Còn 3 triệu người sẽ được cấp CCCD gắn chip trước ngày 30/7
Bộ trưởng Công an đặt mục tiêu đến ngày 30/7, còn 3 triệu người dân chưa được cấp căn cước gắn chip, thì lực lượng chức năng sẽ cấp cho họ.
Thông tin trên được Bộ trưởng Công an Tô Lâm nêu trong phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 4/2023 khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến đối với dự án Luật Căn cước.
Theo đại tướng Tô Lâm, dự án luật thay đổi tên gọi thành Luật Căn cước vì nội dung thay đổi căn bản so với Luật Căn cước công dân (CCCD) năm 2014, sửa đổi tất cả 39 điều, bổ sung 7 điều.
Bộ trưởng Công an nhấn mạnh khi được thông qua, Luật Căn cước sẽ gắn liền với Luật Giao dịch điện tử. Khi đó, mọi người dân đều thực hiện giao dịch trên môi trường điện tử. Đây cũng là bước phải thay đổi từ cách thức quản lý xã hội, giao dịch thông thường đến giao dịch điện tử.
Nêu lý do đổi tên gọi CCCD sang thẻ căn cước, Bộ trưởng Tô Lâm cho rằng căn cước không phải để xác định quyền công dân mà xác định là căn cước của người dân, tức là xác định được “anh là ai” để mọi người dân đều được bình đẳng trước pháp luật, có pháp nhân, địa vị pháp lý để giao dịch.
Bộ trưởng Công an phân tích trên thực tế, nếu theo cách thức quản lý trên giấy, thì sẽ có 3 triệu người không có giao dịch gì vì họ là người tàn tật, ốm yếu, cả đời không ra khỏi thôn, bản nên không có nhu cầu làm các giấy tờ.
Ngoài ra, ngay trong khu vực thành phố cũng có hàng trăm người không có hộ khẩu, không có đăng ký tạm trú nhưng hàng ngày vẫn đi làm để kiếm sống, vẫn lấy vợ, chồng, sinh con. Con cái họ sinh ra cũng không có hộ khẩu, không có đăng ký khai sinh, lớn lên lại giống với trường hợp của bố mẹ. Nếu không thay đổi cách thức quản lý công dân, nhóm người này khó thực hiện được các giao dịch.
Về tiến độ cấp CCCD, ngoài hơn 80 triệu người đã có thẻ gắn chip, Bộ Công an phấn đấu đến ngày 30/7, lực lượng chức năng toàn quốc sẽ cấp nốt cho 3 triệu người dân chưa được cấp. Đối với trẻ em dưới 14 tuổi, Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh việc cấp CCCD là không bắt buộc, nhưng thực tế lại rất cần vì đã xảy ra bất cập.
Theo Bộ trưởng, giấy khai sinh không chứng minh được người được khai sinh và người sử dụng. Do đó, việc bổ sung đối tượng được cấp thẻ căn cước cho người dưới 14 tuổi nhằm bảo đảm tính khả thi, đảm bảo yêu cầu về đối sánh dữ liệu sinh trắc học và yêu cầu quản lý Nhà nước. Mục đích để trẻ em dưới 14 tuổi phải được giao dịch trong môi trường điện tử.
Ngoài ra, Bộ trưởng Công an khẳng định tài khoản định danh điện tử rất thuận lợi, chỉ cần chi trả các chế độ cho người dân qua tài khoản định danh, thì sẽ tiết kiệm rất nhiều chi phí. Bộ Công an dự kiến có thể trả lương hưu, trợ cấp xã hội qua tài khoản định danh điện tử.
Bên cạnh đó, người dân có thể được vay tiền qua tài khoản định danh điện tử mà ngân hàng không cần thẩm định vì đã có đủ dữ liệu. Việc này góp phần chống được tín dụng đen, giảm giao dịch tiền mặt.