Con bệnh

Mỗi lần bảo mẫu đun thức ăn chế biến sẵn từ trong tủ lạnh bày lên khay, mang đến trước mặt Hiếu, nhìn thấy bát súp là nó buồn nôn. Nó xua tay: 'Không ăn, không ăn'.

Nó nói thế rồi im lặng, quay mặt vào tường.

Như một thói quen, bảo mẫu bật tivi. Trên màn hình, một con trăn đang há cái miệng lớn nuốt một con nai con.

"Nhìn này, con trăn nó đang ăn con nai đấy".

Hiếu quay lại. Bảo mẫu lại dí thìa súp vào miệng:

"Con bắt chước con trăn đi".

Lần này thì đứa bé há mồm, thìa súp được cho vào. Hiếu ăn xong bát súp, cũng là lúc trên màn hình con trăn nuốt xong con nai con, đang cố trườn chậm rãi kiếm một nơi nằm nghỉ. Bỗng nó ôm lấy ngực, kêu:

"Buồn nôn. Buồn nôn".

Bảo mẫu chạy vội mang cho nó chiếc iPad. Ngay lập tức nó thôi kêu mà chú ý vào màn hình điện tử. Tay nó bấm liến thoắng rồi màn hình hiện ra hình hai gã người máy đang đấm đá túi bụi vào nhau. Nó bấm càng lúc càng nhanh và mỗi khi trên màn hình gã người máy do nó điều khiển đấm được một cái vào mặt gã kia thì nó nhảy dựng lên, gầm rú đinh tai nhức óc.

Khi thắng, nó trở nên linh hoạt, hung hãn lạ thường. Khi thua, nó cụt hứng ném iPad xuống nền nhà. Có lúc nó đập vỡ cái màn hình khốn kiếp, lấy chân dẫm lên rồi ngồi thờ thẫn như người mất hồn.

Năm nay nó đã chín tuổi. Không giống như những đứa trẻ cùng lứa, nó không tha thiết chuyện đến trường. Nơi nó được gửi đến là trường quốc tế Royal. Nó được dạy dỗ bởi những thầy cô có phương pháp sư phạm hiện đại từng tu nghiệp ở bên Tây về. Được chăm sóc đặc biệt, nhưng nó không bao giờ tỏ ra vui vẻ, tươi cười. Mỗi lần phải đến lớp, đối với nó giống như một cực hình.

Một hôm, khi chiếc xe ôtô đưa đón dừng lại trước cổng trường, nó đi bên cạnh một đứa bạn và đột nhiên hét lên:

"Mày là sâu bọ".

Cô bé có gương mặt tròn, trắng nõn, cứ nghệt mặt ra không hiểu tại sao nó lại nói mình như vậy. Khi vào lớp, nó bảo với Huy ngồi bên cạnh:

"Tao chỉ muốn bắn chết mày".

Rồi nó lôi trong cặp ra một khẩu súng ngắn bằng nhựa màu đen chĩa vào Huy bóp cò. Khẩu súng tách tách mấy cái, những viên đạn nhựa bay tới tấp vào ngực, vào mặt Huy. Thấy bạn không gục xuống như những cảnh bắn nhau trong phim, Hiếu xông lên dùng cả khẩu súng nện vào đầu bạn. Huy đưa tay đỡ rồi túm được khẩu súng. Hai đứa giằng nhau, lăn lộn dưới nền nhà một lúc cho đến khi cô Hồng đến. Cô dẫn Huy và Hiếu vào phòng y tế. Huy bị sưng trán, mắt đỏ hoe, gò má bị sước vì một viên đạn nhựa bắn vào. Hiếu bị sưng môi, u đầu, trầy xước hai tay. Huy ngồi im cho cô y sĩ thăm khám, còn Hiếu chỉ tay vào mặt Huy, thét ầm lên:

"Tao muốn đập vỡ đầu mày, đồ rắn rết".

Minh họa: Vũ Huy Thông.

Minh họa: Vũ Huy Thông.

Một người phụ nữ tầm bốn mươi tuổi từ chiếc xe Mercedes bước xuống, băng qua khoảng sân rộng, vào phòng y tế.

"Chào chị Diệu".

Y sĩ vừa cất lời, bà Diệu đã hất hàm:

"Con tôi sao lại thế này?".

