Cơn đau đầu 1.000 tỷ USD của Trung Quốc sau đại hội Đảng
1.000 tỷ USD là mức thâm hụt ngân sách của các tỉnh, thành trên khắp Trung Quốc trong năm 2022, tạo nên vấn đề lớn sau đại hội Đảng.
8 tháng đầu năm nay, 31 khu vực cấp tỉnh của Trung Quốc đã báo cáo tổng chênh lệch giữa thu và chi ngân sách công là 6.740 tỷ nhân dân tệ (tương đương 948 tỷ USD). Đây là mức thâm hụt lớn nhất trong cùng giai đoạn ít nhất là kể từ năm 2012, Reuters nhận định.
Theo tính toán của Reuters, các tỉnh đông dân gồm Tứ Xuyên, Hà Nam, Hồ Nam và Quảng Đông ghi nhận tình trạng thâm hụt ngân sách nghiêm trọng nhất.
Rủi ro kinh tế tăng sau đại hội Đảng
Thâm hụt ngân sách khiến nhiều địa phương mất sức mạnh tài chính để tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng và cắt giảm thuế, đồng thời làm tăng rủi ro cho nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vào năm 2023.
Thời điểm xảy ra tình trạng thâm hụt ngân sách cũng không thể tồi tệ hơn, bởi nền kinh tế Trung Quốc đang chao đảo dưới sức nặng của các đợt phong tỏa, rủi ro suy thoái toàn cầu, giá hàng hóa leo thang và căng thẳng địa chính trị phức tạp.
Các chính quyền địa phương từ lâu đã là một động cơ quan trọng cho đà tăng trưởng của Trung Quốc. Song, do chiến dịch kiểm soát đòn bẩy trong lĩnh vực địa ốc, doanh thu bán đất công đã sụt giảm mạnh - làm xói mòn nguồn lực tài chính của nhiều tỉnh.
Cũng trong 8 tháng đầu năm, doanh số bán đất công đã giảm 28,5% so với cùng kỳ năm ngoái xuống còn 3.370 tỷ nhân dân tệ. Thực trạng ấy có thể buộc Bắc Kinh phải sớm khôi phục sức khỏe tài chính của các công ty bất động sản nặng nợ.
Tình hình tài chính của nhiều địa phương còn trầm trọng hơn trong năm nay bởi đà tăng trưởng yếu ớt của nền kinh tế chung, doanh thu thuế yếu kém và các biện pháp kiểm soát COVID hà khắc.
Trong những tháng tới, các chính quyền địa phương còn phải tiến hành thanh toán nợ nần. Nhiều khả năng tình trạng ấy sẽ gây thêm áp lực tài chính và khiến một số tỉnh khó đáp ứng yêu cầu tăng cường chi tiêu từ Bắc Kinh.
Hiện tại, nhiều địa phương đã phải giảm lương hoặc sa thải công chức, giảm trợ cấp và thậm chí là áp dụng các khoản phạt nặng bất thường để bù đắp tình trạng thiếu hụt ngân sách.
Nhà phân tích Jennifer A. Wong của Moody’s bình luận: “Trong bối cảnh tăng trưởng năm nay sẽ tiếp tục chững lại, chúng tôi dự đoán tình trạng thâm hụt ngân sách của các chính quyền địa phương vẫn sẽ khá căng thẳng...cho thấy sự đi xuống của lĩnh vực bất động sản và tác động kéo dài của cú sốc COVID”.
Trong quá khứ, phần lớn mức thâm hụt sẽ được bù đắp bằng các khoản trợ cấp từ chính quyền trung ương cũng như bằng các khoản ngân sách chưa dùng hết được cộng dồn từ các năm trước.
Song, các nhà phân tích nói với Reuters rằng việc tăng trưởng kinh tế hạ nhiệt có thể hạn chế Bắc Kinh giúp các địa phương trong khoảng thời gian này.
