Con dâu tức điên vì mẹ chồng gì cũng mách lẻo với con trai
Chuyện gì tôi làm mẹ chồng tôi cũng đều săm soi từng tý một rồi mách lẻo lại với chồng tôi.
Hiền là giáo viên dạy văn một trường cấp 2 ở huyện nên cô ứng xử khá khôn khéo trong mọi mối quan hệ, đặc biệt là với mẹ chồng. Vì thế mà về làm dâu nhà Thành - chồng cô hơn 2 năm mà giữa cô và mẹ chồng chưa từng bất hòa. Mọi chuyện êm đẹp cho tới khi Hiền sinh con trai, đồng thời cũng là cháu đích tôn của gia đình.
Vừa từ bệnh viện về, mẹ chồng Hiền đã nấu một nồi nước lá khổ qua rừng thật to và đậm. “Bà nói tắm cho thằng bé để nó mát da, không bị rôm sảy. Nhưng mình không cho vì không hợp khoa học. Mình cũng nói với bà là da bé còn mỏng, nhạy cảm lắm, nên tắm bằng loại sữa tắm dành riêng cho em bé thôi. Bà nằng nặc bế bé đi, bí quá, mình giật bé lại từ tay bà. Thế là xảy ra chuyện lớn”, Hiền kể.
Sau đó, mẹ chồng Hiền bưng nguyên thau nước lá đổ tạt ra sân trước sự bất ngờ của cô. Chồng Hiền chiều đi làm về, nghe mẹ mách chuyện lại còn thêm mắm dặm muối thì cũng cho là Hiền cư xử không đúng và làm mặt lạnh với cô cả đêm hôm đó. Cho đến khi Hiền đưa bài báo về sự nguy hiểm khi tắm em bé sơ sinh bằng các loại nước lá thì anh mới thôi.
Nhưng khi anh đưa bài báo đó cho mẹ xem thì bà lại hờn mát cả anh: "Ngày xưa tôi cũng tắm cho hai anh em anh bằng nước lá, có đứa nào bị gì không mà anh nói tôi sai”.
Cũng có tính hay mách tội con dâu như mẹ chồng Hiền, mẹ chồng chị Hường còn ghê gớm hơn.
Hường mới cưới chồng một tháng. Ở chung nhà với bố chồng thì hiền, nhưng mẹ chồng thì lại để ý, soi mói từng tí. Bực nhất là bà lại không nói chuyện thẳng thắn mà cứ mát mẻ, bóng gió hoặc là “mách tội” Hường với con trai bà.
Hường về ăn cơm cùng mấy ngày thì được mẹ chồng phân công cho nhiệm vụ chợ búa. Hường đồng ý. Nhưng khổ nỗi chị đi làm từ thứ 2 đến thứ 6 thì làm gì có điều kiện đi chợ mỗi ngày. Nên nhân thứ 7, chủ nhật ở nhà Hường bèn hò chồng ra siêu thị khuân các loại thực phẩm về xếp vào tủ lạnh. Trong tuần ai ở nhà thì cứ thế lấy ra chế biến.
Cứ ngỡ là ổn, thế mà đợi Hường đi vắng mẹ chồng lén than thở với chồng chị và bố chồng “con này hoang phí kinh hồn! Mua lắm thế ăn bao giờ cho hết? không biết tiết kiệm…”. Nghe lời mẹ ngay hôm sau chồng chị tức tốc “chỉnh” chị: “Em mua lắm đồ ăn, lãng phí thế….?”.
Từ sau lần đó Hường thực thi chính sách tiết kiệm. Chị căn đồ ăn từng bữa rồi cho vào từng bịch nilon, từng hộp một, có ghi chú đàng hoàng. Mất công là thế nhưng mẹ chồng cũng chẳng hài lòng. Mỗi lần vào bếp giọng bà cứ lanh lảnh, động tác loảng xoảng.
Một buổi sáng, Hường đang nấu mì thì được chồng nhắc khéo: “em cho ít thịt còn để phần bố mẹ nữa!”. Lúc đó chị mới nhận ra ý trách con dâu keo kiệt của mẹ chồng. Lần này quá bực mình Hường vứt cả bát đũa, dắt xe đi làm với cái bụng đói.
