'Cơn ác mộng' mang tên UAV

Xung đột Nga - Ukraine đã bước sang năm thứ ba, là cuộc chiến tranh cân sức đầu tiên giữa các quốc gia có công nghệ và năng lực quân sự tương đương kể từ Chiến tranh thế giới lần thứ hai.

Nếu so sánh về tương quan lực lượng, Ukraine chiếm thế yếu, với dân số bằng gần ¼ dân số Nga, GDP bằng 1/14 GDP của Nga. Động lực khiến Ukraine có thể tiếp tục cuộc kháng cự là những khoản viện trợ quân sự, viện trợ nhân đạo khổng lồ từ các nước thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Ước tính đến năm 2024, tổng giá trị viện trợ cho Ukraine của NATO lên tới hơn 400 tỷ USD.

Tuy nhiên, một trong những diễn biến bất ngờ mà thế giới chứng kiến từ cuộc xung đột này, đó là việc sử dụng máy bay không người lái (UAV) như một phương tiện chiến tranh đặc biệt có khả năng “thay đổi cuộc chơi”. Cho dù các loại vũ khí phổ biến thông thường như tên lửa, bom dẫn đường gây ra một số thiệt hại, song UAV trên đất liền và USV (tàu mặt nước không người lái) trên biển được đánh giá là đã gây thiệt hại khôn lường cho các bên tham chiến.

 UAV gắn thiết bị gây nhiễu sóng liên lạc của quân đội Nga. Ảnh: C4ISRNET

UAV gắn thiết bị gây nhiễu sóng liên lạc của quân đội Nga. Ảnh: C4ISRNET

Defense News nhận định, lâu nay người ta vẫn coi xe bọc thép, xe tăng là “bất khả chiến bại” trước các cuộc tấn công của UAV, đơn giản bởi không có UAV nào mang tên lửa chống tăng. Trên thực tế, UAV ngày nay được trang bị thuốc nổ, gắn camera trinh sát, được điều khiển và kích nổ từ xa với khả năng công phá mục tiêu tương đối chính xác.

Trong cuộc xung đột Nga - Ukraine, cả hai bên đều sử dụng UAV giá rẻ, khoảng 500USD/chiếc. Với 0,5kg thuốc nổ mang theo, UAV biến thành một quả bom biết bay có khả năng nhắm chính xác vào mục tiêu và phát nổ. Chúng đặc biệt nguy hiểm nếu được sử dụng số lượng lớn tại vùng chiến sự. Trường hợp lượng thuốc nổ mang theo không đủ sức công phá mục tiêu, thông qua camera và định vị gắn trên UAV, người điều khiển có thể gọi hỏa lực pháo binh, tên lửa hoặc thậm chí là một cuộc không kích nhắm chính xác vào vị trí mục tiêu.

Các UAV hoạt động tầm xa có thể vươn tới mục tiêu sâu bên trong lãnh thổ đối phương ở khoảng cách trên 1.000km, trở thành mối đe dọa đáng kể đối với hệ thống phòng thủ của đối phương. Kể từ khi xung đột bắt đầu năm 2022, đến nay đã có khoảng hai triệu UAV được cả Nga và Ukraine đưa vào hoạt động, đảm nhiệm nhiệm vụ trinh sát và tấn công.

Vô cùng hiệu quả trong chiến đấu, song hạn chế lớn nhất đối với việc tăng cường sử dụng UAV là đào tạo người điều khiển. Để có thể tối ưu hóa hiệu quả vận hành UAV, người điều khiển cần trải qua hơn 100 giờ đào tạo, cộng thêm 100 giờ thực hành mới có thể trở nên thành thạo. UAV loại nhỏ rất khó bị bắn hạ cho đến khi nó bay tới khoảng cách đủ gần mà binh sĩ có thể phát hiện, song khi đó, UAV đã kịp tấn công hoặc tháo chạy. Nhờ đó, hầu hết các UAV loại này đều có thể hoàn thành nhiệm vụ, dù là trinh sát, do thám hay tấn công.

Các nhiệm vụ trinh sát thường không quá mạo hiểm, do đó, UAV sẽ tiếp tục “sống sót” và được tái sử dụng. Tất cả UAV đều gắn thiết bị giám sát, bởi vậy các bên tham chiến đều tích cực triển khai một lượng UAV đủ để duy trì giám sát liên tục trên tuyến đầu hoặc vào sâu bên trong lãnh thổ đối phương vài kilomet.

 UAV mang bom tại một buổi huấn luyện của quân đội Ukraine ở Lvov. Ảnh: Getty Images

UAV mang bom tại một buổi huấn luyện của quân đội Ukraine ở Lvov. Ảnh: Getty Images

Theo các nhà quan sát quân sự, chiến tranh hiện đại có sự thay đổi rõ nét do việc ứng dụng UAV trong chiến đấu. Trong cuộc xung đột Nga-Ukraine, hầu hết thương vong của bộ binh là do UAV tấn công và binh sĩ thường không phát hiện UAV đang đến gần cho tới khi quá muộn. Thực tế này gây ra nỗi lo lắng cùng tâm lý hoang mang đối với nhiều binh sĩ bởi không biết khi nào sẽ bị tấn công bất ngờ bởi những “mối đe dọa” lặng lẽ từ trên trời rơi xuống.

UAV tấn công còn là nỗi kinh hoàng bởi chúng gây tử vong nhiều hơn cho bộ binh so với các loại vũ khí thông thường. Nếu trong các cuộc chiến trước đây, pháo cối, súng máy, súng trường có thể tiêu diệt từng người hoặc làm bị thương bộ binh đối phương, thì với UAV, khả năng tiêu diệt cả nhóm bộ binh là rất cao. UAV được chế tạo để giết người, không phải để gây thương tích. Đó là điều đáng sợ đối với binh sĩ trên chiến địa.

Các đồng minh NATO đang tìm cách thay đổi để đối phó với những diễn biến mới từ sự tham chiến của UAV. Đây cũng sẽ là vấn đề đặc biệt cần lưu ý đối với quân đội mỗi nước trong bất kỳ cuộc chiến tranh nào trong tương lai.

HÀ PHƯƠNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quan-su-the-gioi/vu-khi-trang-bi/con-ac-mong-mang-ten-uav-788941