"Các cháu trong trường đùa nghịch và gây gổ với nhau, mong chị thông cảm, cháu sẽ ổn thôi chị ạ".

Hiếu nhìn thấy mẹ, càng thêm lồng lộn. Nó chỉ tay vào mặt Huy:

"Con muốn giết nó. Nó là con ma cà rồng. Nó có hai chiếc răng nanh".

Chưa kịp nói hết câu, nó đã lao vào, dùng hai tay xé áo Huy. Y sĩ vội vàng tách hai đứa trẻ ra và gọi người đưa Huy về lớp. Bà Diệu khinh khỉnh nhìn y sĩ rồi rút máy điện thoại gọi cho hiệu trưởng.

"Tôi muốn gặp anh".

"Vâng, mời chị lên phòng tôi".

Bà Diệu bảo y sĩ đưa Hiếu cùng lên phòng hiệu trưởng.

"Anh có biết con tôi bị học sinh trong trường đánh cho bị thương như thế này không?".

Ông hiệu trưởng nhẹ nhàng:

"Thưa chị, tôi vừa được báo cáo".

Nói rồi ông nhẹ nhàng đến bên Hiếu, hỏi:

"Con có bị đau lắm không?".

"Đau".

Hiếu chỉ nói thế rồi quay mặt đi.

"Tôi không thể chấp nhận nổi việc con tôi bị hành hung như thế này. Khi gửi con vào trường, tôi đã yêu cầu ông phải cam kết con tôi được chăm sóc một cách tốt nhất. Nó phải được bảo vệ an toàn tuyệt đối. Tất cả những ai có lời lẽ thô lỗ với nó đều bị trừng phạt".

"Vâng, chúng tôi hiểu tâm sự của chị".

"Không thể chỉ nói như thế được. Trước hết, hãy đuổi việc cô Hồng, chủ nhiệm lớp đã để xảy ra tai họa này. Đồng thời, đuổi học đứa trẻ đã xô xát với con tôi. Anh phải tuyên bố trước toàn trường, tất cả những đứa nào đụng đến thằng Hiếu đều phải chịu chung số phận như vậy cả".

"Đúng rồi! Đuổi thằng Huy điên đi, nếu không con sẽ giết nó!" - Hiếu lại hét lên.

Ông Hiệu trưởng ra chiều bối rối, ông xoa hai tay vào nhau, giọng nhẹ nhàng:

"Mong bà hãy bình tâm".

"Không thể".

Nói rồi bà Diệu đứng lên.

"Con tôi bị thương, nó cần được khám và chữa trị".

"Vâng, lỗi này tại chúng tôi, nhà trường sẽ lo mọi chi phí".

"Tôi không cần, tôi có nhiều tiền. Tôi sẽ đích thân đưa con tôi đi. Việc của anh là làm theo những gì tôi vừa yêu cầu".

Bà Diệu một tay nắm tay con, quay người bước ra cổng.

*

Bệnh viện Hải Âu kết luận không có tổn thương lớn nào nghiêm trọng về mặt thực thể. Tuy nhiên, giáo sư Quang Anh xét các biểu hiện và cho rằng, Hiếu có dấu hiệu tổn thương về tâm lý. Chỉ đợi có thế, bà Diệu gọi điện đến ông hiệu trưởng:

"Nhà trường phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về những hậu quả nghiêm trọng gây ra cho con tôi".

"Thưa chị, những tổn thương tâm lý của cháu Hiếu nếu có thì cũng không thể vội vàng quy cho sự xô xát vừa rồi mang lại".

"Ông hãy thôi ngay cái luận điệu đó. Ông là một thầy giáo vô cảm, vô trách nhiệm".

Bà Diệu cụp máy và quay lại gặp giáo sư Quang Anh:

"Con tôi vừa bị thằng oắt con trong trường đánh mới nên nông nỗi này. Đề nghị ông cho tôi một kết luận về nguyên nhân của sự bất thường tâm lý của cháu".

Giáo sư Quang Anh nheo mắt nhìn bà Diệu một lát rồi ông nói:

"Không có cơ sở để kết luận như vậy, thưa bà. Những tổn thương tâm lý thường là kết quả của một hoàn cảnh sống kéo dài. Tôi cho rằng, muốn xác định chính xác nguyên nhân và chữa trị, cần phải có thêm những xét nghiệm và gia đình phải cung cấp thông tin toàn diện về những biểu hiện cũng như điều kiện sống của cháu từ khi sinh ra".

