Con chúng ta học cái gì?
Trong dịp 'Tết của thiếu nhi', có lẽ, sẽ không có gì đáng bàn hơn là đề tài 'Con chúng ta học cái gì?'. Nhưng đừng vội nghĩ sự học được bàn tới chỉ nằm ở giảng đường. Nó nằm ở chính chúng ta. Chúng ta đang học gì?
Dạy con và nỗi sợ
Con tôi sắp đi học mẫu giáo, và như thường lệ, chúng tôi lân la vào các hội nhóm trường mầm non để tìm hiểu.
Một trong những bài nhiều tương tác nhất đập vào mắt chúng tôi là “phốt” của một trường quốc tế bị cho là ăn bớt suất ăn của học sinh. Trong một bài đăng khác, phụ huynh tố cô giáo dùng thước kẻ vụt tay học sinh đến bầm tím. Lên báo đọc thì cứ dăm ba ngày lại có một vụ bạo hành trong trường mẫu giáo.
Phản ứng tức thì của vợ tôi là lo ngại: môi trường giáo dục mầm non có vẻ nhiều rủi ro hơn cô ấy nghĩ. Và thế là lại trì hoãn. Ông bà thì lại nghĩ khác, cho rằng trẻ con đi mẫu giáo giống như “đi bộ đội”, có nỗi sợ và kỷ luật sẽ làm chúng ngoan hơn, có ý thức hơn.
Xung đột về quan điểm diễn ra ở đây. Một bên lo ngại rằng tuổi thơ của đứa trẻ có thể bị tổn thương vì những khó khăn quá sớm. Còn một bên cho rằng chính những trở ngại ấy là chất xúc tác cho trẻ con trưởng thành và có ý chí hơn.
Nghe có vẻ khó tin, nhưng sự thật là trong một thời gian rất dài, các nhà giáo dục thực sự tin rằng cảm giác sợ hãi góp phần tích cực vào việc hình thành tính cách của một đứa trẻ.
Bạn có biết rằng, chính triết gia Aristotle là người đã nói rằng giáo dục có thể được định nghĩa là dạy cho con người ta biết sợ hãi? Hội Truyền giáo Nhà thờ Anh thậm chí còn tuyên bố thẳng trong một văn bản vào năm 1819, rằng “trẻ con cần phải sợ hiệu trưởng”.
Năm 1848, Christian Register, một tạp chí tôn giáo khá nổi tiếng bấy giờ, khuyên các bậc cha mẹ rằng “một đứa trẻ chưa từng biết đến loại sợ hãi nào thì không thể có trí tưởng tượng: không biết ngạc nhiên, không có động lực sống, cũng như không kính phục hoặc tôn kính”.
Mọi việc thay đổi từ cuối thế kỷ 19, nhà tâm lý học người Mỹ G. Stanley Hall lần đầu tiên ghi nhận rằng giáo dục bằng nỗi sợ là mối đe dọa với sức khỏe thể chất lẫn tinh thần của trẻ em. Quan điểm của Hall nhanh chóng được chấp nhận rộng rãi.
Cha mẹ và các nhà giáo dục được cảnh báo rằng họ có trách nhiệm bảo vệ trẻ em khỏi các nguy cơ đe dọa sức khỏe tinh thần của chúng. Sự phát triển của quan điểm này đã tạo ra những lo lắng thường trực về tương lai của một đứa trẻ, rằng nếu không cẩn thận, chúng ta có thể hủy hoại phần đời còn lại của chúng.
Nỗi sợ này ngày nay thúc đẩy giáo dục “mì ăn liền”: nhà trường và gia đình đều nhất trí ưu tiên hàng đầu cho những trải nghiệm không có rủi ro, hoặc thậm chí phải loại trừ được cả những rủi ro trong tương lai rất xa. Kiểu như một bà mẹ có con mới vào lớp một nhưng đã đi tìm lớp học… lập trình cho con, vì nghe nói nghề này sau có tương lai.
Tôi tin rằng ai đã làm cha làm mẹ trong thời đại này đều phân vân trước nỗi sợ này: bạn sẽ tạo một môi trường thuận lợi và thậm chí “vô trùng” cho con cái tránh khỏi hết trở ngại và khổ đau (như bạn đã từng?), hay cho chúng biết rằng thế giới này sẽ luôn khó khăn, và chúng phải sớm học cách nhận ra, rồi giải quyết nó?
