Con dâu phản ứng dữ dội khi mẹ chồng nhắc đến... tiền
Dù chỉ có một cậu con trai duy nhất, nhưng bà Nguyệt luôn tự hào vì nó ngoan ngoãn, học giỏi, biết nghe lời và điều khiến bà hài lòng nhất là nó chịu cưới vợ trước tuổi 30.
Chẳng những thế, nó còn thuyết phục được vợ về sống chung với bà. Ngày đầu tiên đón con dâu về nhà, bà Nguyệt ra ngắm vào nghía, thi thoảng bà không giấu được nụ cười mãn nguyện. Bà vô cùng yên tâm vì tuổi già sẽ được nương tựa con cháu.
Mọi sinh hoạt trong nhà diễn ra bình thường, nhưng từ ngày có vợ, bà Nguyệt không thấy con trai đóng góp tiền đi chợ hàng tháng nữa. Mới đầu bà tưởng con dâu sẽ thay con trai đưa tiền nhưng tuyệt nhiên không thấy cả hai đứa "đả động" gì đến chuyện này. Nhân lúc con dâu không có nhà, bà hỏi thẳng con trai: "Con à, mấy tháng nay con chưa đưa tiền đi chợ cho mẹ, có chuyện gì à?".
Con trai bà phản ứng khá lạ lùng: "Ơ, tiền gì cơ ạ? Bọn con ở với mẹ thì sao phải đóng tiền đi chợ nữa?". Quá ngỡ ngàng trước câu trả lời của con trai, bà Nguyệt phẫn nộ ra mặt: "Mày nói thế mà nghe được hả con? Chúng mày có thu nhập cao, sống cùng nhà mẹ, không mất tiền thuê nhà mà lại không đóng tiền đi chợ, thế là sao?". Con trai bà thở dài, làm ra cái vẻ mệt mỏi, nó đứng phắt dậy, phủi quần rồi buông một câu: "Mai Anh quản lý tiền của con rồi, có gì mẹ đi mà nói chuyện với cô ấy!".
Tối đó bà Nguyệt tủi thân, khóc ướt cả gối. Sáng hôm sau trời mua như trút nước do ảnh hưởng áp thấp nhiệt đới. Vợ chồng nó đội mưa đi làm, một mình bà ở nhà chạy lụt, mệt không kịp thở. Đợi đến chiều, hai đứa đi làm về, bà Nguyệt đề nghị: "Các con biết đấy, từ ngày ngõ mình sửa đường, nhà mình chịu biết bao nhiêu trận lụt, sàn nhà bây giờ thấp hơn cả đường. Mẹ nghĩ nhà mình phải nâng nền mới được, mỗi lần mưa ngập hỏng hết đồ đạc. Chi phí nâng nền chúng mày góp một nửa, mẹ góp một nửa".
Nghe đến hai chữ "đóng góp", con dâu bà giãy nảy: "Ơ, nhà của mẹ thì mẹ phải chi chứ, sao lại bắt chúng con đóng góp? Chuyện này quá vô lý. Lần này bà Nguyệt quyết không nhịn con dâu, bà "bốp" thẳng: "Đành rằng nhà của tao, nhưng sau này chúng mày hưởng hết, tao sống mãi được đâu".
Thấy bà Nguyệt "găng lên", con dâu bà càng được đà tru tréo lên như thể nó vừa bị bà đánh: "Mẹ chẳng thương chúng con gì cả. Vợ chồng con ăn chung, sống chung với mẹ thật đấy. Nhưng con phải quán xuyến hầu hết mọi chi tiêu trong nhà, điện nước hàng tháng, đến mua sắm những món đồ lớn như tivi, tủ lạnh... cũng một tay chúng con chi. Mẹ biết đấy, con quản lý thẻ lương ATM của anh Chiến cũng là để lo chi phí cho đại gia đình mình. Còn thu nhập của con để lo chuyện ăn học cho các cháu sau này. Đấy mẹ xem, tốn kém biết bao nhiêu, thế mà mẹ còn bắt vợ chồng con phải đóng tiền nâng nền nhà nữa. Bọn con đào đâu ra tiền?".
Sau trận "lý sự" của con dâu, bà Nguyệt đành đi rút tiền tiết kiệm để thuê thợ về nâng nền nhà, lòng tự nhủ "nhà của mình thì mình phải chịu trách nhiệm".
Nhưng bà Nguyệt càng nhún nhường thì con trai và con dâu càng... quá đáng. Không đóng góp tiền đi chợ, chúng nó còn không chịu giúp bà dọn dẹp nhà cửa. Tối hôm nào trước cửa nhà bà cũng xuất hiện một bịch nilon màu đen to tướng, hàng xóm đi qua, lấy làm lạ, hỏi: "Bịch gì đấy bà?". Bà Nguyệt thở dài: "Rác của nhà chúng nó đấy bác ạ, nó để sẵn ở đây để tí nữa tôi mang đi đổ một thể. Cứ như bác lại sướng, thà không có con dâu còn hơn...".