Côn Đảo - Từ địa ngục tới thiên đường: Vời vợi một thời
Năm 1975, cuộc Tổng tấn công và nổi dậy của quân và dân miền Nam - Bắc đã đưa non sông về một dải. Tại Côn Đảo vào đêm 30/4, Đảng ủy Côn Đảo đã lãnh đạo các tù nhân chớp thời cơ hành động, cướp chính quyền và làm chủ Côn Đảo, chấm dứt 113 năm là 'địa ngục trần gian'.
Trong những lần tới Côn Đảo trước đây, chúng tôi hay tới gặp ông Phan Hoàng Oanh (Tự Bảy Oanh- nay đã mất)- Một trong 150 cựu tù đã tình nguyện ở lại với Côn Đảo sau ngày đất nước thống nhất. Ông Oanh kể về những ngày gian khó của Côn Đảo sau 1975. Theo ông Oanh, trước năm 1975 mảnh đất Côn Đảo chỉ có những người tù, quản ngục và gia đình họ sinh sống. Sau ngày 30/4/1975, toàn bộ quản ngục cùng gia đình họ bỏ về đất liền. Ngày 5/5/1975 những chuyến tàu đầu tiên của quân Giải phóng đã đón những cựu tù đầu tiên rời khỏi “Địa ngục trần gian”. Tới ngày 20/5/1975, chuyến tàu cuối cùng rời Côn Đảo đưa hơn 7.000 cựu tù về đất liền, tuy nhiên ông Bảy Oanh tình nguyện ở lại với Côn Đảo.
Theo ông Oanh, Đảng ủy Côn Đảo đã vận động những cựu tù còn trẻ tuổi, có sức khỏe ở lại để giữ bình an cho Côn Đảo. Những ngày đầu sau ngày đất nước thống nhất, những người tình nguyện tại Côn Đảo phải làm rất nhiều việc như bảo vệ an ninh trật tự, tiếp nhận và vận hành các cơ sở hạ tầng của chế độ cũ, tu sửa nghĩa trang, gìn giữ và bảo quản các hiện vật của những người tù để lại… Hệ thống chính quyền mới cũng được dựng lên, nhiều cán bộ quản lý cũng được tăng cường từ đất liền để dần dần, Côn Đảo hình thành một lớp dân cư mới.
Ông Bảy Oanh kể lại những ngày đó, cuộc sống của người dân trên đảo gặp rất nhiều khó khăn. Xa đất liền, phương tiện giao thông lại thiếu thốn nên có những lúc biển động, có khi cả tháng trời mới có tàu từ đất liền tới tiếp tế cho Côn Đảo. Về lương thực thực phẩm ở Côn Đảo cũng không đến nỗi khó khăn lắm bởi người dân vẫn trồng trọt, chăn nuôi, đánh bắt hải sản. Nhưng về y tế giáo dục hay thông tin thì người Côn Đảo vô cùng thiếu thốn. Từ những năm 80, Côn Đảo chỉ có vài học sinh đi học nên để đủ cho 1 lớp học, các thầy cô phải đưa các em vào học cùng với những người tham gia lớp bổ túc văn hóa. Không có giáo viên, nhiều cán bộ phải kiêm nhiệm như cán bộ văn hóa thì dạy Văn, các cán bộ kỹ thuật thì dạy Toán, y sỹ dạy Sinh… Có khi trong 1 phòng học có tới mấy bậc học.
Còn ông Đoàn Hữu Hoài Minh- Nguyên phó ban quản lý Di tích Côn Đảo cũng kể về cuộc sống đầy khó khăn của người dân Côn Đảo trong những năm sau ngày đất nước thống nhất. Ông Minh cho biết, ngày đó tại Côn Đảo chỉ có một trạm Quân y do Quân đội quản lý. Việc đau ốm, bệnh tật của người dân đều trông vào trạm này. Với những ca bệnh nặng phải đưa vào đất liền nhưng tàu khi có khi không, máy bay chỉ có trực thăng nhưng rất ít chuyến. “Khó khăn nhất là thông tin. Ở trên đảo, muốn gọi điện thoại vào đất liền phải đăng ký hẹn giờ tại bưu điện với người thân trong đất trước vài ngày. Đúng giờ hẹn ra bưu điện, gọi điện bằng chiếc bộ đàm những chiếc tàu cá hay dùng. Còn thư từ có khi viết cả tháng không chuyển đi được vì biển động”- Ông Minh kể.