Dạy cho trẻ con điều gì là một lựa chọn đầu tiên đòi hỏi sự dũng cảm của cha mẹ khi đối mặt với câu hỏi ấy. Tôi còn nhớ lần đầu nhìn thấy con mình ngã và lấm lem, phản xạ đầu tiên của tôi là chạy nhanh lại bế nó lên và xoa dịu. Tôi sợ cảm giác thấy con mình đau.
Nhưng đấy đơn giản là hành động giải quyết nỗi sợ của tôi, không phải của đứa trẻ. Thực tế thì đấy là một trải nghiệm đủ an toàn để bạn không can thiệp và biến nó thành một kiểu dạy con “mì ăn liền”: đứa trẻ được trải qua một điều gì đó liên tục, không đứt quãng, thứ có thể làm phong phú tâm hồn nó. Sự can thiệp của bạn sẽ biến trải nghiệm thành một hoạt cảnh tầm thường.
Tôi tin rằng việc giữ sự cân bằng giữa việc bao bọc và để con va chạm với khó khăn nằm ở chính việc chúng ta phân biệt được cái nào chỉ đơn thuần là nỗi sợ của chính chúng ta. Nếu chỉ muốn xoa dịu chính mình, ta không thể để đứa trẻ tận hưởng thế giới trọn vẹn, như nó chính là.
Phạm An
Một thực thể kinh tế
Việt Nam có lẽ là quốc gia hiếm hoi trên thế giới mà người ta có thể vi phạm pháp luật để được dạy và học.
Đã hơn 10 năm kể từ khi Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư 17/2012 để quy định về việc cấp phép dạy thêm. Và cũng suốt 10 năm đó, không lúc nào báo chí ngừng phản ánh về tình trạng “dạy thêm chui”. Một người bạn nước ngoài nào đó có thể sẽ kinh ngạc nếu biết rằng ở Việt Nam, một trong những dạng vi phạm pháp luật phổ biến nhất lại đến từ hành vi dạy và học (kiến thức trong nhà trường).
Và dù mỗi bên, từ thầy cô, đến học sinh và phụ huynh sẽ có những biện hộ khác nhau cho tình trạng này – có một nguyên nhân không thể chối bỏ: một cuộc đua thi cử, để vào trường tốt, lớp tốt, hay ngắn gọn là điểm số tốt.
Đó là một áp lực phổ biến tại các quốc gia châu Á. Thậm chí quốc gia châu Á càng giàu có, áp lực học thêm càng nặng nề. Tại một trung tâm thương mại của Singapore, bạn có thể bắt gặp một trung tâm dạy thêm khổng lồ chiếm nguyên một tầng tòa nhà, với những biển quảng cáo khiến một bậc phụ huynh Việt Nam tham vọng nhất cũng có thể rùng mình: dạy cho trẻ biết đếm qua 1.000 điểm, biết cộng trừ nhân chia, tính tiền và biết đọc biểu đồ, bản đồ… trước khi vào lớp 1. Trong hình minh họa, là những em bé mẫu giáo mặt phúng phính đang thao tác với các mô hình trò chơi đầy số.
Một giáo sư kinh tế giải thích cho tôi: đó là một mô hình khép kín cho nhiều bà mẹ Singapore. Họ sẽ đưa con đến các lớp học thêm, sau đó đi lên các tầng khác để shopping, đi spa hoặc tập gym chờ đến giờ đón con về.
Nhưng câu hỏi đặt ra: đó có phải là kiểu sinh hoạt gia đình mà xã hội Việt Nam đang hướng tới?
Khi một cuộc đua được phát động, nó sẽ tạo ra cảm giác con bạn bị tụt lại – và động lực đầu tư thêm để con không tụt lại trở nên không thể cưỡng nổi. Ngay cả khi những kiến thức, kỹ năng được đầu tư trong các lớp học thêm, các trung tâm vượt qua cả đòi hỏi của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các bậc cha mẹ cũng khó lòng ngừng lại: vấn đề là con mình đang thua các bạn khác. Và điều đó hàm chứa nguy cơ chúng sẽ tụt lại trên đường đời sau này. Trong tư cách một thực thể kinh tế.
Nhà trường không yêu cầu một đứa trẻ biết đánh vần trước khi vào lớp 1. Chỉ là con bạn đang thua trong cuộc đua đó. Nhà trường không yêu cầu một trình độ tiếng Anh đến tận 6.0 IELTS khi mới lên trung học cơ sở. Chỉ là hầu hết các bạn xung quanh con đều đang có trình độ đó. Nhà trường cũng không yêu cầu một đứa trẻ biết lập trình ngay từ tiểu học. Nhưng cảm giác mà thời đại này tạo ra cho chúng ta: có thì vẫn tốt hơn.
