Con cái có thể lĩnh lương hưu hộ cha mẹ khi được ủy quyền

Pháp luật hiện hành quy định người lao động có quyền ủy quyền cho người khác nhận lương hưu hằng tháng. Trường hợp cha mẹ cao tuổi cũng có thể ủy quyền cho con cái nhận thay, song việc nhận hộ lương hưu chỉ được cơ quan Bảo hiểm xã hội giải quyết khi người lao động và con của họ đã thực hiện đúng thủ tục ủy quyền...

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Tại chương trình giao lưu trực tuyến “Tiện ích trong giao dịch bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp", ngày 16/7, bà Dương Thị Minh Châu, Trưởng phòng truyền thông, Bảo hiểm xã hội Hà Nội, cho biết người lao động có quyền ủy quyền cho người khác nhận lương hưu hằng tháng.

Quy định này được thực hiện căn cứ khoản 6 Điều 18 Luật Bảo hiểm xã hội 2014.

Về thủ tục ủy quyền nhận lương hưu, căn cứ Quyết định 166/QĐ-BHXH của Bảo hiểm xã hội Việt Nam về quy trình giải quyết hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội, chi trả các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, người lao động cần thực hiện các bước thủ tục để ủy quyền lĩnh lương hưu như sau:

Giấy ủy quyền (mẫu 13-HSB ban hành kèm theo Quyết định 166/QĐ-BHXH), hoặc Hợp đồng ủy quyền nhận thay lương hưu theo quy định pháp luật điền đầy đủ thông tin theo mẫu.

Nội dung ủy quyền ghi rõ nhận thay lương hưu. Thời hạn ủy quyền do các bên tự thỏa thuận và ghi rõ từ ngày/tháng/năm, đến ngày/tháng/năm. Trường hợp để trống thì thời hạn ủy quyền là 1 năm kể từ ngày xác lập ủy quyền.

Giấy ủy quyền phải được Ủy ban nhân dân cấp xã, hoặc phòng công chứng, nơi người hưởng đang cư trú chứng thực chữ ký của người ủy quyền. Hồ sơ kèm theo chứng minh nhân dân/căn cước công dân, hoặc hộ chiếu của người được ủy quyền nhận lương hưu.

Đối với trường hợp nhận lương hưu do ủy quyền từ người thân đã định cư nước ngoài, giấy ủy quyền còn cần Đại sứ quán Việt Nam, cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài, hoặc của chính quyền địa phương của nước ngoài nơi người hưởng đang cư trú chứng thực chữ ký của người ủy quyền.

Hồ sơ gửi về cơ quan Bảo hiểm xã hội cấp huyện/tỉnh, hoặc Bưu điện - nơi được cơ quan Bảo hiểm xã hội ký hợp đồng để thực hiện chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và quản lý người hưởng.

“Như vậy người lao động có thể làm thủ tục ủy quyền để nhận lương hưu của bố mẹ thông qua tài khoản của mình”, bà Dương Thị Minh Châu thông tin.

Với lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội, trường hợp chưa nhận sẽ được nhận khi người lao động có đề nghị, không giới hạn thời gian. Tuy nhiên phần truy lĩnh lương hưu và trợ cấp bảo hiểm chưa lĩnh không được tính lãi.

Liên quan đến việc chi trả các chế độ bảo hiểm không dùng tiền mặt, bà Dương Thị Minh Châu thông tin thêm, hiện tại địa bàn TP. Hà Nội, người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng khi mở tài khoản tại ngân hàng được miễn phí một số chính sách như: Miễn phí khi mở tài khoản; miễn phí quản lý tài khoản; miễn phí phát hành thẻ, quản lý thẻ và rút tiền tại ATM; miễn phí chuyển tiền trong cùng hệ thống.

Tuy nhiên, nhằm tạo thuận lợi nhất, chi trả chế độ bảo hiểm xã hội đầy đủ, kịp thời tới từng người tham gia, thụ hưởng chính sách, Bảo hiểm xã hội Việt Nam hiện triển khai song song các hình thức chi trả lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội.

Cùng với việc khuyến khích chi trả qua tài khoản cá nhân tại ngân hàng, cơ quan Bảo hiểm xã hội vẫn tiếp tục thực hiện chi trả lương hưu, và trợ cấp bảo hiểm xã hội bằng tiền mặt đối với người hưởng có nhu cầu.

Đối với những người già, đối tượng khó khăn ở vùng chưa đủ điều kiện chi trả qua tài khoản, hoặc ốm đau lâu dài, cơ quan Bảo hiểm xã hội vẫn sẽ chi trả tại các điểm chi trả và nơi cư trú. Việc thực hiện chi trả bằng phương thức nào là do người hưởng lựa chọn.

Phúc Minh

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/con-cai-co-the-linh-luong-huu-ho-cha-me-khi-duoc-uy-quyen.htm