Bà Diệu nguýt môi:

"Ông muốn gây khó khăn chứ gì?"

Nói rồi bà đi thẳng lên phòng Giám đốc bệnh viện:

"Ông Quang Anh đã cố tình gây khó khăn nên tôi buộc phải phiền ông. Hãy viết cho tôi một kết luận, những tổn thương tâm lý của con tôi là do sự hành hung gây thương tích tại trường học của nó. Ông cần bao nhiêu tôi sẽ thanh toán".

Ông giám đốc vui vẻ:

"Được thôi. Khách hàng là thượng đế. Tôi sẽ cho làm ngay".

Bà Diệu trở lại trường quốc tế Royal hỏi Hiệu trưởng:

"Những yêu cầu của tôi, anh đã thực hiện chưa?"

"Mong chị thông cảm, đó là những yêu cầu không phù hợp với lối hành xử trong môi trường giáo dục của chúng tôi".

Bà Diệu quắc mắt:

"Trước hết, tôi sẽ tuyên bố cho con tôi nghỉ học tại đây. Tiếp theo, tôi sẽ có hành động khiến ông phải trả giá".

"Xin lỗi chị, tôi không chấp nhận lối hành xử thiếu văn minh và công bằng như vậy. Tôi sẵn sàng đối diện với những thách thức mà chị gây ra".

Bà Diệu chưa thèm nghe hết lời ông Hiệu trưởng đã trề môi, ra chiều chế giễu:

"Được thôi, anh muốn thách thức thì xin cứ việc".

Ngày hôm sau, một số tờ báo lá cải đã đăng tin trường Quốc tế Royal thiếu trách nhiệm, dung túng cho học sinh đánh nhau, gây tổn thương thực thể và tâm lý trẻ em. Các bài viết dẫn ra trường hợp của Hiếu.

Buổi sáng hôm ấy, máy điện thoại phòng ông Hiệu trưởng liên tục rung chuông:

"A lô, tôi xin nghe".

"Chúng tôi phản đối hành động dung túng cho học sinh đánh nhau".

"A lô tôi xin nghe".

"Ông đã làm ô danh trường Quốc tế Royal".

"A lô tôi xin nghe".

"Ông là kẻ xấu xa đội lốt một nhà giáo".

Có tiếng gõ cửa. Cô văn thư chuyển đến một công văn từ trên Phòng Giáo dục, yêu cầu tường trình sự việc. Cô văn thư cho biết thêm, email của trường nhận được nhiều thư bày tỏ ý kiến phản đối và trên facebook có nhiều comment lên án hành động bao che của nhà trường đối với hành động bạo lực mà bé Hiếu phải chịu.

Ông nói với cô văn thư:

"Cô phải chủ động đưa thông tin đến cho những ai quan tâm vụ việc này, tránh hiểu nhầm".

*

Hội đồng quản trị yêu cầu ông Hiệu trưởng hòa giải với bà Diệu và nhận mọi trách nhiệm thuộc về nhà trường, kỷ luật giáo viên chủ nhiệm, đuổi học sinh đã gây gổ với Hiếu. Ông Hiệu trưởng có nhiều lưỡng lự. Làm thế, nghĩa là đi ngược lại với những mục tiêu chính đáng trong giáo dục. Người thầy giáo không nên và không thể bị khuất phục trước những sự vu cáo tệ hại. Hơn nữa, nếu điều này trở thành tiền lệ, nhà trường sẽ mất chức năng giáo dục đúng nghĩa mà chỉ là một đơn vị dịch vụ làm theo yêu cầu của khách hàng. Ông phúc đáp lại Hội đồng quản trị: "Tôi kính mong quý vị tôn trọng quyền chính đáng của người thầy trong môi trường sư phạm. Chúng ta không thể làm tốt chức năng giáo dục nếu đánh mất vai trò và phẩm giá của mình. Nếu cần, tôi sẽ đấu tranh để làm sáng tỏ mọi chuyện".

