'Cơn đau đầu' của NATO có thể đóng góp giải quyết xung đột Nga-Ukraine?
Mặc dù luôn bị mô tả là cơn đau đầu của NATO nhưng theo đánh giá của một số chuyên gia, Thổ Nhĩ Kỳ hoàn toàn có thể đóng vai trò hòa giải trong tương lai đối với cuộc xung đột Nga – Ukraine.
“Cơn đau đầu” kinh niên của NATO
Sau rất nhiều tranh cãi, Thổ Nhĩ Kỳ cuối tuần qua cũng đã đồng ý để Phần Lan gia nhập NATO, nhưng vẫn tiếp tục nói không với Thụy Điển. Và NATO đơn giản là phải chung sống với thực tế này.
Động thái cứng rắn của Thổ Nhĩ Kỳ với Thụy Điển là hành động mới nhất trong một loạt các hành động của Ankara khiến các đồng minh trong liên minh quân sự phiền não, thậm chí là tức giận. Năm 2017, Thổ Nhĩ Kỳ đã gây tranh cãi khi quyết định mua hệ thống tên lửa S-400 của Nga. Nước này cũng đã nhiều lần tấn công lực lượng dân quân người Kurd mà Mỹ hỗ trợ ở Syria. Và cho đến nay, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdoğan vẫn trò chuyện thường xuyên với Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Một số nguồn tin riêng nói với Politico rằng, có những ý kiến trong nội bộ NATO bày tỏ tức giận với cách tiếp cận theo chủ nghĩa cản trở của Thổ Nhĩ Kỳ. Trong một động thái mang tính biểu tượng, Nhà Trắng đã không mời các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ tham dự Hội nghị thượng đỉnh vì dân chủ. Và một số nhà quan sát đang đặt câu hỏi làm thế nào mà Thổ Nhĩ Kỳ, một thành viên của NATO từ năm 1952, thậm chí có thể phù hợp với liên minh phòng thủ của phương Tây.
Mặc dù vậy, đa số các quan chức NATO và đồng minh tỏ ra không muốn tham gia vào vấn đề này. Họ khẳng định NATO và Thổ Nhĩ Kỳ bị ràng buộc bởi một cuộc hôn nhân vì lợi ích chung. Thổ Nhĩ Kỳ có quân đội lớn thứ hai trong NATO và vẫn tích cực đóng góp cho các hoạt động, nhiệm vụ của liên minh – điều mà không phải thành viên nào cũng làm được.
Quan trọng hơn cả, Thổ Nhĩ Kỳ có vị trí địa chính trị đắc địa ở giữa khu vực Biển Đen và Địa Trung Hải. Mối quan hệ của Thổ Nhĩ Kỳ với Nga thậm chí có thể khiến nước này trở thành một bên đối thoại hữu ích trong các cuộc đàm phán hòa bình tiềm năng với Ukraine.
“Thổ Nhĩ Kỳ là một thành viên quan trọng của NATO vì nhiều lý do. Họ đã đóng cửa eo biển Bosphorus đối với các tàu hải quân, điều này đã làm giảm khả năng của Nga trong việc củng cố sự hiện diện của họ ở Biển Đen và xung quanh Crimea”, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nói.
Bất chấp việc Thổ Nhĩ Kỳ là “cơn đau đầu” kinh niên với liên minh, NATO vẫn sẵn sàng thỏa hiệp để giảm thiểu bất đồng nhằm giữ Ankara ở lại, nhấn mạnh giá trị mà liên minh đang đặt lên trên sự hài hòa giữa một thế giới đầy bất ổn.
Sinan Ülgen, thành viên cấp cao tại Carnegie Europe cho biết: “Thổ Nhĩ Kỳ cung cấp một tấm đệm an ninh cho NATO. Và chắc chắn, NATO cung cấp một chiếc ô an ninh cho Thổ Nhĩ Kỳ”.
Một nhà ngoại giao châu Âu bày tỏ cái nhìn trực diện hơn: “Tất nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ cần NATO”. Theo nhà ngoại giao này, câu chuyện Thổ Nhĩ Kỳ là vấn đề hệ trọng trước mắt nhưng mọi người thường lảng tránh đề cập.
