Còn 21 trường hợp nặng đang được điều trị tích cực tại bệnh viện sau vụ ngộ độc thực phẩm ở Nha Trang
Ngoài một trường hợp đã tử vong, đang có 21 trường hợp nặng phải điều trị tích cực trong vụ ngộ độc thực phẩm tại Trường Ischool Nha Trang.
Các trường hợp nặng được tích cực điều trị ở Nha Trang
Theo đó, vụ ngộ độc thực phẩm tại Trường Ischool Nha Trang xảy ra ngày 17/11 (như Sức khỏe và Đời sống đã đưa tin). Các em bị ngộ độc trong lứa tuổi từ 7 tuổi đến 16 tuổi.
Sau khi ăn bữa cơm trưa ngày 17/11 tại trường, nhiều em xuất hiện các triệu chứng đau bụng, khó chịu, tiêu chảy nhiều lần, sốt, buồn nôn, nôn... nên được đưa đến các bệnh viện trong TP. Nha Trang. Ban đầu các bệnh viện điều trị cho hơn 100 em. Nhưng số học sinh nhập viện rải rác ngày càng tăng.
Qua báo cáo của Sở Y tế Khánh Hòa, thống kê đến trưa 20/11, tổng số ca nhập viện điều trị nội trú là 360 ca. Tổng số ca đã xuất viện là 93 ca. Tổng số ca đang điều trị tại các bệnh viện ở Nha Trang là 266 ca.
Trong số các em đang điều trị, có 21 trường hợp nặng, cần phải theo dõi tích cực.
Nhiều nhất là Bệnh viện 22-12 (15 ca). Các bệnh nhân đau bụng nhiều, đi cầu lỏng nhiều lần, sốt, công thức máu bạch cầu tăng cao, CRP tăng cao, 1 ca có dịch màng bụng, giảm tiểu cầu.
Đối với một trường hợp đã tử vong ngày 20/11 được xác định là em L.Z.X (sinh năm 2016, học lớp 1).
Bệnh nhân này nhập viện ngày 18/11 trong tình trạng nôn ói nhiều, mệt, đau bụng. Đến chiều tối 19/11, bệnh nhân mệt, lơ mơ, co giật, tím và được các bác sĩ hồi sức tích cực.
Đến sáng 20/11, bệnh nhân li bì, sốt 39 độ, huyết áp và nhịp tim phụ thuộc vận mạch, thở máy ống nội khí quản, dấu hiệu suy đa phủ tạng… Trên đường chuyển viện vào TP.Hồ Chí Minh thì bệnh nhân tử vong.
Ông Phạm Hữu Bình, Hiệu trưởng Trường Ischool Nha Trang chia sẻ, đây là một việc rất đau lòng trong suốt 12 năm hoạt động của nhà trường.
Ngay trong thời gian này, nhà trường vẫn đang tập trung toàn bộ nguồn lực cùng cơ quan y tế và các phụ huynh chăm sóc sức khỏe cho các em, nhất là các em đang bị nặng.
Cần đảm bảo an toàn thực phẩm ở các trường học
Sau sự việc, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã yêu cầu Sở Y tế Khánh Hòa tạm thời đình chỉ hoạt động bếp ăn Trường Ischool Nha Trang. Cục cũng yêu cầu tỉnh truy xuất nguồn gốc thực phẩm, lấy mẫu thực phẩm nghi ngờ để xét nghiệm các chỉ tiêu an toàn thực phẩm và xử lý nghiêm theo quy định pháp luật khi phát hiện vi phạm.
Sở Y tế Khánh Hòa đã phối hợp với nhà trường kiểm tra, xác định nguyên nhân ngộ độc thực phẩm, tích cực điều trị, phục hồi sức khỏe cho các em học sinh.
Chi cục An toàn Vệ sinh thực phẩm Khánh Hòa đã phối hợp cùng các đơn vị chức năng kiểm tra đơn vị cung cấp các suất ăn cho Trường Ischool Nha Trang là hộ kinh doanh Bùi Phúc Lam (đường Hai Bà Trưng, Nha Trang).
Các mẫu xét nghiệm đã được gửi đến Viện Pasteur Nha Trang để xác định nguyên nhân độc tố. Dự kiến đến ngày 23/11 sẽ có kết quả.
Trung tâm Y tế TP Nha Trang đã cho nhân viên tổng vệ sinh các khu vực trong trường, đặc biệt là khu vực bếp ăn. Tiến hành khử khuẩn bằng dung dịch Chloramin B.
Sở GD&ĐT Khánh Hòa tổ chức thăm hỏi, động viên, đồng thời, đôn đốc, nhắc nhở các trường trên địa bàn tỉnh, nhất là trường có tổ chức bán trú tăng cường truyền thông, giáo dục về bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm. Không được để các cơ sở không đảm bảo an toàn thực phẩm cung cấp suất ăn cho học sinh; tăng cường hoạt động giám sát, phát hiện sớm nguy cơ ô nhiễm thực phẩm để cảnh báo và dự phòng.
Đối với trường hợp học sinh đã tử vong do ngộ độc thực phẩm, UBND tỉnh Khánh Hòa đã chỉ đạo UBND TP. Nha Trang tổ chức thăm hỏi, động viên. Hỗ trợ gia đình nạn nhân với số tiền 21 triệu đồng. Trường Ischool Nha Trang cũng đã đến nhà học sinh chia sẻ, động viên phụ huynh và hỗ trợ gia đình lo các thủ tục cuối cùng.