Nhiều thứ có thể bị bỏ qua khi ta nuôi dạy những đứa trẻ trong tư cách một thực thể kinh tế thuần túy. Ngoài việc kiếm tiền, chinh phục các mục tiêu vật chất hay vị thế xã hội, con người còn có thể thu hái hạnh phúc của mình thông qua những hoạt động phức tạp khác. Đó cũng là thứ cần được dạy, nhưng thường xuyên không được dạy.
Những bảo tàng Mỹ thuật vắng tanh ở hai đầu đất nước – hoặc chỉ có những cô gái và chàng trai đang mượn không gian kiến trúc để chụp các tác phẩm đăng trên mạng. Những trung tâm hoạt động thiên nhiên chỉ dám đặt mục tiêu tuyển được 50 người cho một cuộc ngoại khóa trong rừng quốc gia. Và ngay gần nhà bạn thôi, luôn là những công viên đông người già hơn trẻ em.
Hạnh phúc của một con người không chỉ đến từ việc có điểm IELTS cao, mà còn đến từ tình yêu và sự thấu cảm với cuộc sống muôn màu. Nhưng tại những nơi mà người ta có thể bồi đắp điều đó, bạn sẽ rất khó bắt gặp một ông bố đang dắt con đi và chỉ vào những điều đẹp đẽ. Một bức tranh, hay một cái lá, và những con giun đất – một con người cần được dạy cách cảm thụ vẻ đẹp của chúng. Thứ này, nếu tồn tại trong xã hội, thường được đóng gói thành một bộ sản phẩm giáo dục (giáo trình Montessori) và việc của phụ huynh là trả tiền. Và nó cũng chỉ hay xuất hiện ở cấp mẫu giáo. Khi đã bắt đầu vào nhà trường phổ thông, nhiệm vụ chính yếu của những đứa trẻ này là chinh phục các thang điểm số. Một thực thể kinh tế thuần túy.
Điều kỳ lạ là ở khắp nơi trên mạng, bạn có thể bắt gặp một người lớn đang ca ngợi sự giao cảm với thiên nhiên, những chuyến đi, nhìn ngắm thế giới, hay những chuyến từ thiện giàu lòng thấu cảm với số phận con người. Ai cũng biết rằng những thứ đó mang lại hạnh phúc. Nhưng nó có vẻ chỉ là đặc quyền của người lớn – những người lớn đã tạm ổn với vai trò kinh tế của mình. Kịch bản dường như tương đối rõ ràng: học – học thêm – lấy điểm cao – đỗ đạt – kiếm ra tiền – rồi hãy bắt đầu học cách yêu cuộc sống.
Tại Hà Nội, việc tìm một trung tâm dạy trẻ về thiên nhiên không dễ dàng. Chúng mới bắt đầu xuất hiện, và số lượng có lẽ bằng một phần trăm các trung tâm về toán và một phần nghìn các trung tâm tiếng Anh. Đó là thiên nhiên, còn tìm một khóa tình nguyện được thiết kế bài bản, để các con được đi, được gặp gỡ và yêu thương thêm cộng đồng, thì tuyệt vọng. Các khóa này, nếu có, thường được thiết kế vào mùa hè (cho dù thật ra 2 ngày cuối tuần luôn là đủ cho nhiều hoạt động). Chúng mang ý nghĩa ngặt nghèo của “ngoại khóa”, của thứ có thì tốt không có thì thôi không hại gì.
Và khi mà không có trung tâm, không có sản phẩm được đóng gói để cha mẹ mua luôn, thì công viên và bảo tàng vẫn đông người già hơn trẻ con.
Có lẽ sự giàu có của một quốc gia, không thể hiện ở số lượng trung tâm tiếng Anh, mà ở số lượng trung tâm “ngoại khóa”. Vì nghĩ lại, có vẻ việc biết yêu thương cuộc sống mới là chính – còn toán và tiếng Anh mới là thứ có thì tốt, không có thì ta có thể tìm hạnh phúc theo nhiều cách khác.
Đức Hoàng
Chúng ta học những gì từ con mình?
Hơn một lần, tôi nhận được câu hỏi: “Có cho hai đứa nhỏ học nhạc cụ gì không?” và cũng chừng đó lần, câu trả lời của tôi luôn là “Chưa. Khi nào chúng nó muốn thì sẽ cho học”. Bao giờ con tôi muốn học một nhạc cụ nào đó? Tôi không trả lời được. Và khi tôi không trả lời được, tôi không thể ép nó phải theo học.
