nuôi 4 anh em chúng tôi, sàn sàn chênh nhau chỉ 1 tuổi. Lúc Hà Nội, lúc sơ tán tận Hà Nam rồi lại lộn về quê chồng chăm con tận Hà Bắc. Ngày thống nhất đất nước, cả nhà mới lếch thếch từ cơ sở 2 bệnh viện của bố về Hà Nội. Nền móng của gia đình 6 con người bắt đầu định cư ở Hà Nội là căn nhà tập thể 12m2, chiếc xe đạp của bố...

Bộ nhớ của tôi bắt đầu ghi nhận mạnh từ thời gian này, cậu bé 7 tuổi, sáng trong, nhạy cảm. Chúng tôi - các con của mẹ đều cảm phục tài nấu nướng không có hoặc thiếu thịt nhưng vẫn ngon miệng, đủ chất để chúng tôi không ai suy dinh dưỡng và học hành nên người. Ai đó nói người nào có tài chế rau dưa thì nghèo muôn đời... Không hiểu vì không có gì để ăn hay không sợ câu sấm truyền đó mà mẹ tôi làm các loại dưa ngon thế.

Những năm đầu bao cấp, người ta không thiếu rau nhưng chế biến để ăn dần thì mẹ tôi là giỏi nhất. Mẹ muối đủ các loại dưa: củ cải, cải bẹ, bắp cải rồi sau này đến các loại củ: su hào, cà tím, cà bát, cà pháo. Tôi chỉ đội rau dưa về cho mẹ, còn không biết mẹ làm gì với chúng và vài cái vại, muối và nước ấm, cối nén, tấm đan bằng tre... Chúng tôi ăn quanh năm với những dưa nấu lạc, nấu cá, các loại củ muối cà pháo, cà bát và su hào muối bà thường trộn thêm đường, tương ớt và ít mắm... Mẹ tôi cứ gọi đó là món thịt voi để cho chúng tôi đỡ nhớ thịt. Nhà ăn không hết, mẹ tôi tặng hàng xóm, ai cũng khen. Ngày Tết, tôi cứ nhớ mãi sự dân dã của rau dưa sẽ kết hợp tuyệt vời với thịt thủ luộc hay thịt đông cũng từ bàn tay mẹ mà ra. Dưa bắp cải muối xổi với rau cần, rau răm hay dưa cải bẹ kèm với hành muối ăn với đồ ăn nhiều mỡ thì thật là tuyệt.

Thịt không đủ thì mẹ tôi đã “phát minh” ra rất nhiều đồ ăn để bù đạm và mỡ cho các con. Dịp lễ Tết, bà chỉ mua thịt chân giò hay thủ lợn để còn được một gấp đôi so với tiêu chuẩn. Tóp mỡ, thứ mà ngày nay là rác thải của các bếp ăn được bà làm sạch sẽ, loại bỏ tạp chất. Kho tóp mỡ sẽ được đem xào rau, chưng mắm tôm, nấu dưa hay chưng cà chua. Khỏi phải nói độ ngon miệng khi ta gắp trúng phải miếng tóp mỡ. Thứ nước xốt béo ngậy của tóp mỡ cũng sẽ làm phần lớn các công dân thèm thịt thời đó thỏa mãn, không riêng gì tôi. Đám bác sĩ bạn tôi vẫn nhắc mãi những bữa cơm bà nuôi chúng tôi ôn thi tốt nghiệp Đại học Y Hà Nội. Món chủ đạo là cà tím om đậu phụ và tóp mỡ. Ngon đến mê hoặc!

Mẹ đã xa chúng tôi gần 30 năm rồi. Bà không kể công và cũng chẳng để chúng tôi kịp báo hiếu nhiều. Cơn đau tim đột ngột cướp bà khỏi tay chúng tôi. Nỗi ân hận tràn ngập vì chẳng kịp báo hiếu mẹ già vẫn còn len lỏi trong tim các con cho đến ngày hôm nay. Chúng tôi nợ mẹ tuổi thọ. Nhớ mãi hình bóng bà trong những năm tháng nhọc nhằn lúi húi bên chiếc bếp dầu hay bếp than tổ ong, mặt mẹ hồng rực lấm tấm mồ hôi để nấu những bữa ăn nuôi nấng chúng tôi. Cảm ơn mẹ nhiều lắm!

BS. Hoàng Cương

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/com-me-nau-n169824.html