Sự cân bằng của Thổ Nhĩ Kỳ có thể giúp hòa giải xung đột Nga-Ukraine
Chính sách đối ngoại của Thổ Nhĩ Kỳ khiến nước này khác biệt với hầu hết các đồng minh NATO.
Thổ Nhĩ Kỳ đã lên án chiến dịch quân sự của Nga và cung cấp viện trợ cho Ukraine, nhưng cũng từ chối trừng phạt nhằm vào Moscow. Kể từ khi xung đột vũ trang Nga – Ukraine nổ ra, ông Erdoğan đã gặp trực tiếp ông Putin nhiều lần bên cạnh các cuộc điện đàm. Ông Erdoğan thậm chí còn cáo buộc phương Tây khiêu khích Nga.
Một nhà ngoại giao cấp cao khác nói với điều kiện giấu tên cho rằng: “Quốc gia này áp dụng các tiếp cận cân bằng mọi thứ một cách thực tế để tối đa hóa lợi ích của chính họ”.
Trong khi đó, các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ vẫn luôn coi đất nước của họ là người hỗ trợ đắc lực trong liên minh. Theo quan điểm của họ, Thổ Nhĩ Kỳ là một đồng minh NATO có thể đảm nhận vai trò bắc cầu mà các nước phương Tây đang cố gắng lấp đầy.
“Mặc dù chúng tôi có những bất đồng sâu sắc về một số vấn đề nhất định, nhưng chúng tôi có một kênh liên lạc chức năng với Nga”, một quan chức Thổ Nhĩ Kỳ giấu tên nói.
Vị quan chức này cũng lưu ý rằng Thổ Nhĩ Kỳ đã giúp làm trung gian cho thỏa thuận giữa Nga và Ukraine để vận chuyển ngũ cốc qua Biển Đen. Thỏa thuận này đã giúp “ngăn chặn một cuộc khủng hoảng lương thực mới”, quan chức này nhấn mạnh, đồng thời cho biết thêm rằng Ankara cũng đang đóng vai trò tích cực trong hoạt động trao đổi tù nhân giữa Nga và Ukraine.
Một quan chức Thổ Nhĩ Kỳ khác nêu rõ “không ai có thể tuyên bố một cách hợp lý rằng chúng tôi là một kẻ đứng ngoài liên minh dù theo bất kỳ cách nào”, đồng thời cáo buộc “có một số nước trong liên minh không thực sự nhạy cảm với các mối quan tâm sống còn và hiện hữu đối với an ninh của chúng tôi”.
Dù được coi là người hỗ trợ hay kẻ gây rối, Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã nhận được những nhượng bộ nhất định từ phía NATO. Năm 2010, liên minh đã bổ nhiệm một công chức Thổ Nhĩ Kỳ làm trợ lý tổng thư ký về chính sách và kế hoạch quốc phòng. Các tài liệu của NATO thường xuyên nhấn mạnh mối đe dọa khủng bố đối với liên minh - một cái gật đầu trước những lo ngại của Ankara.
Jamie Shea, cựu quan chức cấp cao của NATO, cho biết hầu hết các thành viên khác “không muốn bị cô lập, họ không muốn trở thành kẻ xấu”. Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ “không bận tâm”, ông nói thêm – điều đó “mang lại cho Thổ Nhĩ Kỳ đòn bẩy to lớn và sức mạnh to lớn”.
Và có cảm giác rằng bất chấp những e ngại về hành vi của Ankara, chính sách đối ngoại khác thường của họ có thể có ích trong tương lai.
Ông Shea đánh giá, các cuộc đàm phán hòa bình ở Ukraine "không có lợi vào lúc này". “Nhưng khi họ trở lại, ai sẽ đóng vai người hòa giải? Đó sẽ là Trung Quốc hay Thổ Nhĩ Kỳ? Tôi đặt cược vào Thổ Nhĩ Kỳ”./.