Con có chân rồi…

Một đêm khuya cuối tháng Sáu, điện thoại tôi có cuộc gọi từ một số lạ. Như mọi khi, những cuộc gọi từ số lạ tôi sẽ không nghe, nhưng hôm đó linh tính mách bảo nên tôi bấm máy nghe. Lúc này, đầu dây bên kia có rất nhiều âm thanh, nào là tiếng lạch cạch đi lại dưới sàn nhà, tiếng nói cười rôm rả xen lẫn tiếng khóc vì vui mừng của một ai đó,… thì một cháu trai lên tiếng: - Con Vỹ đây. Con có chân rồi chú ơi!

Em Trần Thanh Vỹ

Em Trần Thanh Vỹ

Sau đó là tiếng của một người phụ nữ vừa nói, vừa khóc thút thít mà sau này tôi mới biết đó là chị Thảo, mẹ của cháu Vỹ. “Cháu nó đi lại bình thường rồi. Cả gia đình vui lắm. Cảm ơn Báo Quảng Ngãi và các mạnh thường quân…”, chị Thảo cho biết.

Cuộc điện thoại kết thúc cũng là lúc hai bên khóe mắt tôi cay xè vì quá cảm động trước những lời chia sẻ trong nước mắt của mẹ con chị Thảo. Tôi thầm nghĩ, có lẽ lúc này chị Thảo rất hạnh phúc và mãn nguyện với mong ước bấy lâu nay của một người làm mẹ, nên tôi chỉ biết động viên, chia vui cùng với mẹ con chị.

Em Trần Thanh Vỹ luôn có ý thức trong việc phụ giúp công việc gia đình với bố mẹ.

Em Trần Thanh Vỹ luôn có ý thức trong việc phụ giúp công việc gia đình với bố mẹ.

Thật vậy! Khi cháu Vỹ chỉ còn một chân đi lại là một sự mất mát quá lớn đối với cháu và gia đình, để lại cú sốc nặng cho gia đình chị Thảo mà không dễ gì nguôi ngoai. Lúc bấy giờ, chị Thảo thấu hiểu rằng, trước những khó khăn của gia đình thì chị chỉ dám ước nguyện có một phép màu nào đó giúp con mình có được một chiếc chân giả để đi lại như bao chúng bạn cùng trang lứa, không còn tự ti về những khiếm khuyết của bản thân.

Em Trần Thanh Vĩ tập đi với chiếc chân giả.

Em Trần Thanh Vĩ tập đi với chiếc chân giả.

Cách đây 10 năm, biến cố đã xảy ra đối với Vỹ khi em vừa mới 3 tuổi. Theo lời chị Thảo, mẹ của Vỹ, trong một lần vợ chồng chị đưa con về quê ngoại dự đám cưới người thân, Vỹ chập chững bước ra cổng trại cưới thì bị một chiếc xe tải tông bị chấn thương nặng, buộc phải cưa chân trái để giữ tính mạng.

Lúc này, vì còn quá nhỏ nên Vỹ chưa hiểu hết những mất mát đối với bản thân và tương lai sau này, nên sau thời gian điều trị ổn định, em vẫn vui đùa như bao đứa trẻ khác, chỉ có điều đi lại không như các bạn. Nhưng với chị Thảo, mỗi khi nhìn con còn một chân lò cò đi lại trong nhà thì ruột đau như bị cắt và cảm thấy bất lực vì không thể làm gì để giúp con lúc này, do hoàn cảnh gia đình quá khó khăn.

Vợ chồng chị Thảo thường xuyên đau ốm nhưng cũng phải lao động để chăm lo cho 3 con ăn học và lo thuốc cho Vỹ. Cuộc sống gia đình chỉ trông nhờ vào mấy sào ruộng và nghề bắt ốc, cá đồng trên sông của vợ chồng chị Thảo. Dẫu vậy, tình yêu thương vô bờ bến của vợ chồng chị Thảo vẫn luôn dành trọn cho Vỹ, tạo thêm niềm tin và động lực để em không khuất phục trước nghịch cảnh.

Với những mất mát đó, chắc chắn Vỹ sẽ gặp nhiều khó khăn trong tương lai sau này. Thấu hiểu được điều đó, bố mẹ Vỹ luôn đồng hành cùng em trong mọi hoạt động. Nghe tin nơi nào có các tổ chức nhân đạo hỗ trợ chi phí lắp chân giả, chị Thảo đều tranh thủ vay mượn thêm tiền, lặn lội dẫn con tìm đến với hy vọng con sẽ có chiếc chân giả để đi lại dễ dàng hơn.