Ba ngày sau, ông nhận được thông báo trường Royal đã bị kiện ra tòa án "Về việc thiếu trách nhiệm, dung túng cho bạo lực gây thương tích và tổn thương tâm lý cho học sinh Phạm Minh Hiếu".

Ông Hiệu trưởng day dứt. Muốn yên chuyện thì chỉ có lùi bước, gọi bà Diệu đến đàm phán nhận mọi trách nhiệm và đề nghị bà rút đơn kiện. Nhưng như thế nghĩa là đầu hàng. "Nếu anh đầu hàng, anh sẽ trở thành kẻ hèn yếu. Khi ấy, anh còn làm giáo dục thì cũng chỉ tạo ra những con người bạc nhược hèn yếu như anh thôi". Và ông lại dặn lòng, hãy làm một người dám thách thức. Đồng tiền, áp lực xã hội, sự lũng đoạn của một số người có thế lực đã làm cho ngành giáo dục mất dần đi chức năng riêng của nó, sự tôn trọng xứng đáng với nghề này cũng vì thế mà suy giảm. Đấy, cái đất nước mình như thế đấy. Nghĩ vậy, nhưng ông chẳng biết tâm sự cùng ai. Bên ngoài căn phòng hiệu trưởng có không ít những tiếng xì xào. Có người đã nói bóng, nói gió về sự tự trọng thái quá đến mức gàn dở của ông.

*

Hiếu chơi Game ĐẠI CHIẾN trên iPad. Những cảnh phóng tên lửa, những cảnh người chết bị cháy rụi hoặc đầy máu me. Thằng bé liên tục rê các ngón tay trên màn hình, âm thanh ùng oàng chói cả tai. Sau mỗi lần thắng, Hiếu nhổm cả người lên và hét lớn:

"Chết, chúng mày đã chết rồi".

Nó ngửa cổ ra cười sằng sặc. Nhân lúc ấy, bảo mẫu đưa thìa cơm đút vào miệng cho nó. Nó cứ ăn trong những cơn hưng phấn như vậy hết lần này đến lần khác.

Nó ăn xong thì bảo mẫu tắt iPad. Hiếu ôm lấy ngực và kêu buồn nôn.

Khi không được chơi game thì người Hiếu như nhũn ra. Nó chán tất cả, nó ôm lấy đầu và thấy đau buốt, tựa như có những con sâu đang bò trên da thịt khiến nó rờn rợn. Những lúc như vậy, nó chỉ còn cách nằm nhắm mắt để cho bảo mẫu xoa bóp khắp người hoặc nhào vào đống đồ chơi toàn những con hổ, báo, gấu, trăn nhồi bông để ở một góc phòng và góc bên kia là những súng máy, lựu đạn, ôtô, máy bay… để hưng phấn trở lại. Lúc thì nó cưỡi lên chiếc ôtô điện lao thẳng vào bầy thú nhồi bông và ném lựu đạn giả. Lúc bấm điều khiển tự động cho chiếc máy bay lượn bốn góc phòng gầm rú như trong phim chiến tranh và liên tục phóng ra những tia lửa màu tím. Cứ thế, nó một mình tung hoành trong cái thế giới riêng của nó cho đến khi mệt lả, lăn ra ngủ, tỉnh dậy thì lại chơi.

Bà Diệu nhận ra đã lâu Hiếu không còn chú ý đến bà nữa. Nó cũng chẳng thèm chơi với ai, nhưng bà không nghĩ đó là điều quan trọng. Đã lâu lắm rồi bà bận với công việc kinh doanh. Bà đi từ sáng đến đêm khuya, hết công việc thì lại sa vào tiệc tùng. Có dạo đến nửa tháng liền bà ra đi khi con chưa tỉnh và về nhà khi con đang ngủ.

Trên thương trường, bà Diệu cũng là người thành đạt. Nghe nói bà rất nhiều tiền. "Muốn chiến thắng thì phải mạnh. Muốn mạnh thì phải ác. Phải sẵn sàng chiến đấu với những đối thủ của mình". Những câu châm ngôn ấy đã làm nên tất cả thành công của bà Diệu. Ngoài thời gian làm việc hết mình, tìm mọi cách để có cơ hội giành giật phần thắng về mình, bà Diệu dành thời gian để ăn chơi. "Đời được mấy gang tay, không hưởng thụ là đồ ngu". Đấy là một câu châm ngôn khác của bà.

Diệu là một bà mẹ đơn thân. Hiếu sinh ra không biết đến cha mình. Nó cũng không bao giờ hỏi mẹ tại sao những đứa bé khác có cha mà mình lại không. Nó chỉ sống trong cái thế giới của nó. Một thế giới thừa mứa đồ ăn và đồ chơi nhưng lại hoang vu lạnh lẽo về tâm hồn. Người bảo mẫu cũng chỉ như một cái bóng. Suốt ngày bên cạnh, cho nó ăn đủ khẩu phần đã được giao phó, rồi tắm, giặt cho nó. Không mấy khi bà hỏi han, trò chuyện với nó. Còn với nó, những trò chơi game dường như đã choán hết mọi ý nghĩ. Nó không còn thời gian nghĩ đến mẹ, đến những người xung quanh, thậm chí nó cũng không bao giờ suy nghĩ về chính mình.

*

Trong khi ông Hiệu trưởng đang khốn đốn vì muốn giữ lấy danh dự và làm đúng chức trách của một người thầy giáo thì bà Diệu đắc ý. Luật sư nói với bà, việc kiện trường Royal có kết quả tốt. Sự phối hợp của truyền thông cũng đã làm cho danh tiếng của nhà trường và của ông hiệu trưởng suy giảm. Hơn thế, có những đối thủ trong ngành đang muốn nhân cơ hội này đánh đổ hoàn toàn uy tín của của Royal nên sẵn sàng ủng hộ.

"Thế là tốt! Kiểu gì cũng phải dẹp Royal đi. Để nó tồn tại tôi ngứa mắt lắm".

Rồi bà Diệu nói thêm:

"Anh thay tôi kết nối với những nơi cần thiết. Anh cũng đề nghị tòa án làm nhanh vụ này đi".

Khi luật sư đi rồi, bà Diệu ngồi một mình với một chút ngẫm ngợi. Dường như bà nhận ra sự quá đà của mình. Chuyện này có thể thu xếp một cách ổn thỏa mà không cần phải tốn công tốn sức, thế sao bà lại cứ phải làm cho rối tung hết cả lên? Nghĩ vậy thôi, nhưng chỉ trong vài giây, lòng hiếu thắng đã lấn át tất cả. Bà lại bấm máy cho ông Hiệu trưởng:

"Anh hãy từ chức khi còn chưa muộn. Nếu không, tôi sẽ làm to vụ này".

Ông hiệu trưởng giọng vẫn ôn hòa:

"Tôi muốn dành thời gian cho công việc của mình, không muốn vướng vào những chuyện phiền hà. Sao chị không thương con chị, không chăm sóc, không chữa trị cho cháu mà chỉ muốn đổ lỗi lên người khác?".

Bà Diệu thét lên:

"Anh im đi cho".

*

Bảo mẫu nhìn Hiếu nằm ngủ giữa đống đồ chơi. Thỉnh thoảng nó lại nói mơ, miệng lảm nhảm một điều gì. Dạo này Hiếu trở nên hốc hác, thân hình gầy nhẵng. Dường như Hiếu thiếu ăn, thiếu ngủ thường xuyên, lúc nào cũng chỉ mải mê với game và xem những bộ phim bạo lực.

Cánh cửa phòng chợt hé mở. Bà Diệu từ phòng bên bước sang, thấy bảo mẫu đứng tần ngần nhìn Hiếu, bà hỏi:

"Bà đứng đấy làm gì?".

"Tôi trông cháu ngủ thôi".

Bảo mẫu muốn nói gì nhưng lại lưỡng lự.

"Bà chăm sóc sao mà để thằng bé ốm nhách vậy?".

"Tôi đã cố hết sức nhưng cháu chẳng chịu ăn, lại suốt ngày chơi game, thiếu ngủ triền miên. Tôi nghĩ, hay cô đưa cháu đi khám cẩn thận, nếu có bệnh thì chữa, chứ cứ thế này tôi sốt ruột lắm".

Bà Diệu bỗng đùng đùng nổi giận:

"Bà coi chừng đó. Tôi trả lương cao, mua sắm tất cả những gì cần thiết, không của ngon vật lạ nào không có, thuốc bổ thì đầy ra đấy, sao bà vẫn không chăm cho nó ăn uống đầy đủ?".