Còn bà Trần Thị Ni (Tư Ni), cựu tù Côn Đảo tâm sự, ngày đó Côn Đảo chỉ phát điện bằng máy nổ. Nhiên liệu khó khăn nên chỉ buổi tối, người dân mới có chút ánh sáng đèn điện để dùng vài tiếng. Rồi sau đó cả Côn Đảo lại chìm vào bóng đêm. “Người dân Côn Đảo khi đó mới có chừng khoảng trăm hộ. Buổi tối vắng vẻ, xung quanh toàn nghĩa trang và nhà tù nên âm u lắm. Đã có người chịu không nổi nên ra đảo chừng vài tuần, có tàu là bỏ về đất liền ngay. Chúng tôi thì quen rồi, chung quanh toàn đồng đội anh em sao chúng tôi lại bỏ về? Khó thì khó chung với mọi người, trong đất liền cũng khó chớ bộ”- Bà Tư Ni nói.
Những năm 80, tàu đánh cá là phương tiện duy nhất kết nối với Côn Đảo. Cuối những năm 80, đặc khu Vũng Tàu- Côn Đảo đã đóng chiếc tàu chuyên chở khách đầu tiên tới Côn Đảo. Chuyến hải hành đầu tiên từ Vũng Tàu tới Côn Đảo, con tàu bị mất hút. Khi đó nhiều người đã nghĩ tới chuyện tàu đã bị những kẻ vượt biên cướp thì còn tàu lại lù lù xuất hiện tại cảng Vũng Tàu. Những người đi trên tàu kể do tàu bị sự cố kỹ thuật nên tàu lệch hướng, mãi khi biết bị lạc, không tìm được hướng tới Côn Đảo nên thủy thủ đoàn đành quyết định cho tàu trở lại nơi xuất phát. Ông Minh kể, ngày đó người Côn Đảo thường thèm ăn bánh mỳ vì đảo ít dân, không có lò nướng nên món bánh mỳ không hiện diện trên đảo. Vì thế mỗi lần vào đất rồi quay trở lại Côn Đảo, nhiều người thường chọn mua bánh mỳ làm quà cho mọi người. Mua xong chưa kịp đem xuống thì tàu lại không đi do biển động. Thế là toàn khu hậu trạm (nơi đón tiếp những người chuẩn bị ra Côn Đảo) trở thành điểm... phơi bánh mỳ để khỏi bị mốc. Rồi khi có chuyến tàu khác, bà con lại vay tiền mua bánh mỳ mới để chuẩn bị ra đi. Nhưng rồi tàu lại đình chuyến, lại phơi. “Có khi nhiều bà con phải nằm ở khu hậu trạm cả vài tuần, tự mua thực phẩm nấu ăn để chờ chuyến đi”- Ông Minh kể.
Sự xa cách với đất liền khiến những người dân Côn Đảo tự hình thành một thói quen “Có 1 không 2” là thói quen đi đón tàu. Cứ hôm nào nhà đèn sáng nhiều hơn bình thường là mọi người lại hỏi nhau: “Hôm nay có tàu ra phải không?”. Và cứ thế, hàng trăm người tới bến tàu chờ đợi. Khi con tàu cập bến, người dân reo hò, nhìn từng khuôn mặt khách bước lên và gọi tên từng người quen. Với khách lạ thì “Chú ở chỗ nào? Lên công tác Côn Đảo lâu không?” và chỉ sau 1 ngày, ai cũng biết tên, biết mặt khách, thân thiết với khách như người nhà. Ông Minh nói thêm: “Đón tàu trở thành nét văn hóa rất riêng của người Côn Đảo bởi cuộc sống tinh thần còn thiếu thốn, mỗi lần tàu ra là người Côn Đảo lại có thư có quà của người thân, có sách báo lương thực, thuốc men. Mỗi người đến với Côn Đảo đều được coi là khách quý”.
Ông Minh đưa tôi đi xem những bức tranh mà ông vẽ trong suốt những năm sống tại Côn Đảo. Dù cuộc sống ngày đó nhiều khó khăn nhưng trong các bức tranh lại thể hiện một Côn Đảo bình yên với con đường ven biển thơ mộng, với những bức tường rêu phong của nhà tù, với con tàu cá đang băng sóng để ra khơi. “Khó khăn ngày đó là khó khăn chung của đất nước mà ai cũng đã trải qua. Tôi chỉ nghĩ rằng để có ngày hôm nay, chúng ta có thể tự hào đã kiên trì vượt qua giai đoạn khó khăn đó”- Ông Đoàn Hữu Hoài Minh nói thêm.