Nhưng rồi, do nhà nghèo, Vỹ chỉ có thể lắp được chiếc chân giả thông thường, trị giá vài triệu đồng nên tính linh động thấp. Trong khi đó, Vỹ đang trong độ tuổi phát triển, cứ vài tháng, chiếc chân giả ấy lại chật, khiến chân em bị đau nên đành bỏ chiếc chân giả ấy ra, rồi di chuyển bằng cách nhảy lò cò.

Xót thương số phận của con, bố mẹ Vỹ đã động viên em kiên trì đến trường để sau này có kiến thức theo học một cái nghề nhẹ nhàng nào đó để có thể nuôi sống bản thân. Vậy nên, bất kỳ ngày nắng hay mưa gió, Vỹ đều được người thân đưa đến trường và em cũng luôn có ý thức trong việc học tập. Ngay cả tiết học thể dục, hoạt động trải nghiệm,… dù em được miễn nhưng Vỹ đều tham gia tất cả các tiết học và hoạt động của trường. Không chỉ vậy, ngoài thời gian học trên lớp, Vỹ còn tranh thủ thời gian làm việc nhà để chia sẻ công việc với bố mẹ.

Suốt 2 năm qua, khi nhà nước hỗ trợ 50 triệu đồng, vợ chồng chị Thảo vay mượn thêm hơn 100 triệu đồng để xây dựng ngôi nhà kiên cố. Vừa nuôi 3 con đang độ tuổi ăn học vừa tích góp trả nợ nên ước mơ có được chiếc chân giả của Vỹ càng xa vời hơn.

Cách đây gần một năm, trong buổi lễ trao học bổng Thắp sáng ước mơ, do Báo Quảng Ngãi và Tỉnh đoàn phối hợp với Nhóm những người bạn Quảng Ngãi tại TP.Hồ Chí Minh và gia đình nhà văn, nhà báo Nguyễn Thế Kỷ tổ chức tại Hội trường UBND huyện Tư Nghĩa có một học sinh di chuyển lên bục hội trường nhận học bổng chỉ bằng 1 chân, làm những đại biểu dự hôm đó rất xúc động.

Đó là em Trần Thanh Vỹ, ở thôn Điện An, xã Nghĩa Điền (Tư Nghĩa). Sau khi Vỹ nhận học bổng, người dẫn chương trình hôm đó mời em ở lại bục hội trường để giao lưu: - Nếu có một điều ước cho bản thân thì em sẽ ước gì? Vỹ liền trả lời: - Dạ con ước có một chiếc chân giả để con tự đi lại và đến trường thuận tiện hơn, giúp bố mẹ đỡ vất vả vì không còn phải đưa đón con đi học mỗi ngày.

Điều ước ấy tưởng chừng đơn giản, nhưng với gia đình Vỹ thì không dễ chút nào, vì bố mẹ thường xuyên đau ốm, lo chạy bữa ăn hằng ngày. Vì thế, khi nghe mong ước của Vỹ, cả hội trường rơi vào lặng im vì quá xúc động, nhiều đại biểu phải rơi nước mắt khi biết được hoàn cảnh đáng thương của em.

“Tội nghiệp cháu quá. Mất mát đó sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tương lai và cuộc sống của cháu sau này. Nhưng có lẽ cháu còn quá nhỏ để thấu hiểu sự mất mát đó, nên trên gương mặt cháu lúc nào cũng tươi cười, hồn nhiên như bao đứa trẻ khác. Nhìn cháu mà nước mắt tôi cứ tuông rơi”, Tiến sĩ Nguyễn Thị Hải Hằng – Hiệu trưởng Học viện Hàng không Việt Nam bộc bạch.

Anh Bùi Duy Chính và Tiến sĩ Nguyễn Thị Hải Hằng chia sẻ, động viên em Trần Thanh Vỹ.

Anh Bùi Duy Chính và Tiến sĩ Nguyễn Thị Hải Hằng chia sẻ, động viên em Trần Thanh Vỹ.

