Còn bao nhiêu Việt Á đã và đang len lỏi sâu trong các gói thầu của các ngành khác?
Chiều ngày 2/6, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, các đại biểu đã tiến hành thảo luận, cho ý kiến về phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2020 và công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021.
Công ty Việt Á là ai, tại sao lại có quyền lực chi phối lớn đến như vậy?
Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Quốc hội Trần Quốc Tuấn (Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh) cho rằng, với quyết tâm chính trị rất cao của Trung ương, của Quốc hội, cùng với sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ, của Thủ tướng Chính phủ, dịch bệnh Covid-19 đã cơ bản được kiểm soát, kinh tế vĩ mô ổn định, an ninh quốc phòng được giữ vững, đời sống nhân dân và an sinh xã hội được đảm bảo, hoạt động sản xuất kinh doanh được phục hồi, người dân và doanh nghiệp rất phấn khởi khi đất nước trở lại trạng thái bình thường mới.
Tuy nhiên, trong bối cảnh cả hệ thống chính trị, nhất là đội ngũ y bác sĩ, nhân viên y tế, lực lượng vũ trang gồng mình chống dịch, có những người hy sinh tính mạng để đổi lấy sức khỏe cho cộng đồng thì có một bộ phận cán bộ, đảng viên tha hóa biến chất đến cùng cực. Vì đồng tiền mà bất chấp, vô cảm với mất mát của đồng bào, trong số đó có cả những người có học hàm, học vị giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ.
"Chỉ mới đây thôi chính họ là những người được tôn vinh, có người còn được trao tặng Huân chương lao động nhưng chớp mắt, một cơn đại dịch Covid-19 đi qua họ liền trở thành những phạm nhân từ những đồng tiền lót tay đầy tinh vi của Việt Á. Chính họ đã làm hoen ố chiếc áo blu trắng thanh tao đang khoác trên người. Chính họ là những người đã làm lãng phí niềm tin của nhân dân" - đại biểu Trần Quốc Tuấn nhấn mạnh.
"Họ ở nhiều địa phương khác nhau, có cả ở Bộ ngành Trung ương nhưng sai phạm giống nhau. Nếu thực sự như thế thì còn bao nhiêu Việt Á đã và đang len lỏi sâu trong các gói thầu của các ngành khác?" - đại biểu đặt câu hỏi, đồng thời đề nghị làm rõ "Công ty Việt Á là ai, tại sao lại có quyền lực chi phối lớn đến như vậy?"
Đại biểu kiến nghị Quốc hội, Chính phủ, khẩn trương chỉ đạo rà soát chỉnh sửa hoàn thiện quy định của pháp luật để vừa bảo vệ sự nghiêm minh của pháp luật để vừa bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dàm làm vì lợi ích chung.
Cần mở ra cơ chế để cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm
Nêu ý kiến tại phiên thảo luận, đại biểu Quốc hội Ngô Trung Thành (Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk) cho rằng, công tác thực hành thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong năm qua tiếp tục được đẩy mạnh và phát huy trên nhiều lĩnh vực, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác và sử dụng nguồn lực cho phát triển.
Để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí được hiệu quả hơn, đại biểu Ngô Trung Thành cho rằng, cần phải làm rõ tiết kiệm được cái gì, tiết kiệm được bao nhiêu, chống lãng phí được cái gì, chống lãng phí được bao nhiêu, còn lại đã lãng phí những gì, lãng phí bao nhiêu. Việc bóc tách như vậy là rất khó nhưng nếu không đúng cách sẽ dẫn đến đánh đồng việc chống lãng phí cũng như thực hành tiết kiệm, không xác định được con số lãng phí để ý thức được sự quyết tâm chống lãng phí.
Nêu ví dụ, khi có những chuyện làm đúng quy trình nhưng vẫn gây thiệt hại, gây lãng phí, trong khi cũng có trường hợp làm chưa hoàn toàn đúng với quy định nhưng kết quả lại tiết kiệm hơn, hiệu quả hơn, lại không lãng phí, vị đại biểu Đoàn Đắk Lắk bày tỏ băn khoăn, trong hai trường hợp như vậy thì cái nào tốt hơn, cái nào là có lợi hơn cho nhân dân, cho đất nước?
Đại biểu Ngô Trung Thành cho rằng, pháp luật cần mở ra cơ chế để các cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm để tìm ra cách làm mới, hay hơn, hiệu quả hơn. Có như vậy thì xã hội mới phát triển được, đất nước mới có thể phồn vinh, thịnh vượng./.