Cơn bĩ cực của tiền mã hóa
Thị trường tiền mã hóa đang bước vào một cuộc khủng hoảng tồi tệ. Điều này phản ánh sự thiếu hoàn chỉnh và không được kiểm soát của tài sản kỹ thuật số.
Theo New York Times, chỉ trong vòng một tuần, giá Bitcoin đột ngột rơi xuống mức thấp nhất kể từ năm 2020, thổi bay hơn 300 tỷ USD vốn hóa toàn thị trường và đẩy tương lai của sàn giao dịch Coinbase đến bờ vực.
Trong một số trường hợp, sự sụt giảm của những loại tiền mã hóa như Bitcoin hay Ethereum cho thấy lợi nhuận tài chính ghi nhận trong hai năm có thể biến mất chỉ sau một đêm.
Cuộc khủng hoảng lần này như kéo giới đầu tư quay trở về giai đoạn Bitcoin sụt giảm 80% vào năm 2018. Tuy nhiên, không ai có thể đong đếm những tác động của thị trường hiện tại khi crypto đã trở thành tài sản đầu tư phổ biến trên thế giới.
Cơn bão hoàn hảo
Sự xuất hiện của đại dịch Covid-19 đã thúc đẩy làn sóng đầu tư tiền mã hóa. Dữ liệu khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu Pew cho biết 16% người Mỹ đang sở hữu tiền mã hóa, tăng mạnh kể từ con số 1% ghi nhận vào năm 2015.
Không chỉ nhà đầu tư cá nhân, thị trường còn chứng kiến sự tham gia của nhiều tổ chức tài chính lớn như ngân hàng Northern Trust, Bank of America.
Giới đầu tư đã có một năm khởi sắc. Song, cú đổ đèo của thị trường đầu tháng này đang trở thành cơn đau đầu với những khoản đầu tư mắc kẹt từ năm ngoái. Tương tự các tài sản rủi ro như cổ phiếu công nghệ, tình trạng lạm phát gia tăng, chính phủ nâng lãi suất, sự bất ổn kinh tế vĩ mô gây ra bởi cuộc chiến ở Ukraine là nguyên nhân đứng sau đà sụt giảm của tiền mã hóa. Dẫu vậy, trong khi S&P 500 giảm 18% tính từ đầu năm, giá Bitcoin đã bốc hơi 40% giá trị trong cùng thời kỳ.
Đây giống một cơn bão hoàn hảo
Dan Dolev, nhà phân tích lĩnh vực tiền mã hóa và fintech tại Mizuho Group
Giá Bitcoin có thời điểm giảm xuống 26.000 USD, tức mất hơn 60% so với đỉnh. Kể từ đầu năm, biến động giá của Bitcoin có tương quan chặt chẽ với Nasdaq, chỉ số thiên về cổ phiếu công nghệ.
Một số chuyên gia vẫn nắm Bitcoin do không có nhiều nơi trú ẩn giữa bối cảnh chung của thị trường. Một số thậm chí tranh thủ “gom hàng” nhân cơ hội này.
Song, việc giá tiếp tục giảm mạnh khiến giới giao dịch bối rối. Chỉ một vài tháng trước, những người ủng hộ Bitcoin vẫn dự đoán giá trị đồng tiền số có thể đạt 100.000 USD.
Tương lai của tiền mã hóa vẫn đang bị bỏ ngỏ. Dù thường hồi phục trở lại trong quá khứ, tiền mã hóa vẫn phải mất ít nhất vài năm để đạt được tầm cao mới.
“Thật khó để nói liệu đây có phải sự sụp đổ của một đế chế như Lehman Brothers hay không. Chúng ta cần thêm thời gian để kiểm chứng điều này, nhưng không phải ở tốc độ hiện tại”, Charles Cascarilla, nhà sáng lập công ty blockchain Paxos, nêu ví dụ liên quan đến công ty tài chính khổng lồ đã phá sản trong cuộc khủng hoảng năm 2008.
Cú sảy chân mang tên UST
Bitcoin cũng được khởi nguồn vào năm 2008 bởi nhân vật bí ẩn với bí danh Satoshi Nakamoto. Với tính phi tập trung, tiền mã hóa được coi là một sản phẩm thay thế hệ thống tài chính truyền thống.
Công nghệ này nhanh chóng nhận được sự ủng hộ từ những lãnh đạo, tỷ phú nổi tiếng như Elon Musk, Jack Dorsey hay Marc Andreessen. Việc giá tài sản số bùng nổ cũng tạo ra một lớp tỷ phú mới.
Trong đại dịch, dòng tiền dư thừa trong hệ thống tài chính nhanh chóng đổ dồn về tiền mã hóa khi thị trường chính thống trở nên nhàm chán.
Tuy nhiên, sự lo ngại về nền kinh tế đã phá vỡ triển vọng và đà tăng trưởng của tiền mã hóa bất chấp việc đạt được kỷ lục cách đó không lâu. Bên cạnh đó, việc stablecoin UST của đội ngũ phát triển dự án Terra “phát nổ” còn làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng.
UST có sự hậu thuẫn từ các công ty đầu tư mạo hiểm uy tín như Arrington Capital hay Lightspeed Venture Partners. Theo Kathleen Breitman - đồng sáng lập nền tảng tiền số Tezos - điều này tạo cảm giác an toàn ảo với phần lớn nhà đầu tư.
Về bản chất, UST không được thế chấp bằng tiền mặt hay tài sản truyền thống khác. Thay vào đó, sự ổn định của nó dựa vào việc liên kết giá trị với đồng tiền số cùng dự án có tên LUNA.
Việc LUNA mất 99,9% giá trị đã kéo giá UST, vốn có tỷ lệ 1:1 với USD, xuống còn 23 cent. Cơn hoảng sợ lan rộng ra thị trường, thậm chí khiến stablecoin USDT (Tether) lệch khỏi chốt tỷ lệ với USD bất chấp việc được bảo chứng bởi tài sản truyền thống.
Từ lâu, Washington đã đưa stablecoin vào tầm ngắm. Bộ Tài chính vào cuối năm 2021 đã trình báo cáo kêu gọi Quốc hội Mỹ thiết lập quy định với hệ sinh thái stablecoin.
“Chúng tôi thực sự cần một khuôn khổ, quy định. Vài ngày qua, chúng ta đã được chứng kiến những rủi ro, tương tự rủi ro trong hoạt động ngân hàng, liên quan đến stablecoin”, Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen phát biểu.
Ở khía cạnh khác, hệ sinh thái tiền mã hóa cũng chịu tác động không nhỏ. Giữa tháng 5, Coinbase, một trong những sàn giao dịch lớn nhất thế giới, đã báo cáo khoản lỗ hàng quý lên tới 430 triệu USD và thiệt hại 2 triệu người dùng thường xuyên. Giá cổ phiếu của công ty đã giảm 82% kể từ thời điểm IPO vào tháng 4/.2021.
Tình cảnh của Coinbase buộc Brain Armstrong - CEO công ty - phải trấn an khách hàng sau khi công khai kế hoạch giải quyết tài sản của người dùng trong trường hợp phá sản tại báo cáo gửi cơ quan quản lý.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/con-bi-cuc-cua-tien-ma-hoa-post1318525.html