Cơn 'đau đầu' mới của EU
Ý tưởng rằng một số thành viên Liên minh châu Âu (EU) có thể tự giải quyết vấn đề liên quan đến lệnh cấm ngũ cốc của Ukraine đã gây ra sự kinh ngạc và khó chịu với các nước khác.
Theo bình luận của mạng tin châu Âu Euractiv.com ngày 28/7, áp lực đang gia tăng đối với Ủy ban châu Âu (EC) về việc gia hạn lệnh cấm đối với một số sản phẩm nông nghiệp của Ukraine do hạn chót cho thỏa thuận tạm thời hiện tại sắp hết - nhưng không phải thành viên EU nào cũng đồng ý.
Lệnh cấm tạm thời hiện tại đối với một số mặt hàng nông sản của Ukraine, sẽ hết hạn vào ngày 15/9 tới, được đưa ra để xoa dịu các quốc gia tuyến đầu đã đơn phương áp đặt lệnh cấm của chính họ vào tháng 4 vừa qua, sau khi một loạt các sản phẩm nông nghiệp của Ukraine gây áp lực lên nông dân của họ.
Trong bối cảnh lo ngại từ sự sụp đổ gần đây của thỏa thuận xuất khẩu ở Biển Đen có thể dẫn đến gia tăng lưu lượng ngũ cốc và tắc nghẽn, Ba Lan – cùng 4 quốc gia tiền tuyến khác của EU là Bulgaria, Hungary, Romania và Slovakia – đã thúc đẩy gia hạn lệnh cấm khi thời hạn cuối cùng sắp đến.
Một nhà ngoại giao của EU nói rằng các quốc gia này thấy “không có lý lẽ thực chất nào có thể biện minh cho việc loại bỏ các biện pháp này”, kêu gọi gia hạn thỏa thuận “ít nhất là cho đến cuối năm nay”.
Tuy nhiên, một nguồn tin riêng liên quan đến cuộc thảo luận kín giữa các bộ trưởng nông nghiệp EU cho biết không phải tất cả các quốc gia thành viên đều ủng hộ động thái trên, khi Đan Mạch, Đức, Pháp, Hà Lan, Luxembourg và Latvia đều bày tỏ lo ngại.
Về phần mình, Bộ trưởng Nông nghiệp Tây Ban Nha và là Chủ tịch mới được bổ nhiệm của Hội đồng Nông nghiệp EU, Luis Planas, nói rằng yêu cầu này đã được đáp ứng với "những cảm xúc lẫn lộn".
“Một số nước đã ủng hộ sáng kiến của Ba Lan. Tuy nhiên, những quốc gia khác đã lên tiếng phản đối sáng kiến này, trong khi một số nước còn lại không bày tỏ quan điểm,” ông Luis Planas lưu ý.
Về phần mình, Ủy viên Nông nghiệp EU Janusz Wojciechowski cho biết còn quá sớm để đưa ra quyết định. Nhấn mạnh rằng mục đích là tìm giải pháp “có tính đến lợi ích của Ukraine, không chỉ lợi ích của EU”, Ủy viên Wojciechowski thông báo Chủ tịch EC đang trong quá trình thu thập thông tin cần thiết để đưa ra quyết định rõ ràng, sẽ có thể đến vào tháng 9/2023.
Ông Wojciechowski nói: “Vào tháng 9, chúng tôi sẽ phải đưa ra một bản tóm tắt về tất cả các tình huống mới, đồng thời lưu ý sự cần thiết phải có thêm thông tin, chẳng hạn như tổng quan về vụ thu hoạch năm nay, để có được bức tranh toàn cảnh về tình hình".
Theo ông Wojciechowski, EC hiện chỉ có “ước tính sơ bộ”, cho thấy sản lượng thu hoạch có thể “cao hơn 13 triệu tấn”.
Mặt khác, Ủy viên Wojciechowski cảnh báo có thể lại xảy ra tình huống “thương mại hợp pháp, nhưng không công bằng”, tạo ra tình thế "các bên đều thua" cho cả nông dân Ukraine và EU. “Vì vậy, chúng tôi phải quan sát và phân tích đầy đủ tình hình và tôi nghĩ rằng nó sẽ được đưa ra vào tháng 9”, ông nhắc lại.
Theo người đứng đầu ngành nông nghiệp của EU, sáng kiến "các tuyến đường đoàn kết" của EU nhằm giúp Ukraine xuất khẩu ngũ cốc qua các tuyến đường và cảng châu Âu có thể thay thế hoàn toàn tuyến đường Biển Đen trở nên không khả thi sau khi Nga rút khỏi thỏa thuận do Liên hợp quốc làm trung gian.
Trong khi đó, theo nguồn tin ngoại giao, một số quốc gia cũng đang thúc đẩy mở danh mục các sản phẩm không được nhập khẩu để linh hoạt hơn trong việc thích ứng với các điều kiện thị trường đang thay đổi. Nguồn tin trên cho biết điều này sẽ cho phép các sản phẩm nông nghiệp được “thêm vào hoặc loại bỏ khỏi danh sách nếu cần”.
Mối đe dọa hành động đơn phương "gây đau đầu"
Các cuộc thảo luận diễn ra trong bối cảnh Ba Lan đe dọa áp đặt lại các biện pháp đơn phương trong trường hợp lệnh cấm trên toàn EU không được gia hạn. Nhưng ý tưởng rằng một số quốc gia có thể tự giải quyết vấn đề đã gây ra sự kinh ngạc lớn và khó chịu với các nước khác.
“Chúng tôi sẽ chỉ vượt qua vấn đề này bằng hành động tập thể, không phải bằng hành động đơn phương”, Bộ trưởng Marc Fesneau của Pháp nói với các nhà báo.
Ông Fesneau chỉ ra rằng các nước EU đã đoàn kết với các nước tuyến đầu, "bật đèn xanh" cho hàng triệu người sử dụng quỹ dự phòng khủng hoảng của EU, đồng thời tuyên bố "không thể tiến lên với tinh thần ai cũng chỉ vì mình”.
Trong khi đó, Bộ trưởng Cem Özdemir của Đức đã cứng rắn hơn, nhấn mạnh rằng với tư cách là cơ quan bảo vệ các hiệp ước, EC “cần kiên quyết yêu cầu tuân thủ các Hiệp ước của EU”.
Ông Özdemir kết luận: “Đây không phải là một lựa chọn mà họ có thể lấy tiền từ Brussels nhưng đồng thời [đơn phương] đóng cửa biên giới".