'Con dao pha' với hơn 30 năm trong quân ngũ
Nguyên Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 127, Trung tá Lê Đăng Nhự là một trong những người có mặt tại vùng biển Bãi Cháy - Quảng Ninh đúng vào thời điểm máy bay địch tập kích cách đây tròn 60 năm.
Tham gia quân ngũ từ năm 1959, đến năm 1990, ông Lê Đăng Nhự về quê nhà ở xã Thiệu Giao (Thiệu Hóa). Trong 31 năm, trải qua biết bao công việc, chứng kiến bao sự kiện, nhưng ông vẫn nhớ nhất ngày 5/8/1964.
Ông Nhự kể lại: “Trận chiến đấu ngày 5/8/1964, quân Mỹ không kích nhiều mục tiêu như căn cứ Hải quân ta ở Cửa Hội (Nghệ An); khu vực Vinh, Bến Thủy, Lạch Trường (Thanh Hóa), Cửa Lục (Quảng Ninh) và Cảng Gianh (Quảng Bình). Nhưng quy mô chiến tranh và ác liệt nhất là chúng bắn phá quân cảng Cửa Lục, TX Hồng Gai (nay là TP Hạ Long)".
Khi ấy, ông Lê Đăng Nhự, người thôn Giao Đông, xã Thiệu Giao, huyện Thiệu Hóa chỉ là cán bộ thực tập ở tàu săn ngầm mang số hiệu T-229 của Tiểu đoàn 200 đang đóng quân tại Bãi Cháy. Đây là một trong 4 con tàu rất hiện đại mới được trang bị cho Hải quân. Việc chính của ông là giúp truyền đạt lại mệnh lệnh của thuyền trưởng đến các vị trí chiến đấu trên thuyền.
Ngoài công việc ấy, thì việc gì ông cũng làm, chỗ nào thiếu đạn thì ông tiếp đạn, anh em bị thương thì động viên và băng bó, cấp cứu.
Nói về những ngày ấy, Trung tá Lê Đăng Nhự cho biết: Khác với bộ binh là thời gian chiến đấu có thể kéo dài, thì việc chiến đấu và tiêu diệt máy bay địch cần sự phán đoán sớm bởi chỉ ào một cái là tất cả mọi thứ có thể biến mất hoặc cũng có thể yên ắng trở lại.
“Chia lửa với tàu săn ngầm là các tàu của Đoàn 130 phía bên Bãi Cháy, các đơn vị pháo cao xạ đóng quân trên đồi, các lực lượng tự vệ... đồng loạt nhả đạn vây đánh kẻ thù. Mặt biển sôi sùng sục, đạn, khói bay mù mịt. Các tàu của ta vừa cơ động chiến đấu vừa uyển chuyển tiến lùi tránh bom đạn địch. Một tiếng nổ lớn vang lên kèm theo là những khối lửa loằng nhoằng, 2 chiếc máy bay Mỹ bốc cháy, một chiếc tan xác cùng tên giặc lái đâm sầm xuống biển trong tiếng hò reo của người dân ven biển. Trên chiếc máy bay còn lại viên phi công nhảy dù xuống biển và bị bắt ngay sau đó. Đó là “giặc trời” An-vơ-rét (phi công Mỹ đầu tiên bị bắt ở miền Bắc). Đây cũng là sự khởi đầu bản hùng ca oanh liệt của Hải quân Nhân dân Việt Nam trong lịch sử xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành”... Những hình ảnh ấy chưa bao giờ ông Lê Đăng Nhự quên được.
Biệt danh “con dao pha” anh em nói về ông một phần vì chỗ nào cần ông đều có mặt. Cuộc đời quân ngũ của ông kinh qua các vị trí: Thuyền phó tàu 171, phân đội 6 (năm 1966); thuyền trưởng tàu 130 có nhiệm vụ bảo vệ Hà Nội, chống lụt và đề phòng máy bay đánh vỡ đê (năm 1971); phân đội trưởng phân đội 2 Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 171 Hải quân, đơn vị duy nhất được giao nhiệm vụ rà phá thủy lôi (năm 1972); thuyền trưởng tàu 215 của Tiểu đoàn 7; phụ trách tham mưu Hải đoàn 2, Hạm đội 171, và năm 1982 ông được bổ nhiệm Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 127 (vùng 5 Hải quân)...
Tự hào về những ngày tháng trong quân ngũ, ông Nhự chia sẻ: "Mỗi người có một lối đi riêng, với cá nhân tôi, con đường tôi đi là vào bộ đội. Vì thế mà tôi sẵn sàng làm bất cứ nhiệm vụ gì được giao".
Ngoài những tấm huân chương, huy hiệu còn giữ được, ông nhớ nhất những ngày tháng của năm 1971. Khi đó ông được Bộ Tư lệnh Hải quân tặng Bằng khen và được Ban Bí thư Trung ương Đảng mời về Hà Nội tham gia chương trình gặp mặt các đơn vị và cá nhân có thành tích xuất sắc trong chống lụt. Cũng trong năm 1971, ông được bầu là Chiến sĩ thi đua của Hải đoàn 2 đi dự Đại hội Thi đua của Hạm đội 171.
“Cuộc đời binh ngũ của tôi là những năm tháng thật khó khăn nhưng cũng thật tự hào. Điều tự hào nhất của tôi là khi được giao nhiệm vụ, dù ở vị trí nào, đơn vị nào tôi cũng hoàn thành xuất sắc. Về với quê nhà, tôi may mắn có gia đình và con cháu ngoan ngoãn, tử tế".
Vừa tham gia Lễ tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ và Nhân dân đã chiến đấu anh dũng, hy sinh trong Chiến thắng trận đầu ngày 2 và ngày 5/8/1964 tổ chức tại vùng biển Cửa Lục (phường Bãi Cháy, TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh), Trung tá Lê Đăng Nhự ngân ngấn nước mắt cho biết: "Trong không khí linh thiêng và xúc động ấy, được tự tay thắp nén hương cho những đồng đội từng vào sinh ra tử với mình ngay trên vùng biển Cửa Lục, tôi càng thấy mình may mắn”.
Cũng bởi thấy mình may mắn mà đều đặn hằng năm ông Nhự trích một phần lương của mình để ủng hộ, chia sẻ với những hộ nghèo, người tàn tật cô đơn và những đứa trẻ mồ côi trên địa bàn xã Thiệu Giao (Thiệu Hóa).
Hiện, ông đang viết hồi ký về cuộc đời mình, những trang viết ra là máu, là nước mắt, là biết bao sự hy sinh của đồng đội, từng con chữ được ông thuộc làu làu, nói vanh vách.
84 tuổi, giọng ông đã run, chân tay đã chậm, nhưng “còn có thể đi được là tôi còn phải trở về đơn vị để thắp nén hương tri ân đồng đội mình”, ông Lê Đăng Nhự nói.
Đã 60 năm chiến thắng trận đầu (ngày 2 và 5/8/1964), những người lính năm xưa, nay có người còn sống, người đã chết. Nhưng âm vang của chiến thắng, sự dũng cảm của các chiến sĩ Quân đội Nhân dân Việt Nam luôn là niềm tự hào với lớp lớp các thế hệ đi sau.
Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/con-dao-pha-voi-hon-30-nam-trong-quan-ngu-221257.htm