Con bị Covid-19, bác sĩ cho thuốc nhẹ, làm sao hết bệnh?

Bé Lê Hiếu T., 8 tuổi, nhà ở xã Bình Đức, TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang, bị sốt cao, ho, sổ mũi, nên được mẹ đưa đến cơ sở y tế khám bệnh. Bác sĩ khám và cho test nhanh kháng nguyên thấy dương tính, nên cho bé T. toa thuốc về nhà uống.

Cầm toa thuốc bác sĩ cho chỉ có hai loại là hạ sốt và thuốc ho dân tộc, mẹ bé T. cảm thấy không yên tâm, nên hỏi lại: “Covid-19 là bệnh rất nguy hiểm, tại sao bác sĩ cho có hai loại thuốc nhẹ như vậy làm sao hết?”. Bác sĩ trấn an: “Bé bị viêm hô hấp trên do Covid-19, thường là nhẹ, năm bảy ngày thì hết, chị đừng lo. Nhưng chị phải thận trọng theo dõi, nếu có triệu chứng bất thường như khó thở, lừ đừ, mệt mỏi thì đưa bé quay lại đây nhé!”.

Về chuyên môn, ở nước ta chủng Omicron đang chiếm ưu thế, gần 80% người bệnh nhiễm Omicron trong thời điểm hiện tại; trong đó, có rất nhiều trẻ em mắc phải. Omicron là một biến thể có khả năng sao chép để phát triển nhanh hơn 70 lần so với Delta, nên lây lan rất mạnh.

Các nghiên cứu trên động vật cho thấy Omicron có thời gian nhân lên khó khăn hơn trong mô phổi, nhưng dễ dàng phát triển ở đường hô hấp trên, vì vậy thường gây bệnh nhẹ. Nhưng sự ưa thích của Omicron đối với đường hô hấp trên có thể gây rắc rối cho trẻ nhỏ vì bé có đường thở hẹp và kém phát triển, dễ bị chít hẹp làm bé khò khè, khó thở hơn trẻ lớn, do đó người dân cũng không được chủ quan. .

Có hai nguyên nhân gây nên triệu chứng nhẹ ở trẻ em:

Thứ nhất, trẻ em có ít thụ thể ACE2 trong đường hô hấp. Những thụ thể này là con đường xâm nhập của virus vào các tế bào của chúng ta. Về lý thuyết, ít thụ thể ACE2 hơn có nghĩa là ít có cơ hội cho virus xâm nhập và lây nhiễm vào các tế bào của chúng ta hơn. Virus không thể tồn tại quá lâu bên ngoài tế bào, do ít thụ thể ACE2 hơn, nên virus sống lởn vởn bên ngoài tế bào, tạo điều kiện cho các tế bào miễn dịch bẩm sinh có thời gian kiểm soát virus trong khi chờ đợi các tế bào miễn dịch khác xuất hiện và giúp đỡ.

Dù ít thụ thể ACE2, nhưng tỷ lệ phân bố lại khác nhau. ACE2 ở đường hô hấp trên nhiều hơn ở đường hô hấp dưới, do đó Omicron chủ yếu gây bệnh viêm mũi họng ở đường hô hấp trên, ít nguy hiểm hơn là viêm phổi ở đường hô hấp dưới.

Thứ hai trẻ em có phản ứng miễn dịch bẩm sinh mạnh hơn người lớn. Miễn dịch bẩm sinh là phản ứng miễn dịch sớm nhất để cơ thể tấn công virus hoặc vi khuẩn khi chúng vừa xâm nhập. Một tế bào miễn dịch bẩm sinh quan trọng tăng lên ở trẻ em khi nhiễm virus là bạch cầu trung tính. Những tế bào bạch cầu này tuần tra khắp cơ thể để tìm vật lạ. Khi phát hiện ra một mầm bệnh, nó bắt lấy và tiêu diệt kẻ xâm nhập gọi là hiện tượng thực bào, nhờ đó làm giảm tải lượng virus.

Hiện tượng thực bào sẽ kích hoạt các bạch cầu tiết ra chất Interferon, là một nhóm các protein tự nhiên được sản xuất bởi các tế bào của hệ miễn dịch ở hầu hết các động vật nhằm chống lại các tác nhân ngoại lai như virus, vi khuẩn, ký sinh trùng và tế bào ung thư. Interferon đóng vai trò quan trọng trong cửa ngõ miễn dịch, nó là hàng rào bảo vệ đầu tiên của cơ thể chống lại virus và sự phát triển bất thường của tế bào. Người ta thấy Interferon có rất nhiều ở trẻ em.

Thuốc kháng virus đường uống không được sử dụng cho người dưới 18 tuổi, vì ảnh hưởng đến sự phát triển của xương khớp, nên chẳng may trẻ mắc Covid-19 chỉ trông chờ vào việc tiêm ngừa đầy đủ để có kháng thể và sức mạnh của hệ miễn dịch bẩm sinh để trẻ chiến thắng với SARS-CoV-2.

Thuốc uống dùng cho trẻ chủ yếu là điều trị triệu chứng như hạ sốt, giảm ho, tăng sức đề kháng, chờ hệ miễn dịch của trẻ tiêu diệt và loại bỏ virus Corona trong năm bảy ngày nếu không có biến chứng. Như vậy, người dân hiểu tại sao bác sĩ lại cho toa thuốc nhẹ. Quan trọng là phải theo dõi và chăm sóc trẻ hằng ngày, hằng giờ, nếu thấy có triệu chứng bất thường thì phải đi khám lại ngay.

BS. NGUYỄN THÀNH ÚC

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/suc-khoe-y-te/202203/con-bi-covid-19-bac-si-cho-thuoc-nhe-lam-sao-het-benh-946574/