Ngoài ra, các nhà hoạch định chính sách cũng sẽ cảnh giác với việc hỗ trợ tài khóa bằng các gói kích thích tiền tệ quy mô lớn.
Nguyên nhân là bởi làn sóng tăng lãi suất trên toàn cầu để kiềm chế lạm phát đã khiến lợi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ tăng vọt, từ đó gia tăng chênh lệch lợi suất giữa trái phiếu của hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Áp lực nợ nần dai dẳng
Ông Luo Zhiheng - trưởng bộ phận phân tích kinh tế vĩ mô tại công ty chứng khoán Yuekai Securities, nhận định hạn ngạch phát hành trái phiếu dành cho các địa phương có thể sẽ tăng lên để chính quyền các tỉnh này xoay xở ngân sách.
Tuy nhiên, nhiều tỉnh lại đang phải đối mặt sức ép lớn bởi dòng tiền ngày càng trở nên eo hẹp. Số lượng các lô trái phiếu đáo hạn trong giai đoạn 2021 - 2025 sẽ đạt đỉnh vào năm 2023, ông Luo cảnh báo.
Các khoản nợ liên quan đến công cụ tài chính đặc biệt (LGFV) cũng sẽ đáo hạn trong năm tới. Do đó, năm nay và năm 2023 sẽ là khoảng thời gian căng thẳng nhất cho chính quyền các địa phương.
Theo báo cáo của Moody’s vào tháng 8, khoảng 380 tỷ nhân dân tệ trái phiếu LGFV do các tỉnh nhỏ phát hành sẽ đến hạn thanh toán trong 12 tháng tới.
Nhà kinh tế Nie Wen của hãng môi giới Hwabao Trust cho rằng các khó khăn tài khóa nói trên cùng với việc xuất khẩu suy yếu, niềm tin người tiêu dùng sa sút và bất ổn địa chính trị bên ngoài sẽ gây thêm áp lực cho các nhà hoạch định chính sách vào năm tới.
Bà Nie dự báo GDP sẽ tăng trưởng 5,5% trong năm 2023, với giả định là nền kinh tế sẽ không hứng chịu hoặc chịu rất ít sự gián đoạn do đại dịch gây ra.
Thu nhập hộ gia đình chịu ảnh hưởng xấu
Các tỉnh Sơn Đông, Sơn Tây, Hà Nam, Chiết Giang cũng như chính quyền thành phố Thiên Tân đều đã cắt giảm ngân sách cho các cơ quan địa phương trong những tháng gần đây. Điều này cho thấy gánh nặng tài chính của các tỉnh thành trên khắp Trung Quốc.
Ngoài ra, một số cơ quan quản lý thị trường còn áp dụng các mức phạt cao khác thường đối với doanh nghiệp nhỏ để tăng doanh thu.
Theo trang tin tài chính Yicai, so với cùng kỳ năm ngoái, doanh thu từ tiền phạt và tịch thu tài sản của các chính quyền địa phương đã tăng 10,4% trong giai đoạn 7 tháng đầu năm nay.
Các khoản chi bổ sung để ngăn chặn COVID bùng phát cũng góp phần làm căng thẳng tình hình tài chính của các tỉnh. Khó khăn của chính quyền đang ảnh hưởng đến thu nhập của một số hộ gia đình - một dấu hiệu cảnh báo cho tiêu dùng và tăng trưởng nói chung.
“Do gánh nặng tài chính của chính quyền quá lớn, thu nhập hàng năm của tôi đã giảm 27% xuống còn khoảng 80.000 nhân dân tệ vào năm ngoái”, một công chức họ Gao tại một cơ quan nhà nước ở Trùng Khánh chia sẻ với Reuters.
“Các nhà lãnh đạo đang rất lo lắng, họ nói phân bổ tài khóa hiện tại là không đủ. Do không còn cách nào khác, họ đã phải yêu cầu bộ phận ngân sách địa phương bơm thêm tiền”, vị công chức nói thêm.