Còn bất cập xung quanh những quy định để luật sư tham gia tố tụng
Khoản 2 và 3, Điều 27 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Luật sư năm 2012 quy định về hoạt động tham gia tố tụng của luật sư như sau:
2. Khi tham gia tố tụng với tư cách là người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự trong vụ việc dân sự, vụ án hành chính, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền, nghĩa vụ liên quan trong vụ án hình sự, luật sư xuất trình Thẻ luật sư và giấy yêu cầu luật sư của khách hàng. Trong thời hạn ba ngày làm việc, kể từ khi luật sư xuất trình Thẻ luật sư và giấy yêu cầu luật sư của khách hàng, cơ quan tiến hành tố tụng cấp Giấy chứng nhận về việc tham gia tố tụng của luật sư, trường hợp từ chối phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do...
3. Khi tham gia tố tụng hình sự với tư cách là người bào chữa, luật sư được cơ quan tiến hành tố tụng cấp Giấy chứng nhận người bào chữa, Giấy chứng nhận người bào chữa có giá trị trong các giai đoạn tố tụng, trừ trường hợp người bị tạm giữ, bị can, bị cáo từ chối hoặc yêu cầu thay đổi luật sư hoặc luật sư không được tham gia tố tụng theo quy định của pháp luật.
Quy định nêu trên đã có sự phân biệt. Khi luật sư tham gia tố tụng với án hình sự thì được gọi là người bào chữa; còn với án dân sự, hành chính thì luật sư là người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự.
So với trước đây, ngoài bị can, bị cáo, người bị tạm giữ, Điều 73 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 (BLTTHS 2015) đã mở rộng phạm vi và thời điểm có mặt của người bào chữa, người được bào chữa như người bị bắt, người bị buộc tội (điểm a khoản 1 Điều 73), người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố (điểm e khoản 1 Điều 57).
Theo Từ điển tiếng Việt của Nhà xuất bản Khoa học Xã hội xuất bản năm 1988 (trang 53), thuật ngữ “bào chữa” được giải thích là: “Dùng lý lẽ và chứng cứ để bênh vực cho một đương sự nào đó thuộc một vụ án hình sự hay dân sự trước tòa án hoặc cho việc nào đó đang bị lên án”.
Từ điển tường giải và liên tưởng tiếng Việt năm 1993, trang 39 của Nhà xuất bản Thông tin giải thích: “Bào chữa là dùng mọi lý lẽ theo chủ quan để chống lại những điều buộc tội...”.
Những nội dung giải thích nêu trên đến nay không còn phù hợp, bởi lẽ, do sự phát triển về kỹ thuật lập pháp đã pháp điển hóa nhiều chủ thể. Theo quy định của BLTTHS 2015 thì thuật ngữ “bào chữa” giới hạn chỉ có: Người bị bắt giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo. Còn đối với những người tham gia tố tụng khác, như: Người bị tố giác, bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án, khi tham gia tố tụng họ có quyền “tự bảo vệ hoặc nhờ người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình”. Nội dung này cũng được cơ quan xây dựng luật giữ nguyên để quy định tại điểm 13 Điều 70 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 (BLTTDS 2015).
Chương V, BLTTHS 2015 ghi rõ: “Bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự”. Mặc dù có sự phân biệt như vậy, nhưng theo quy định tại Thông tư số 61/2017/TT- BCA ngày 14-12-2017 của Bộ Công an quy định về biểu mẫu, giấy tờ, sổ sách về điều tra hình sự, trong mục "Biểu mẫu sử dụng đối với người bào chữa" chỉ quy định 1 loại mẫu “Thông báo việc đăng ký bào chữa” cho luật sư. Mẫu văn bản này được áp dụng chung cho mọi đối tượng quy định tại các điểm từ 1 đến 11 Điều 55 BLTTHS.
Việc quy định chung như vậy có phần không chính xác về khái niệm, tư cách những người tham gia tố tụng và thiếu đồng bộ. Ngay trong BLTTHS, BLTTDS, đối với các vụ án hình sự, nếu có bị hại, nhiều vụ có đủ thành phần tham gia tố tụng quy định tại các Điều 63, 64, 65 BLTTHS trong đó có bị hại là những cá nhân (hoặc pháp nhân) là chủ thể trực tiếp bị thiệt hại về thể chất, tinh thần, tài sản... quyền lợi của họ đối lập với quyền lợi bị can, bị cáo, nhưng khi họ có đơn nhờ luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp sau khi tiếp nhận thủ tục thì cơ quan cảnh sát điều tra vẫn ban hành văn bản “Thông báo về việc đăng ký bào chữa”. Việc gộp chung như vậy ngay đối với những người tiến hành tố tụng ở cơ sở cũng thấy không phù hợp với thực tiễn.
Một điểm thiếu đồng bộ khác theo khoản 3 Điều 27 Luật Luật sư và điểm 6 Điều 78 BLTTHS thì “Thông báo việc đăng ký bào chữa” có giá trị sử dụng trong suốt quá trình tham gia tố tụng. Nhưng đối với trường hợp khi tham gia tố tụng với tư cách là người: Bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền, nghĩa vụ liên quan đến vụ án thì cả Luật Luật sư, BLTTHS, BLTTDS và Luật Tố tụng Hành chính đều không quy định giá trị sử dụng. Như vậy có tình trạng một vụ án dân sự, hành chính, sau phiên tòa sơ thẩm nếu có kháng cáo, kháng nghị muốn có sự tham gia của luật sư thì khách hàng và luật sư phải làm đề nghị tiếp để tòa án cấp phúc thẩm làm thủ tục “Đăng ký người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự”.
Cùng một nội dung quy định về hoạt động tham gia tố tụng của luật sư nhưng tại sao lại có sự phân biệt về thời hạn giá trị sử dụng đối với “Thông báo về việc đăng ký bào chữa” với “đăng ký người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự”?
Từ thực tiễn áp dụng luật, chúng tôi đề xuất: Bộ Công an cần bổ sung vào Thông tư số 61/2017/TT- BCA ngày 14-12-2017 mẫu đăng ký người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho những người tham gia tố tụng quy định tại các Điều 57, 62, 63, 64 và 65 BLTTHS. Tòa án Nhân dân Tối cao có văn bản hướng dẫn về thời gian giá trị sử dụng “Đăng ký người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự”. Theo chúng tôi, nên áp dụng như “Thông báo việc đăng ký bào chữa” đang quy định tại khoản 6 Điều 78 BLTTHS là phù hợp.