Con chảy nước dãi liên tục khiến mẹ cảm thấy phiền phức, bác sĩ khẳng định: 'Như vậy là rất tốt'
Trẻ hay chảy nước dãi là phản ứng bình thường của cơ thể. Nó tuy gây ra một chút phiền phức trong việc chăm sóc nhưng lại có lợi rất nhiều cho trẻ.
Trong quá trình trẻ phát triển, có một số phản ứng khiến không ít người mẹ cảm thấy phiền lòng, chẳng hạn như trẻ hay chảy nước dãi. Mặc dù biết rằng điều này là hoàn toàn bình thường, nhưng trong một số trường hợp người mẹ lại phàn nàn và tỏ ra khó chịu. Tiến sĩ - bác sĩ Phạm Diệp Thùy Dương, Giảng viên Bộ môn nhi - Đại học Y Dược TPHCM, cho biết đây là điều hoàn toàn bình thường.
"Nhiều em bé từ 2 tháng tuổi trở đi chảy nước dãi liên tục khiến mẹ phải giặt, phơi đồ cả ngày. Thêm nữa, mặt mũi và quần áo con lúc nào cũng trong tình trạng bị ướt. Dù khá phiền nhưng việc con chảy nước dãi lại có vai trò cực kỳ quan trọng. Nhiều nghiên cứu cho thấy trẻ chảy nước dãi là dấu hiệu hệ tiêu hóa của bé đang phát triển hoàn chỉnh, chăm sóc cho những chiếc răng chuẩn bị mọc.
Ở người lớn, mỗi lần thấy thức ăn ngon, nước bọt sẽ tự động tiết ra. Trong nước bọt có nhiều protein và kháng thể giúp bảo vệ đường ruột của em bé. Trẻ nhỏ hay có thói quen ngậm đồ chơi, nước bọt tiết ra có khả năng bảo vệ trẻ khỏi vi khuẩn.
Bên cạnh đó, nước bọt còn giúp làm mềm và ẩm thức ăn thô để em bé dễ nuốt hơn. Từ đó bảo vệ nướu, răng, lợi, chống sâu răng cho trẻ. Ngoài ra, trong nước bọt có enzym chuyển hóa tinh bột ra đường và có một chất kháng axit tự nhiên, trung hòa axit dạ dày và hỗ trợ tiêu hóa", bác sĩ Dương chia sẻ.
Những lợi ích cụ thể của việc tiết nước bọt ở trẻ
- Nước bọt giống như một chất bôi trơn, nó có chứa chất mucin giúp cho miệng của trẻ trơn và mềm hơn. Nước dãi có tác dụng dưỡng ẩm, bảo vệ niêm mạc miệng, khiến trẻ không cảm thấy bị khó chịu khi bị khô nứt. Ngoài ra, việc tiết nhiều nước bọt có lợi cho đường tiêu hóa của trẻ.
- Trẻ hay chảy nước dãi cũng có liên quan đến vấn đề răng miệng, khi lượng nước bọt được tiết ra nhiều hơn, nó cuốn đi phần nào cặn thức ăn, sữa, vi khuẩn trong khoang miệng, giúp răng của trẻ được sạch sẽ hơn. Nước bọt bám vào lớp men răng bên ngoài tạo thành hàng rào bảo vệ, giúp ngăn ngừa sâu răng ở trẻ.
- Khi thức ăn chứa trong khoang miệng, men amylase trong nước bọt phản ứng với thức ăn, sau đó chuyển hóa tinh bột thành đường, giúp tiêu hóa thức ăn nhanh hơn và bảo vệ đường ruột khỏe mạnh.
- Đối với trẻ đang tập nuốt thức ăn, nước bọt sẽ giúp bôi trơn cổ họng, giúp trẻ tránh bớt tình trạng nôn trớ. Các thành phần trong nước bọt cũng có thể kích thích sự phát triển của niêm mạc biểu bì trong ruột non, có lợi cho việc học nuốt.
Tại sao nước bọt lại chảy ra nhiều đến vậy?
Nguyên nhân là do hệ thống cơ. Thông thường, mỗi ngày, cơ thể sẽ tiết ra 2-4 lít nước bọt. Người lớn không để ý nhiều bởi họ liên tục nuốt vào. Bên cạnh đó, răng người lớn sẽ ngăn không cho nước bọt chảy ra. Tuy nhiên, trẻ nhỏ chưa có răng, hệ thống cơ chưa hoàn thiện dẫn đến việc nước bọt bị chảy ra ngoài. Cho đến khi hệ thống răng và cơ của bé hoàn chỉnh (18-24 tháng tuổi) thì tình trạng này sẽ tự động giảm dần.
Nhìn chung, trẻ hay chảy nước dãi có những lợi ích nhất định mà người mẹ không nên xem nhẹ. Dù trong bất kỳ trường hợp nào, người mẹ cũng nên chú ý đến việc vệ sinh răng miệng cho trẻ, tránh để trẻ chảy quá nhiều nước dãi, ảnh hưởng đến sức khỏe và làn da của trẻ. Khi thấy trẻ chảy nước dãi nhiều, bạn có thể dùng khăn gạt mềm lau đi, thường xuyên thay quần áo bị ướt bởi nước bọt.