Con chuột của Kafka

Những ngày đầu tiên của năm con chuột này, chúng ta đối diện với dịch bệnh virus corona, trở thành bóng ma tác động đến cuộc sống thường nhật của mỗi người.

Đại văn hào Franz Kafka có một truyện ngắn mà ông gọi là Ngụ ngôn nho nhỏ.

“Hỡi ôi”, chuột than thở, “thế giới này ngày càng bé lại. Ban đầu nó lớn đến phát sợ, tôi chạy hoài chạy mãi, rồi tui mừng hết lớn khi thấy bên trái và bên phải những bức tường phía xa, nhưng mấy bức tường dài này đã thu hẹp nhanh đến mức tôi đang ở trong căn phòng cuối cùng, và ở nơi góc phòng là cái bẫy mà tôi phải chạy vào”.

“Em chỉ cần đổi hướng chạy của em thôi mà”, con mèo nói, và ăn con chuột.

Những ngày đầu tiên của năm con chuột này, chúng ta đối diện với dịch bệnh virus corona, trở thành bóng ma tác động đến cuộc sống thường nhật của mỗi người. Những lễ hội bị hoãn, học sinh tạm thời nghỉ học, và chưa bao giờ, một tiếng ho lại gây hoang mang như bây giờ. Con người hiện đại đang rơi vào cảnh tiến thoái lưỡng nan như con chuột của Kafka.

Khi mà không gian sống như căn phòng cứ thế nhỏ dần, nơi mà con người tranh giành nhau từng centimet vuông không gian sống sau khi hoàn tất việc tranh đoạt môi trường sống với các loài khác. Giá khẩu trang leo thang, bởi những kẻ trục lợi từ sợ hãi của người khác. Cả không gian ảo được mở ra, với tất cả những giễu nhại, lừa bịp, nơi mà cái tôi được phóng đại và cả nỗi sợ hãi cũng bị phóng đại, các tin đồn còn lan nhanh hơn cả thực tế.

Lúc đại dịch virus corona đang hoành hành ở Vũ Hán cũng như đe dọa toàn thế giới, thì một “trận dịch” tin đồn thất thiệt khác đã nhanh chóng lan truyền trên mạng xã hội và hậu quả lại trở thành một trò đùa: số người nhiễm virus corona ở Việt Nam còn ít hơn số người bị triệu tập vì tung tin đồn thất thiệt về virus corona, mà trong đó, không ít là người nổi tiếng.

Khẩu trang thời Corona. Ảnh: TL

Khẩu trang thời Corona. Ảnh: TL

Trong khi đó, cuối năm 2019, một bác sĩ người Trung Quốc 34 tuổi tên Lý Văn Lượng cùng vài đồng nghiệp lên tiếng cảnh báo chính quyền và người dân về virus corona. Không vội kiểm tra xem thông tin của những bác sĩ này đúng hay sai, đã quyết định chặn thông tin và bắt giam các bác sĩ.

Cho đến nay, số lượng ca nhiễm virus corona cũng như số người chết vì loại virus này ở thành phố Vũ Hán còn bất nhất. Nhưng có một xác tín mà chính quyền đã thừa nhận: trong số người chết đến ngày 6.2.2020, có cái tên của người hùng thầm lặng Lý Văn Lượng. Người dân Trung Quốc không chỉ đối diện với bệnh dịch mà còn phải chịu cảnh “mù” thông tin, khi mà không gian ảo bị kiểm soát đến mức một tiếng nói đơn lẻ cho sự thật cất lên, cũng ngay lập tức bị khóa chặt, nhấn chìm bởi biển thông tin tuyên truyền, để bảo vệ một sự yên ổn giả tạo.

Tức nước vỡ bờ, người dân Trung Quốc bày tỏ sự phẫn nộ của mình trên mạng xã hội (dẫu đó là mạng được nhà nước cho phép và kiểm soát). Nhưng đó chỉ là cơn buông lỏng, để người dân “xả xúpáp” tạm thời, khi mà chủ trương phong bế thông tin của giới lãnh đạo vẫn còn đó. Nhiều người có mặt ở Vũ Hán đã tìm cách vượt tường lửa, để cho thế giới bên ngoài thấy chuyện gì xảy ra bên trong thành phố bị “bế quan tỏa cảng” này. Nó trái ngược hoàn toàn với những hình ảnh mang tính cổ động phát trên truyền hình quốc nội, thách thức niềm tin vào một không gian ảo “an toàn” dưới sự kiểm soát của chính quyền.

