Con đậu ngành có điểm chuẩn cao nhất Bách khoa Hà Nội, mẹ canh cánh nỗi lo
Bố mất từ khi em còn học lớp 8, sau mỗi buổi tan trường cậu học trò miền biển Nguyễn Tống Sang phụ giúp mẹ mua từng mớ tôm, rổ cá ra chợ bán lại. Ngày Sang đậu ngành có điểm chuẩn cao nhất Đại học Bách khoa Hà Nội, người mẹ rất đỗi vui mừng, tự hào nhưng rồi lại mang nặng nỗi lo trong lòng...
Đó là câu chuyện xen lẫn giữa niềm vui và những nỗi lo âu của gia đình bà Nguyễn Thị Hoàng (SN 1972, xã Cẩm Nhượng, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) trước ngày cậu con Nguyễn Tống Sang (học sinh lớp 12A8, Trường THPT Nguyễn Đình Liễn) bước chân vào giảng đường đại học.
"Khó đến mấy cũng phải học để ngày mai tươi sáng"
Ngôi nhà cấp 4 đơn sơ của gia đình bà Hoàng nép mình trong con ngõ hẹp ở thôn Phúc Hải, xã Cẩm Nhượng. Thứ đáng giá nhất trong ngôi nhà có lẽ là những giấy khen, bằng khen về thành tích học tập của các con, nhất là người con thứ hai - Nguyễn Tống Sang, được treo trang trọng trên các bức tường bê tông bong tróc xám xịt.
Bà Nguyễn Thị Hoàng chia sẻ: “Năm 2013, người chồng Nguyễn Hữu Hiền phát hiện mắc bệnh suy thận giai đoạn cuối. Cuối năm 2015, sau hơn 2 năm chạy thận nhân tạo, ông Hiền mất vì căn bệnh quái ác. Thời điểm này, người con đầu Nguyễn Tuấn Ngọc đang học năm nhất Đại học Khoa học Huế, đứa con thứ hai Nguyễn Tống Sang học lớp 8 còn bé trai thứ ba mới học lớp 1”.
Bố mất, mẹ tần tảo nuôi 3 anh em ăn học, thấu hiểu sự vất vả của người mẹ nên ngoài việc học, mọi việc trong gia đình Sang đều làm phụ giúp mẹ.
Sức khỏe vốn đã yếu, nay chồng lại mất, mọi công việc trong nhà đều trông cậy vào bà Hoàng. Mỗi ngày, bà thức dậy từ 3 giờ sáng tất tưởi ra chợ Cồn Gò, chờ những tàu thuyền cập bến, mua lại mớ tôm, mớ cá rồi mang đi bán tới trưa thì về nhà.
“Ngày may mắn còn kiếm được 100 - 120 nghìn, chứ bình thường chỉ có 30 - 40 nghìn, có ngày không được đồng tiền lời nào. Công việc này lại thất thường, bởi phải theo người ta, họ mà không đi biển, mình cũng chẳng có gì bán”, bà Nguyễn Thị Hoàng tâm sự.
Dù gia đình gặp nhiều khó khăn nhưng người mẹ này quyết không cho các con nghỉ học vì theo bà: “Khó đến mấy cũng phải học để có ngày mai tươi sáng”.
Thời gian rảnh hoặc ngày nghỉ, Sang không ngần ngại việc ra chợ phụ giúp mẹ bán cá.
Thương mẹ, 3 người con luôn chăm chỉ học hành. Ngoài những giờ lên giảng đường, người con trai đầu kiếm việc làm thêm, đỡ đần chi phí sinh hoạt hàng tháng. Cậu con trai Nguyễn Tống Sang giúp mẹ làm việc nhà, chăm em trai còn nhỏ. Ngoài ra những ngày nghỉ, hay sau giờ tan học, Sang vẫn thường xuyên phụ giúp thêm cho công việc bán cá của mẹ.
Suốt những năm tiểu học và cấp 2, Nguyễn Tống Sang luôn có học lực khá giỏi. Sang rất đam mê bộ môn Tin học, dù gia đình nghèo, không có máy tính, sách vở cũng xin lại của người đi học trước nhưng cậu học trò miền biển luôn tận dụng tối đa những giờ học trên lớp để trau dồi kiến thức. Trong 3 năm học ở trường THPT Nguyễn Đình Liễn, Sang luôn giành vị trí cao ở các cuộc thi môn Tin học của tỉnh (năm lớp 10 và lớp 12 đạt giải Nhì, năm lớp 11 đạt giải Ba).
Đậu ngành “hot” nhất lại canh cánh nỗi lo
Ở kỳ thi THPT quốc gia 2019, với 9,2 điểm Toán, 9 điểm Lý và 8,25 môn Hóa, Nguyễn Tống Sang đã đăng ký dự tuyển ngành Khoa học máy tính của trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Năm nay, điểm chuẩn ngành này là 27,42. Với cách tính điểm chuẩn của trường, Sang đã đậu vào ngành Khoa học máy tính với điểm số 27,49.
“Ngành Khoa học máy tính đang khá “hot”, nếu học chăm chỉ, khả năng sau này ra trường cũng sẽ dễ xin được việc làm”, Sang nói và chia sẻ rằng, ngoài việc yêu thích môn Tin học, thì trước khi lựa chọn ngành em cũng nhận được sự góp ý từ thầy cô giáo trong trường.
Nhận giấy báo trúng tuyển từ trường Đại học Bách khoa Hà Nội, cậu học trò miền biển Hà Tĩnh vui mừng thông báo với gia đình, thầy cô và bạn bè. Ngày 11/8 vừa rồi, Sang cùng anh trai đã ra làm thủ tục nhập học.
Mặc dù Sang đậu vào ngành "hot" nhất của Đại học Bách khoa Hà Nội, nhưng cả em và mẹ vẫn canh cánh nỗi lo không đủ chi phí để học tập.
Xen lẫn trong niềm vui của con trai, bà Nguyễn Thị Hoàng có lẽ là người lo lắng nhất. “Khi nghe con báo trúng tuyển, tôi thực sự rất mừng, nỗ lực học tập lâu nay của cháu đã được đền đáp xứng đáng, nhưng hoàn cảnh gia đình khó khăn, tiền nợ lúc Ngọc (cậu con trai đầu) đi học còn chưa trả được, không biết tới đây sẽ xoay xở ra sao”, người phụ nữ 47 tuổi thở dài.
Khi Sang nhập học, nhà trường có thông báo nộp 4 triệu đồng nhưng hiện gia đình cũng chưa có. Bà Hoàng chia sẻ rằng ngoài số tiền này, còn phải vay mượn người thân thêm ít tiền để lúc Sang ra Hà Nội học còn trang trải tiền thuê trọ, ăn uống, đặc biệt là phải có máy tính cá nhân phục vụ việc học.
“Để nuôi được 3 anh em ăn học, mẹ đã phải rất vất vả. Em rất thương mẹ. Ra Hà Nội, em sẽ cố gắng học tập và tìm việc làm thêm để đỡ đần cho mẹ phần nào”, cậu học trò miền biển Nguyễn Tống Sang tâm sự.
Theo Dân Trí