Nhiều lần, tôi chứng kiến một bữa cơm tối thân mật bỗng trở nên kém thân mật hơn khi chủ gia đình cứ khăng khăng yêu cầu con mình ra “chơi một bản đi” để phục vụ khách của cha mẹ. Đứa trẻ phụng phịu. Bà mẹ (hoặc ông bố) dỗ dành. Rồi cuối cùng đứa bé cũng ngồi vào cây đàn, chơi những nốt có thể là trôi chảy, có thể là ngượng nghịu. Hết bài, khách vỗ tay hoan hô, đứa trẻ ngượng ngập cúi đầu lẻn vào phòng riêng trong niềm hân hoan tột độ của cha, mẹ.
Chúng đã chơi đàn vì ai, vì cái gì? Chúng chơi vì niềm vui thú và hãnh diện của cha mẹ mình. Mà đặc biệt, cha mẹ càng “mù âm nhạc” lại càng muốn con phải biết chơi đàn. Tất nhiên, đó là những bậc cha mẹ có điều kiện kinh tế khá giả đủ để sắp xếp cho mình một đời sống trung lưu bậc cao.
Không bao giờ tôi quên tiếng gầm của ông hàng xóm sát vách căn hộ cũ, vốn dĩ là một giảng viên âm nhạc. Ông có 3 cô con gái. Tiếng piano bên nhà ông vang lên mỗi ngày xuyên suốt dãy hàng lang chung cư. Đan xen tiếng đàn, tiếng gầm lên là những tiếng thút thít. Tôi biết chắc, muốn thành một tài năng âm nhạc thì cần khổ luyện. Nhưng tôi biết chắc hơn, tiếng đàn khởi đi từ gầm gừ lẫn thút thít khó có thể tạo thành một tài năng.
Tôi từng có một anh bạn có hai thằng con trai mà anh sẵn sàng cho chúng chơi những trò chơi thôn dã nhất bất chấp kết quả là mỗi chiều cả hai bê bết bùn đất. Anh sống ở ngoại ô, căn nhà đủ rộng để con anh có thể nghịch ngợm tự nhiên như thế. Lý thuyết của anh đơn giản: “Anh muốn hai đứa nó học cách sinh tồn trước hết. Cho nó học hành giỏi cho cố đi rồi nó không thể sinh tồn thì nói dại miệng, lỡ nó gặp chuyện gì, mình cũng mất con”. Điều anh nói không sai. Hai thằng bé nhà anh quả thật rất mạnh mẽ, dạn dĩ, hoạt bát. Nhưng chúng lại thiếu một thứ căn bản, đó là văn hóa. Chúng cư xử tự nhiên tới mức hoang dã. Đến chơi nhà bạn của cha mẹ, chúng làm vỡ, hư hại đồ đạc mà không một lời xin lỗi. Chỉ có sự thản nhiên như không, theo một thói quen là những thứ chúng bày biện ra ắt sẽ có người theo sau dọn dẹp. Ở chúng, tôi nhìn thấy sự mất cân bằng tương tự như nhiều đứa trẻ “sạch sẽ” khác.
Nhưng tôi dạy con tôi như thế nào? Đó có lẽ mới là câu hỏi đáng quan tâm. Tôi thực sự không biết mình đang dạy con theo cách nào. Không một ai đủ sức dạy cho người khác cách dạy con cả, bởi mỗi một đứa trẻ mỗi khác. Thực tế là tôi vẫn loay hoay trong phương thức dìu dắt con mình. Trong cái loay hoay ấy có cả sự hoang mang. Tôi hoang mang không biết liệu những đứa trẻ của mình khi lớn lên có thua thiệt gì với bạn bè trong giáo dục hay không. Cái hoang mang ấy càng dày thêm khi chứng kiến “con nhà người ta”. Từ ngoại ngữ; từ năng khiếu; từ bản lĩnh…, mọi phô bày của con cái chúng bạn đều cho tôi cảm giác mình chưa đầu tư cho con mình đủ đầy. Nhưng nếu nói về sự đầu tư, nó còn là câu chuyện của hoàn cảnh gia đình, và, cơ bản nhất, là ham mê của từng đứa trẻ.
Cho đến tận ngày hôm nay, khi một đứa con đã 10 tuổi, 1 đứa con đã 8 tuổi, tôi vẫn chưa tìm hiểu được thực sự chúng đam mê cái gì? Sở thích tạm thời và đam mê rất dễ bị lầm lẫn. Một đứa trẻ có thể thích vẽ đấy nhưng liệu cái thích thú đó tồn tại được bao lâu? Nếu thời gian được đo bằng năm, và có sự thực hành tự nguyện diễn ra với mật độ thường xuyên, cái gọi là sở thích kia có thể được xem là đam mê.