Điều này khiến ta nhớ cách đây vài năm, trước những scandal diễn ra liên tục, Facebook đang dần mất điểm trầm trọng trong mắt người dùng mạng xã hội. Không ngạc nhiên khi nhiều người dùng ở Mỹ đã tuyên bố tẩy chay Facebook và chuyển sang Twitter hay các mạng xã hội khác.

Một cuộc “di tản” trên không gian ảo đã được dự đoán trước trong khi những mối đe dọa đánh mất quyền riêng tư trên Facebook ngày càng lớn. Mạng xã hội (không chỉ riêng Facebook) đã tạo nên những thay đổi lớn lao đối với đời sống tinh thần cũng như vật chất của mọi người. Ít ai nghĩ một công cụ thoạt tiên chỉ mang tính kết nối, giải trí lại có thể trở thành phương tiện truyền thông hữu hiệu, một kênh tiếp thị và bán hàng… Cho nên việc nâng cao hiệu quả bảo mật, thậm chí là tìm kiếm một dự phòng là điều cần thiết bởi không ít người đã bỏ ra cả đống của để chăm sóc Facebook của mình.

Chúng ta đang trải nghiệm một ngụ ngôn khổng lồ, một bi hài kịch càng lúc càng điên rồ nhưng đã hiển lộ hết thẩy muôn mặt của cái đời sống vốn dĩ bấp bênh và khó đoán.

Những biến động suốt những tháng vừa rồi càng để chúng ta thấy rõ hơn sự chuyển dịch của thế giới ngày nay trong bối cảnh những bất ổn tiềm tàng đang trở nên sáng rõ và đầy đe dọa đến con người. Trong quá khứ, chúng ta đã thấy những cuộc di cư do chiến tranh, do thiên tai, dịch bệnh, đói nghèo… ngày nay, trong thế kỷ XXI này, ta còn thấy thêm những cuộc di cư từ môi trường ảo này sang môi trường ảo khác, mà quyền lực của những người làm chủ không gian ảo thì không “ảo” chút nào. Nó trở thành thứ quyền lực mềm có thể kiểm soát, thao túng và làm những điều kinh khủng mà kịch bản tồi tệ nhất của những bộ phim khoa học viễn tưởng chỉ ra.

Nhưng cả “căn phòng ảo” ấy cũng dần hẹp lại, người ta cũng bắt đầu tranh giành ảnh hưởng bằng những tiếng nói to. Ngày nay, chúng ta chỉ thấy mình thật sự gắn kết với nhau bởi cùng chung một nỗi bất an. Khi mà bên trong thành phố Vũ Hán, những thông tin thật thật giả giả được truyền ra mà không có điều gì thật sự chính xác, về nguồn gốc của virus, đường lây nhiễm, và số người thiệt mạng vì bệnh dịch này.

Đó là một lời cảnh tỉnh. Rằng khi chúng ta tưởng mình đang sống trong thế giới phẳng, với mọi thông tin đều có thể “google” ra thì trước những vấn đề ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống, hóa ra ta lại khá mù mờ. Đứng trước dịch bệnh, nhiều người chọn cách tối ưu là hạn chế ra đường, ở yên trong nhà khóa trái cửa, để cho không gian sinh tồn thu bé lại. Nhưng đến lúc nào, sự sống ít đến mức, chúng ta phải gặp “con mèo” của đời mình.

Chúng ta đang trải nghiệm một ngụ ngôn khổng lồ, một bi hài kịch càng lúc càng điên rồ nhưng đã hiển lộ hết thẩy muôn mặt của cái đời sống vốn dĩ bấp bênh và khó đoán. Chúng ta không còn lựa chọn nào khác ngoài việc phải đương đầu với nó. Cũng như các nhân vật trong tiểu thuyết Dịch hạch của Albert Camus hay Mù lòa của José Saramago, bị đẩy đến kiệt cùng giới hạn chịu đựng của con người, biết đoàn kết với nhau để bước qua bóng tối.

Huỳnh Trọng Khang

Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/con-chuot-cua-kafka-22600.html