Chia sẻ với hoàn cảnh của Vỹ, Báo Quảng Ngãi đã kết nối và kêu gọi các mạnh thường quân hỗ trợ kinh phí để lắp chân giả cho Vỹ. Qua đó, Tiến sĩ Nguyễn Thị Hải Hằng - Hiệu trưởng Học viện Hàng không Việt Nam đồng ý hỗ trợ toàn bộ kinh phí lắp chân giả và chi phí đi lại. Bác sĩ Hoàng Vân (công tác tại Bệnh viện Chợ Rẫy), Chủ nhiệm Câu lạc bộ Y- Dược Quảng Ngãi tại TP.Hồ Chí Minh (Hội đồng hương Quảng Ngãi tại TP.Hồ Chí Minh) hỗ trợ tư vấn về chuyên môn.

Bác sĩ Hoàng Vân tiếp đón và tư vấn lắp chân giả cho em Trần Thanh Vỹ.

Bác sĩ Hoàng Vân tiếp đón và tư vấn lắp chân giả cho em Trần Thanh Vỹ.

Tuy nhiên, thời điểm tháng 9/2023 đang vào năm học mới và lúc này gia đình neo người, không có ai đưa Vỹ vào TP.Hồ Chí Minh để lắp chân và chăm sóc, nên gia đình xin chuyển sang hè này. Và niềm vui cũng đã đến với gia đình chị Thảo và em Vỹ, vì mong ước bấy lâu nay đã thành hiện thực.

“Nếu không có sự chung tay của các mạnh thường quân, đặc biệt là chị Hằng, Bác sĩ Hoàng Vân… thì mong ước của hai mẹ con cũng chỉ là giấc mơ mà thôi. Từ nay gia đình không còn lo lắng cho Vỹ nữa, yên tâm làm ăn để trả nợ tiền vay làm nhà và lo cho các con ăn học nên người, để không phụ lòng sự giúp đỡ, chia sẻ của mọi người”, chị Thảo bộc bạch trong nước mắt.

Nhờ có chiếc chân giả vừa lắp ráp, em Trần Thanh Vỹ đã đi lại bình thường.

Nhờ có chiếc chân giả vừa lắp ráp, em Trần Thanh Vỹ đã đi lại bình thường.

Mấy hôm nay, ngôi nhà nhỏ của chị Đặng Thị Thảo nằm sâu trong một con hẻm nhỏ ở thôn Điền An, xã Nghĩa Điền luôn ngập tràn niềm vui sau khi hai mẹ con Vỹ trở về sau chuyến đi vào TP.Hồ Chí Minh để lắp chân giả cho Vỹ. Nhiều người đến thăm và chia vui cùng với gia đình chị Thảo cũng không giấu được sự phấn khởi khi nhìn Vỹ đi lại bình thường với chiếc chân giả vừa lắp ráp. “Con vui lắm. Khi lắp chiếc chân giả lần này con đi lại không còn bị đau như những chiếc chân lắp lần trước. Con tiếp tục tập đi theo hướng dẫn của bác sĩ để việc đi lại sau này dễ dàng hơn ”, em Trần Thanh Vỹ chia sẻ.

Theo Bác sĩ Hoàng Vân, chiếc chân giả lắp cho Vỹ có thể điều chỉnh được độ dài để phù hợp với sự phát triển cơ thể, nên có thể sử dụng trong thời gian dài. Đầu gối cũng có thể gập duỗi một cách tự nhiên. Bàn chân có độ đàn hồi cao, giúp cho việc tiếp đất khi Vỹ đi cũng êm ái và bước đi nhịp nhàng hơn. Vì thế, khi Vỹ mặc quần ống dài đi lại, nếu không để ý thì khó nhận biết là Vỹ đang đi chân giả.

Hôm chúng tôi đến thăm, ngoài việc đi lại bình thường, Vỹ còn có thể phụ giúp bố mẹ làm việc nhà, như rút rơm cho bò ăn, xách nước cho bò uống, cho heo ăn… Nhìn con đi lại và làm những việc mà chị Thảo chưa bao giờ dám nghĩ khiến đôi mắt chị ngấn lệ vì niềm vui đã trở lại với gia đình. Còn Vỹ thì chia sẻ, em sẽ cố gắng học thật giỏi để sau này có thể tìm được một công việc tự lo cho bản thân. Đó cũng là cách để tri ân cô Hằng và những mạnh thường quân đã giúp đỡ em.

Nội dung: Đ.NGUYỄN - A.KIỀU - M.LỰCThiết kế, trình bày: P.DUNG

Nguồn Quảng Ngãi: http://baoquangngai.vn/media/emagazine/202407/emagazine-con-co-chan-roi-c8a5e28/