Còn có nơi nể nang, né tránh trong xử lý tham nhũng, tiêu cực
Thanh tra Chính phủ nhìn nhận nạn 'tham nhũng vặt' đã làm cho nhiều doanh nghiệp và người dân phải chi trả những khoản chi phí ngoài quy định khi thực hiện các thủ tục hành chính.
Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong mới đây đã ký báo cáo kết quả trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến trước kỳ họp thứ 6 của Quốc hội.
Trong các kiến nghị, nổi lên là phản ánh của cử tri một số địa phương về việc khi đến cơ quan công quyền thực hiện thủ tục hành chính, một bộ phận công chức, viên chức đã cố tình gây khó khăn nhằm “vòi vĩnh”. Mặc dù những dịch vụ công này thường đã có quy định, quy trình và biểu giá rõ ràng.
Cử tri cho rằng đây là hành vi "tham nhũng vặt" của một số công chức, viên chức thực thi công vụ. Điều này làm ảnh hưởng trực tiếp tới cuộc sống của người nghèo, tạo gánh nặng cho doanh nghiệp, khiến các nhà đầu tư "nản lòng" và người dân mất niềm tin vào chính quyền cơ sở. Do đó, cử tri đề nghị các cấp, các ngành và địa phương cần có giải pháp phát hiện, xử lý nghiêm tình trạng.
Có nơi còn dĩ hòa vi quý, nể nang, né tránh
Trả lời cử tri, Thanh tra Chính phủ cho hay thời gian qua công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC) tiếp tục được đẩy mạnh, đạt nhiều kết quả quan trọng. Các sai phạm được xử lý nghiêm theo quy định về kỷ luật của Đảng, Nhà nước và xử lý hình sự, khẳng định quyết tâm mạnh mẽ, "không ngưng”, “không nghỉ”, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ".
Tuy nhiên, tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong khu vực hành chính, dịch vụ công chưa được ngăn chặn có hiệu quả. Tham nhũng trên nhiều lĩnh vực còn nghiêm trọng, phức tạp, với biểu hiện ngày càng tinh vị, gây bức xúc trong xã hội.
Công tác PCTNTC ở một số địa phương, bộ, ngành chưa có sự chuyển biến rõ nét; công tác tự kiểm tra, phát hiện tham nhũng, tiêu cực trong nội bộ vẫn là khâu yếu.
Một số cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương, nhất là người đứng đầu chưa thực sự gương mẫu, quyết liệt, nói chưa đi đôi với làm trong lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện PCTNTC.
Đặc biệt, còn có nơi dĩ hòa vi quý, nể nang, né tránh. Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, trong đó có cả cán bộ lãnh đạo, quản lý, cán bộ cấp cao thiếu tu dưỡng, rèn luyện, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tiêu cực, tham nhũng....
“Nạn ‘tham nhũng vặt’ đã làm cho nhiều doanh nghiệp và người dân phải chi trả những khoản chi phí ngoài quy định khi thực hiện các thủ tục hành chính” – Thanh tra Chính phủ khẳng định.
Xử nghiêm hành vi nhũng nhiễu gây phiền hà cho dân
Trước thực tế đó, sau khi Quốc hội thông qua Luật Phòng, Chống tham nhũng năm 2018, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã rất quyết liệt trong chỉ đạo hoàn thiện các văn bản pháp luật hướng dẫn thi hành.
Thủ tướng cũng ban hành các chỉ thị, công điện về tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp cũng như phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng trong hoạt động công vụ.
Tổng Thanh tra Chính phủ còn ban hành chỉ thị về việc tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính đối với công chức, viên chức ngành Thanh tra; thực hiện thanh tra chuyên đề trách nhiệm công vụ của cán bộ, công chức trong việc giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công cho người dân, doanh nghiệp…
Thời gian tới, Chính phủ, các cơ quan chức năng tiếp tục tăng cường công tác PCTNTC, kiên quyết, kiên trì đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực; tập trung kiểm soát chặt chẽ quyền lực của người có chức vụ, quyền hạn để PCTNTC.
Song song đó là hoàn thiện các quy định xây dựng nền công vụ minh bạch, liêm chính, phục vụ; tăng cường chỉ đạo, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, hiệu quả hơn nữa trong PCTNTC ở địa phương, cơ sở.
“Tiếp tục thực hiện nhiệm vụ PCTNTC trong nội bộ các cơ quan có chức năng PCTNTC, không để cán bộ, công chức có hành vi tham nhũng, tiêu cực làm nhiệm vụ PCTNTC” – Thanh tra Chính phủ nhấn mạnh và khẳng định sẽ xử lý nghiêm khắc, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng "tham nhũng vặt", nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp.
Ngoài ra, toàn ngành cũng sẽ tập trung thanh tra vào những lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực, những vấn đề nổi cộm, bức xúc trong xã hội, những lĩnh vực chuyên môn sâu, hoạt động có tính chất khép kín hay các vụ việc có dấu hiệu rửa tiền…
Đẩy nhanh tiến độ xác minh, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, xử lý các vụ việc tham nhũng, kinh tế đã phát hiện. Tăng cường phối hợp, tập trung lực lượng để kết thúc điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, xử lý các vụ việc tham những, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp theo đúng kế hoạch.
Cùng với đó là củng cố, kiện toàn, tăng cường năng lực đơn vị chuyên trách PCTNTC đủ sức hoàn thành các nhiệm vụ được giao, nhất là công tác quản lý nhà nước về PCTNTC (thể chế, chính sách), kiểm soát tài sản, thu nhập và phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực.