Cơn ác mộng chưa có hồi kết của Boeing
Tập đoàn chế tạo máy bay Boeing đang tiếp tục đối diện với những đợt khủng hoảng nặng nề sau khi chứng kiến các vụ tai nạn gây nhiều thương vong liên quan đến các máy bay của hãng này trong vòng 5 năm trở lại đây.
Ngày 14/5, Bộ Tư pháp Mỹ ra thông báo Boeing có thể bị truy tố liên quan đến 2 vụ tai nạn máy bay 737 MAX 8 hồi năm 2018 và 2019 làm tổng cộng 346 người thiệt mạng. Theo Bộ Tư pháp Mỹ, Boeing đã vi phạm nghĩa vụ trong một thỏa thuận năm 2021, vốn giúp nhà sản xuất máy bay này tạm thời không bị truy tố hình sự liên quan đến các vụ tai nạn trên.
Theo đó, vào tháng 1/2021, Boeing và chính phủ liên bang đã ký một thỏa thuận, trong đó công ty này đồng ý trả khoản bồi thường 2,5 tỷ USD và tuân theo các quy định về quyền giám hộ để đổi lấy việc Bộ Tư pháp hoãn lệnh trừng phạt tội danh gian lận - gây hiểu lầm cho các cơ quan quản lý liên bang khi phê duyệt máy bay - trong vòng 3 năm.
Thế nhưng, ngày 5/1/2024, chỉ 2 ngày trước khi thỏa thuận năm 2021 được ký tròn 3 năm, một máy bay Boeing 737 MAX 9 mới do hãng Alaska Airlines vận hành đã bị bung một phần thân trong quá trình bay, khiến một người phụ nữ bị thiệt mạng. Vụ việc đã khiến Boeing rơi vào cuộc khủng hoảng sâu sắc nhất kể từ sau 2 vụ tai nạn chết người của 2 máy bay 737 MAX 8 vào năm 2018 và 2019. Giới chức Bộ Tư pháp Mỹ đang điều tra sâu rộng để xem xét liệu vụ việc này có liên quan vấn đề vi phạm thỏa thuận hay không.
Trong hồ sơ trình lên tòa án tại bang Texas, Bộ Tư pháp Mỹ cho rằng Boeing đã không "thiết kế, triển khai và thực thi chương trình tuân thủ và cả chuẩn mực đạo đức để ngăn chặn và phát hiện các hành vi vi phạm luật chống gian lận của Mỹ trong suốt quá trình hoạt động của mình". Theo hồ sơ, Boeing có thể bị truy tố và Chính phủ Mỹ đang xác định cách thức xử lý vấn đề này.
Hồ sơ nói trên bao gồm một lá thư, trong đó Bộ Tư pháp Mỹ nêu rõ họ đã yêu cầu Boeing giải thích bản chất và hoàn cảnh của sự vi phạm, cũng như các hành động để giải quyết vụ việc một cách thỏa đáng trước ngày 13/6. Chính phủ Mỹ sẽ xem xét phản hồi của Boeing để xác định có tiến hành truy tố hay không. Bộ Tư pháp Mỹ sẽ quyết định việc này trước ngày 7/7.
Thân nhân các nạn nhân trong 2 vụ tai nạn 737 MAX 8 cùng luật sư của họ lập luận rằng Boeing đã vi phạm thỏa thuận năm 2021 với các công tố viên. Các công tố viên liên bang trước đó đã đồng ý yêu cầu thẩm phán hủy bỏ cáo buộc hình sự đối với Boeing, với điều kiện công ty tuân thủ các điều khoản của thỏa thuận hoãn truy tố trong thời hạn 3 năm.
Ông Paul G. Cassell - luật sư đại diện cho gia đình các nạn nhân - đánh giá thông báo mới của Bộ Tư pháp Mỹ là "bước đầu tiên tích cực". Tuy nhiên, ông cũng cho rằng cơ quan này "cần có hành động tiếp theo để buộc Boeing phải chịu trách nhiệm". Ông cho biết các gia đình nạn nhân sẽ tổ chức cuộc họp với Bộ Tư pháp Mỹ vào ngày 31/5 tới để trình bày chi tiết đề xuất về "biện pháp khắc phục thỏa đáng đối với hành vi vi phạm của Boeing".
