Con bị 'đuổi học', phụ huynh khởi kiện KinderWorld Việt Nam

Nguyên đơn là ông Nguyễn Văn Tuấn (ngụ quận Hải Châu, TP. Đà Nẵng), cha của bé N.X.B. Ông Tuấn cũng là một trong những phụ huynh phản đối khoản tiền đặt cọc 8 triệu đồng mà ông cho rằng nhà trường 'lạm thu'.

Trường Quốc tế Singapore tại Đà Nẵng (phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng; do Công ty Cổ phần Kinderworld Việt Nam là đơn vị đầu tư và quản lý). Ảnh: Báo Bảo vệ Pháp luật

Trường Quốc tế Singapore tại Đà Nẵng (phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng; do Công ty Cổ phần Kinderworld Việt Nam là đơn vị đầu tư và quản lý). Ảnh: Báo Bảo vệ Pháp luật

Sáng 27.8.2019, ông Tuấn đã nộp đơn khởi kiện dân sự ra Tòa án Nhân dân Quận Ngũ Hành Sơn. Nguyên đơn là Chi nhánh Công ty cổ phần KinderWorld Việt Nam (từ đây gọi tắt là KinderWorld Việt Nam- PV) và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là Trường Quốc tế Singapore tại Đà Nẵng (thuộc KinderWorld Việt Nam).

Theo đơn, ông Tuấn yêu cầu (1) bị đơn phải thực hiện cung cấp dịch vụ giáo dục cho con ông trong năm học 2019-2020; (2) hoàn trả phí đặt cọc 8 triệu đồng; (3) bồi thường thiệt hại số tiền 229.162.000 đồng do hành vi ngưng cung cấp dịch vụ giáo dục khiến gia đình phải đăng ký cho cháu học trường khác; (4) bồi thường tổn thất tinh thần cho ông và con ông theo quy định pháp luật, đồng thời xin lỗi công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng về cách hành xử thiếu văn hóa trong môi trường giáo dục.

Ngày 29.7.2019, bà Trần Công Minh Hữu - Giám đốc chi nhánh KinderWorld Việt Nam - ký ban hành văn bản thông báo ngừng cung cấp dịch vụ giáo dục cho con ông Tuấn. Được biết, ông Tuấn đã nộp đủ học phí 1 năm (kèm phí đặt cọc) cho con.

Nguyên đơn là một trong nhiều phụ huynh phản ứng khoản phí đặt cọc đã diễn ra từ nhiều tháng trước, từng yêu cầu đối thoại công khai với KinderWorld có sự chứng kiến của giới truyền thông nhưng doanh nghiệp này không chấp nhận.

Hành vi của KinderWorld Việt Nam bị tố là đơn phương chấm dứt hợp đồng, diễn ra chừng một tuần trước lễ khai giảng không chỉ khiến ông Tuấn bị động trong quá trình chọn trường cho con, mà còn bị nghi ngờ là dập tắt một trong những tiếng nói phản ứng mạnh mẽ nhất từ phía phụ huynh đối với việc KinderWorld áp dụng phí đặt cọc.

Còn bé N.X.B thì sao? Em không vi phạm kỷ luật nhà trường. Ở môi trường này, em có nhiều bạn bè từ bậc mầm non. Em bị từ chối cơ hội học tập cùng các bạn chỉ vì cha em phản ứng KinderWorld áp dụng khoản phí đặt cọc. Trị giá 8 triệu đồng rõ ràng không đáng kể so với mức học phí hằng trăm triệu đồng/năm/học sinh mà gia đình bé B. sẵn sàng chi trả. Giá trị nằm ở thái độ của phụ huynh, đòi hỏi tính chính đáng của KinderWorld khi quyết thu thêm 8 triệu đồng.

Có thông tin ông Tuấn không phải là phụ huynh duy nhất tại Đà Nẵng nhận được thông báo ngừng cung cấp dịch vụ giáo dục từ KinderWorld Việt Nam vì không chấp thuận khoản phí đặt cọc mà doanh nghiệp này áp dụng.

Triết lý giáo dục của KinderWorld Việt Nam là gì? Hoạt động của KinderWorld Việt Nam có bị điều chỉnh bởi Luật Giáo dục Việt Nam hay không? Nếu có thì phí đặt cọc căn cứ vào điều, khoản nào của bộ luật này? Việc KinderWorld Việt Nam ngừng cung cấp dịch vụ giáo dục, thực chất là đuổi học bé N.X.B, có phải là hành vi phân biệt đối xử được đề cập trong Luật Trẻ em 2016 cũng như Công ước Quốc tế về quyền trẻ em?

Trên đây là một số câu hỏi mà phóng viên Người Đô Thị mong muốn thảo luận với KinderWorld Việt Nam, cũng như đảm bảo thông tin được phản ánh đa chiều. Tuy nhiên, sau nhiều lần tìm cách liên lạc qua nhiều kênh với KinderWorld Việt Nam (văn phòng tại TP.HCM) nhưng chúng tôi vẫn chưa được tạo điều kiện để tác nghiệp, trao đổi với người có chức năng phát ngôn của đơn vị này.

Thượng Tùng

Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/con-bi-duoi-hoc-phu-huynh-khoi-kien-kinderworld-viet-nam-20344.html