Cơm thiện nguyện Yên Vui ở Phố núi
Nằm trong chuỗi quán cơm của Quỹ từ thiện Bông Sen (TP. Hồ Chí Minh), quán Yên Vui (số 50 đường Thống Nhất) có mặt ở TP. Pleiku từ giữa tháng 11-2020.
Dòng chữ “Đừng ngần ngại! Cô bác vào ăn cơm đi!...” phần nào tạo được sự gần gũi, thân thiện. Tuy không rộng nhưng quán rất thoáng đãng. Từ quầy bán phiếu ăn, góc gian phòng nhận cơm đến bàn ghế được bài trí hợp lý, ấm áp không khí gia đình. Thật gần với cách cư xử, lời ăn tiếng nói của những người phụ nữ làm việc ở đây. Phần lớn thực khách là người có hoàn cảnh khó khăn gồm học sinh, người mua bán phế liệu, bán vé số dạo, người kém may mắn trong xã hội… đủ các độ tuổi. Thật gần khi người trẻ đợi người già; người khỏe đợi người yếu xong bữa mới thu dọn, cho thức ăn thừa vào chiếc xô nhựa. Quán Yên Vui chỉ phục vụ bữa trưa, từ 11 giờ các ngày thứ hai, thứ tư, thứ sáu hàng tuần. Với giá bán 2.000 đồng/suất cơm mặn, 1.000 đồng/suất cơm chay, phần cơm luôn có được 3 món. Bên cạnh đó, quán còn phục vụ cả món mì ăn liền đồng giá 1.000 đồng/tô.
Trao đổi với chúng tôi, chị Võ Thị Ngọc Hân-nhân viên quán Yên Vui-cho biết: “Hiện nay, quán mới bán khoảng 70 suất/buổi. Thời gian tới, chúng tôi mong có thêm nhiều thực khách biết đến quán nhiều hơn. Quán chỉ bán cho thực khách ăn tại chỗ. Tuy nhiên, có 2 trường hợp đặc biệt được mua mang về vì gia cảnh nghèo khó, người nhà già yếu, ốm đau không tự đi lại được”. Để quán Yên Vui duy trì hoạt động, chị Hân cho biết thêm: Ngoài chi phí thuê nhà hết 6 triệu đồng/tháng, quán còn trả lương mức “tượng trưng” cho 3 nhân viên làm việc cố định. Mỗi ngày, vẫn có thêm 2-4 chị đến góp công sức thiện nguyện cho tất cả quy trình để được bữa cơm thêm ấm tình người. Kinh phí cho phần bù? Được lấy từ Quỹ từ thiện Bông Sen; từ những thực khách mua suất cơm 2.000 đồng nhưng “xin” được trả tờ tiền mệnh giá lớn; từ ai đó không nhớ mặt, chẳng mong được xướng tên dừng chân ghé vào quán gửi món tiền làm từ thiện rồi quay bước…
Tôi ngồi ở quán Yên Vui suốt buổi trưa để được tận mắt chứng kiến cung cách phục vụ ấm áp, nhiệt tình của các chị; thấu trong tim dáng vẻ rụt rè qua ánh mắt không giấu được sự tự ti của mấy em học sinh; trải lòng cùng gia đình kia có các thành viên vóc dáng phương phi, sang trọng dù vô tình hiện ra cùng trải nghiệm bữa cơm dành cho người nghèo; cả niềm vui sống của những người lao động nghèo trong bữa cơm giá rẻ… Nhưng dù gì đi chăng nữa: “Đừng ngần ngại! Cô bác vào ăn cơm đi!”.