Con cái đi làm xa nơm nớp lo bố mẹ bị 'sập bẫy' thực phẩm chức năng

Câu chuyện người cao tuổi 'sập bẫy' mua thực phẩm chức năng đang là đề tài được trao đổi sôi nổi ở nhiều diễn đàn. Trong đó có một điểm chung là các cụ rất dễ giận dỗi con cháu khi bị ngăn, không cho mua thực phẩm chức năng.

 Một hoạt động bán hàng thực phẩm chức năng lừa người cao tuổi ở huyện Khoái Châu, Hưng Yên

Một hoạt động bán hàng thực phẩm chức năng lừa người cao tuổi ở huyện Khoái Châu, Hưng Yên

Từ giận dỗi…

Chị Nông Thị Lan, ở huyện Định Hóa (tỉnh Thái Nguyên), chia sẻ: "Hai vợ chồng tôi đi làm công ty ở Bắc Ninh. Ở nhà chỉ có ông bà và 2 cháu. Mới đây, một số đối tượng đến địa phương mời bố mẹ tôi tham gia buổi tư vấn sức khỏe. Chẳng biết họ nói thế nào mà ông bà đã bỏ mấy triệu bạc ra mua sữa với viên uống xương khớp. Đến lúc chồng tôi về quê mới biết. Chúng tôi nói thì ông bà lại tự ái, cho rằng con cái không quan tâm sức khỏe của bố mẹ".

Chị Nguyễn Thị Tâm (quê ở Hà Nam) cũng rơi vào cảnh tương tự. "Anh chị em tôi lên Hà Nội sinh sống và làm ăn, bố mẹ tôi vẫn ở dưới quê Hà Nam. Vừa rồi, mẹ tôi gọi điện thoại lên bảo gửi tiền cho mẹ có việc.

Mình hỏi việc gì thì cụ không nói. Sốt ruột quá, tôi mới xin nghỉ làm về quê, thì phát hiện ra cụ đi mua sâm Hàn Quốc nhưng mức giá thì thật khó tin, tới hơn 5 triệu đồng/hộp. Khi mình tra trên mạng thì thấy hộp sâm ấy có giá 700 nghìn đồng. Đến lúc gặng hỏi thì cụ mới thừa nhận mua các loại từ sâm, viên uống, trà thảo mộc hết hơn 20 triệu đồng. Quá bức xúc, tôi liên hệ qua số điện thoại người bán hàng, nhưng không thể nào gọi được", chị Tâm cho biết.

Câu chuyện người cao tuổi "sập bẫy" mua thực phẩm chức năng đang là đề tài được trao đổi sôi nổi ở nhiều diễn đàn. Trong đó có một điểm chung là các cụ rất dễ giận dỗi con cháu khi bị ngăn, không cho mua thực phẩm chức năng.

Chị Nguyễn Phương Thảo (ở thành phố Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc) chia sẻ: "Mẹ tôi đi tham gia sinh hoạt Hội người cao tuổi. Tôi thấy mẹ tôi mang về một lọ thực phẩm chức năng xương khớp. Tôi hỏi thì bà bảo là thuốc người ta tặng. Mấy hôm sau, tôi lại thấy mẹ tôi mang về tiếp.

Bà Đặng Thị Cúc (ở Bến Cát, Bình Dương) bị lừa mua thực phẩm chức năng với số tiền lên tới 180 triệu đồng

Bà Đặng Thị Cúc (ở Bến Cát, Bình Dương) bị lừa mua thực phẩm chức năng với số tiền lên tới 180 triệu đồng

Tôi mới hỏi cô hàng xóm đi tập cùng mẹ tôi thì mới biết là các cụ đang mua thực phẩm chức năng xương khớp với giá 600 nghìn đồng/lọ nhưng người bán lại tư vấn là thuốc trị xương khớp. Tôi nói kiểu gì bà cũng không nghe, còn giận dỗi đòi bỏ sang nhà chị tôi ở".

…đến giấu cả con cháu để mua

Cụ Nguyễn Thị Thịnh (ở xã Mễ Sở, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên), người từng "sập bẫy" lừa mua thực phẩm chức năng mất hơn 40 triệu đồng, cho biết: "Tôi ở nhà thì họ đến mời tham gia tư vấn sức khỏe, họ nói đúng bệnh của mình nên mình tin tưởng.

Họ còn tặng quà và đưa tôi cùng mấy người nữa lên Bệnh viện Phúc Lâm để khám sức khỏe. Họ mời nhiệt tình nên tôi mua. Thấy con cháu nói nhiều quá, tôi giấu chúng nó, đến khi xem trên tivi mới biết mình bị lừa, mất mấy chục triệu".

Còn bà Đặng Thị Cúc (ở Bến Cát, Bình Dương), người từng bị lừa mua thực phẩm chức năng lên tới 180 triệu đồng, cũng vì quá tin tưởng vào "bác sĩ" tư vấn qua điện thoại nên cứ mua hết lần này lần khác. "Con cháu ngăn cản nhiều nhưng mình lại nghĩ nó tiếc tiền nên không cho mình mua. Tôi giận cả mấy đứa, sau này mới ngộ ra là mình bị lừa, mình đã trách oan các con", bà Cúc nói.

Hiện nay các đối tượng bán thực phẩm chức năng đang tràn về các vùng quê, lén lút tổ chức tư vấn, hội thảo với những thông tin sai sự thật, "thổi phồng" công dụng của sản phẩm như thần dược, nhằm lừa dối người cao tuổi. Mặc dù các cơ quan chức năng, báo chí thường xuyên cảnh báo, tuyên truyền nhưng vẫn có nhiều người bị "sập bẫy" lừa đảo.

Thiết nghĩ, các cấp chính quyền, đoàn thể tại địa phương, ngoài việc ngăn chặn các đối tượng lừa đảo, cần đẩy mạnh tuyên truyền tới người dân, để tránh bị tiền mất tật mang.

Hoàng Sa

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/con-cai-di-lam-xa-nom-nop-lo-bo-me-bi-sap-bay-thuc-pham-chuc-nang-20231205103201922.htm