"Khổ quá"- Bảo mẫu than thở - Cháu chẳng chịu ăn uống gì. Tôi đã làm hết sức rồi. Tính tình của nó ngày càng nóng nảy, bất thường, khó chiều lắm. Tôi lo cho cháu quá… Nhỡ nó bị bệnh gì thì sao?".

"Vớ vẩn - Bà Diệu trề môi -Bệnh tình gì, bà đừng có nghĩ bậy bạ nữa".

"Nhưng chị có bao giờ ở nhà quan sát cháu, hay trò chuyện với nó đâu. Tôi thấy cháu có vẻ thiếu thốn tình cảm và càng ngày càng không thích nói chuyện với những người xung quanh. Tôi thấy nó luôn bị những bộ phim ma quái hay những trò game chi phối".

Bà Diệu không thể không nhận thấy điều bảo mẫu nói là đúng. Cũng có lúc bà chợt buồn và ái ngại cho Hiếu, nhưng rồi công việc và những đam mê khác cuốn bà đi. Việc chăm sóc Hiếu bà đều giao hết cho bảo mẫu. Giờ đây, khi đứng nhìn con gầy gò, héo hắt, bà thấy se thắt trong lòng.

"Chị nên cho cháu đi khám. Tôi khuyên chị, dạo này cháu sút đi nhanh quá".

"Thì tại vụ xô xát, đánh nhau ở trường ấy mà".

"Không, không phải đâu, tôi trông cháu thường xuyên tôi biết chứ, có cái gì đó không bình thường trong cách suy nghĩ và hành động của nó".

Bà Diệu bỗng hơi gắt, ngắt lời bảo mẫu:

"Thôi, đừng nói nữa".

Bà toan bước ra thì Hiếu trở mình tỉnh dậy. Bà Diệu đến bên con:

"Hiếu dậy rồi hả con?"

Thằng bé ngáp dài một cái, không trả lời, cũng không thèm nhìn mẹ. Mắt nó lờ đờ nhìn lên trần nhà, rồi lại nhìn vào đống đồ chơi điện tử và những con thú nhồi bông.

"Con dậy đi chơi với mẹ nhé?"

Thằng bé lắc đầu:

"Không".

"Con uống sữa nhé?"

"Không!"

Bà Diệu im lặng, cúi mặt bước ra khỏi phòng.

*

Tòa án quận yêu cầu giám định lại sức khỏe của Hiếu. Kết quả trước đây bị luật sư của trường Royal bác bỏ và giáo sư Quang Anh đứng ra tố cáo nên không đảm bảo tính pháp lý. Bà Diệu đành phải cho người đi đến các bệnh viện mua một tờ giấy giám định đúng như yêu cầu của tòa án. Thực ra đó chỉ là một chiêu trò nhằm che mắt những người nghi ngờ sự khuất tất của tòa án. Cuối cùng thì phiên tòa được mở. Trường Royal thua kiện. Ông Hiệu trưởng bị Hội đồng Quản trị khiển trách. Danh tiếng của trường giảm sút.

Sau ba ngày vui vẻ vì thắng kiện, được truyền thông khen ngợi là một bà mẹ dũng cảm đã đấu tranh lật tẩy những điều dối trá và bạo lực được che giấu ở trường Royal, bà Diệu bỗng trở nên tức tối khi biết tin hồ sơ vụ án sẽ được xem xét lại trong phiên tòa phúc thẩm. Bà gọi điện cho ông Hiệu trưởng:

"Anh có kháng án lên trời cũng thế thôi. Tôi không thể tha cho anh được".

Giọng ông Hiệu trưởng vẫn điềm đạm:

"Bà không hề quan tâm đến con bà. Bà đã bỏ rơi một đứa trẻ để nó trở thành con bệnh tội nghiệp mà làm những điều vô nghĩa. Tôi lấy làm tiếc cho những hành động của bà. Bà hãy thương con bà và chữa trị cho cả bà, cả nó trước khi chưa quá muộn".

Truyện ngắn của Thiên Sơn

Nguồn VNCA: http://vnca.cand.com.vn/truyen/con-benh-592977/