Robert A. Clifford, một luật sư khác đại diện cho gia đình các nạn nhân trong vụ tai nạn máy bay 737, cho biết trong một tuyên bố: "Đây là cách để Boeing phải chịu trách nhiệm hình sự trước tòa. Đó là điều các gia đình mong muốn".
Về phía hãng chế tạo máy bay lớn nhất thế giới, trong một tuyên bố cung cấp cho CBS News vào tối hôm 14/5, một phát ngôn viên của Boeing thừa nhận công ty đã nhận được bức thư và nói rằng "chúng tôi tin rằng chúng tôi đã tôn trọng các điều khoản của thỏa thuận đó và mong có cơ hội phản hồi với bộ về vấn đề này. Khi làm như vậy, chúng tôi sẽ hợp tác với sự minh bạch tối đa như chúng tôi đã làm trong toàn bộ thời hạn của thỏa thuận, bao gồm cả việc trả lời các câu hỏi của họ sau khi xảy ra vụ tai nạn của Alaska Airlines 1282”.
Mới đây, một cựu giám đốc phụ trách chất lượng máy bay của Boeing, người đã tố cáo Spirit AeroSystems, một nhà cung cấp đang gặp khó khăn phụ trách sản xuất phần lớn các bộ phận của máy bay 737 Max cho Boeing, tiết lộ rằng ông đã chịu sức ép phải hạ thấp các vấn đề mà ông phát hiện ra khi kiểm tra thân máy bay. Phát biểu công khai lần đầu tiên vào tuần trước, Santiago Paredes cho biết ông thường gặp vấn đề khi kiểm tra khu vực xung quanh chính tấm cửa máy bay đã bung ra trong Chuyến bay 1282 của Alaska Airlines chỉ vài phút sau khi nó cất cánh từ Portland, Oregon, vào ngày 5/1.
Trong bối cảnh mức độ an toàn của các máy bay Boeing bị đặt nghi vấn lớn, các đơn đặt hàng của hãng này đã sụt giảm trong tháng 4 và sẽ còn tiếp tục sụt giảm thêm nữa do các đơn hàng bị hủy bỏ, một dấu hiệu khác cho thấy cuộc khủng hoảng đang đè nặng lên nhà sản xuất máy bay vốn đang gặp khó khăn này.
Hôm 14/5, Boeing cho biết họ đã nhận được đơn đặt hàng 7 máy bay vào tháng trước, một con số nhỏ bất thường. Điều đó không đủ để bù đắp các đơn hàng bị hủy bao gồm 33 máy bay, 29 trong số đó có liên quan đến việc Lynx Air, một hãng hàng không giá rẻ của Canada đã ngừng bay vào cuối tháng 2.
Đúng như dự đoán, các đơn giao máy bay phản lực mới của Boeing vào ngày 24/4 rất thấp, khiến công ty Mỹ bị Airbus, đối thủ ở châu Âu, bỏ xa.
Trong 4 tháng đầu năm, Airbus đã giao 203 máy bay thương mại, so với 107 chiếc của Boeing. Cục Hàng không liên bang đang hạn chế sản xuất máy bay phản lực Boeing 737 Max mới trong thời gian hãng này cố gắng cải thiện chất lượng sản xuất.
Cục này cho biết hôm ngày 6/5 vừa qua rằng họ đã mở một cuộc điều tra về Boeing sau khi có báo cáo rằng các công nhân tại một nhà máy ở Nam Carolina đã làm giả hồ sơ kiểm tra đối với một số máy bay 787. Boeing cho biết các kỹ sư của họ đã xác định rằng hành vi sai trái không tạo ra “vấn đề an toàn ngay lập tức cho chuyến bay”.
Các nhân viên hiện tại và trước đây của Boeing đã cáo buộc công ty đã cắt xén các quy trình kiểm tra về vấn đề đảm bảo an toàn, và công ty có trụ sở tại Arlington, Virginia đang bị Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia (FAA) và Bộ Tư pháp điều tra.
Mặc dù các số liệu tháng 4 của Boeing ảm đạm, hãng này cho biết họ đã đạt được một cột mốc quan trọng khi giao chiếc 737 Max thứ 1.500 vào tháng trước cho Ryanair của Ireland.