Nhưng trẻ con, nhất là ở tuổi nhi đồng, các biến chuyển về sở thích lại khá thường xuyên. Nhất là ở thời buổi quá dư thừa về phương tiện giải trí này, chúng dễ lơ là cái “sở thích có thể thành đam mê” chỉ vì những xao lãng từ các tiện ích xung quanh mang lại. Ở chúng, luôn có một thế giới bí ẩn mà chính chúng ta khó lòng có thể khám phá nổi. Và đôi khi, ta lầm lẫn về sở thích của bọn trẻ do chính ta đã áp đặt sở thích của mình vào đó. Chẳng hạn như câu chuyện một ông bố luôn mong muốn có một đời sống “nghệ sĩ” nhưng thiếu những kỹ năng cơ bản của một người nghệ sĩ như chơi nhạc cụ. Ông bố ấy dễ dắt đứa con sống theo ước mơ của chính mình thay vì ước mơ của nó.
Gần hơn với mỗi gia đình là câu chuyện đọc sách. Những người sinh ra ở thập niên 80 trở về trước lớn lên trong không khí văn học thiếu nhi khác hẳn và họ luôn coi đó là chuẩn mực của văn học thiếu nhi mà những đứa trẻ sinh ra ở thời đại này cần phải trải qua. Biết bao cuốn sách vốn là gối đầu giường của cha mẹ thời ấu thơ đã phủ bụi kín mít trên giá sách bởi con cái của họ không muốn hấp thụ cái không gian tưởng tượng cũ rích ấy. Ít bậc cha mẹ nào chịu lùi lại một chút để xem con mình thực tế thích đọc cái gì và dẫn dụ sự đọc của nó từ ngọn nguồn ấy. Liệu đó có phải là một nguyên nhân cơ bản để trẻ em thời nay càng xa với văn học hơn hay không? Có thể, chính chúng đã xa văn học hơn bởi từ ban đầu, cha mẹ đã kỳ vọng chúng chấp nhận một thứ không gian văn học khác với lối tư duy của thời đại chúng đang sống để rồi sự “xa văn học” bắt nguồn từ đó.
Tôi không dành thời gian nói chuyện với con nhiều mà thay vào đó, tôi lặng lẽ quan sát chúng nhiều hơn. Năm nay đã là năm thứ 3 con gái tôi vẫn duy trì việc vẽ của nó. Nó vẽ gì, tôi không bao giờ hỏi ý nghĩa hoặc khơi gợi đề tài. Nhiệm vụ của tôi chỉ là lẳng lặng mua họa phẩm và khung tranh để nó lồng khung bức nào nó ưng ý nhất. Tôi có hỏi nó về việc đi học vẽ nhưng nó từ chối. Nó vẫn xem đó là một thú chơi để giải trí thì tôi chưa thể đặt nó vào một bối cảnh quy củ của việc học hành. Không phải tôi chiều con. Cơ bản, tôi sợ cái cứng nhắc của học hành sẽ khiến nó chán nản việc vẽ. Ít ra, nó giải trí với cây cọ còn hơn nó dành toàn thời gian cho YouTube hay chơi game.
Không ai có thể dạy ai nên giáo dục con cái thế nào. Thực chất, nhiều bậc cha mẹ cũng loay hoay như tôi. Đôi khi, chúng ta nhìn vào một hình mẫu thành công nào đó và tin rằng nó có thể áp dụng cho con mình. Và chúng ta xem đó là phao cứu sinh. Thật ra, nó chỉ cứu chúng ta khỏi sự hoang mang và loay hoay chứ chưa chắc đã là một con đường giáo dục phù hợp.
Mỗi đứa trẻ là một vũ trụ riêng mà ta phải dày công khám phá. Công cuộc khám phá ấy là cả một quá trình tự học của chính những bậc cha mẹ, một quá trình không ngừng nghỉ bởi qua mỗi tuổi, đứa trẻ sẽ có những bộc lộ mới, những thay đổi. Đứa trẻ như cái cây, và cái cây cần cả sự uốn nắn lẫn cần cả sinh dưỡng, sinh quyển để phát triển. Và bản thân chúng ta, bậc làm cha làm mẹ, đã có thể tạo thành một sinh quyển phù hợp với từng cái cây ấy hay chưa? Điều đó, tôi nghĩ, chính chúng ta cần phải học từ những đứa con của mình.
Nguồn ANTG: https://antgct.cand.com.vn/chuyen-de/con-chung-ta-hoc-cai-gi--i694769/