Cả ngày hôm đó Hường vừa làm việc vừa suy nghĩ. “Mình làm thế này cũng không được, thế kia cũng không được, cố gắng kiểu gì thì cũng vẫn bị mẹ chồng mách tội với chồng. Vậy tại sao mình lại không hỏi rõ ràng xem thực ra bà ấy muốn cái gì nhỉ?”. Thật kì lạ khi cả gia đình ngồi đó và chị hỏi thẳng mẹ thì mẹ chồng chị lại im lặng, không nói được gì.
Cùng có một bà mẹ chồng hay "mách lẻo", nhưng trường hợp của chị Huyền còn đau đầu hơn, đó là mẹ chồng chị thường xuyên gọi điện cho... bố mẹ đẻ chị kể lể.
Vợ chồng chị Huyền kết hôn và xây dựng kinh tế ở thủ đô. Bố mẹ 2 bên đều ở quê, còn vợ chồng chị chỉ sau 2 năm kết hôn đã tích lũy đủ tiền để tự sắm một căn hộ chung cư nho nhỏ. Mọi việc bắt đầu phức tạp khi chị mang bầu và sinh con.
Vì công việc bận bịu lại không quen sống với người lạ nên chồng Huyền đón mẹ lên chăm vợ chăm con. Thế nhưng mẹ chồng Huyền vốn tính "tiểu thư" nên ngay từ ngày đầu lên thành phố, bà đã tuyên bố thẳng: "Mẹ chỉ phụ thôi chứ mẹ nói trước là mẹ không biết chăm đâu đấy".
Những ngày sau đó, mẹ chồng Huyền thực hiện đúng theo những gì đã nói. Cả ngày bà chỉ ngồi xem TV và cắm nồi cơm. Bà lấy lý do nấu nướng không ngon, sợ con dâu mới sinh xong ăn uống phải kiêng khem mà lại ăn đồ không quen miệng thì sẽ mất sữa.
Một lần, chị giúp việc bị ốm nên nghỉ đột xuất. Huyền nhờ mẹ nấu giúp chị ít đồ ăn vì cô đau lưng quá thì bà vùng vằng luộc cho chị quả trứng và ít rau. Đến tối, Huyền đang dỗ con ngủ thì mẹ chị gọi điện trách: "Sao mẹ chồng đang đau tay mà con lại bắt bà phải nhặt rau với dọn nhà?". Huyền quá ngạc nhiên. Chị chỉ nhờ bà nấu hộ bữa cơm mà bà lại "mách lẻo" mẹ chị rằng chị bắt bà làm này làm nọ.
Lần khác, bạn Huyền đến nhà thăm mẹ con chị. Huyền xin phép mẹ chồng mời bạn vào phòng riêng, vừa để bạn ngắm em bé, vừa tiện nói chuyện. Mẹ chồng Huyền không nói gì.
Đến tối, chị Huyền nghe thấy bà gọi điện cho bố mẹ chị khoe hôm nay nhà có khách. Kể lể một hồi, bà chốt lại: "Tôi chẳng kịp nói chuyện với khách câu nào thì nó lôi tuột vào trong phòng. Chắc sợ bà già này nói lung tung gì làm mất mặt vợ chồng nó hay sao mà phải thì thầm ở trong ấy".
Huyền bó tay với kiểu suy luận của mẹ chồng. Lúc sau, Huyền lựa lời nói với bà rằng cô không có ý gì cả thì bà lại rất vô tư: "Ơ mẹ có nghĩ gì đâu".
Sau lần này thì Huyền biết mẹ chồng cô rất hay "làm quá" và kể lể với bố mẹ chị bởi bà biết bố mẹ Huyền sẽ nhắc nhở con gái. Còn nói với con trai chắc chắn anh sẽ mắng bà vì chuyện chẳng có gì mà bà cứ nghĩ lung tung. Huyền cũng cố hết sức chú ý từng lời nói, từng hành động để mẹ chồng không có cớ mà "mách" bố mẹ chị nữa. Thế mà vừa rồi lại có chuyện làm chị không thể chịu nổi nữa.
Chẳng là hôm đó bố chồng chị Huyền lên chơi. Lúc ông về, chị Huyền có chạy xuống siêu thị bên dưới chung cư mua cho ông chục chiếc bánh mì nóng mới ra lò, vì biết ông rất thích ăn loại này. Ấy thế mà đến tối, mẹ chồng chị gọi điện cho mẹ Huyền sụt sịt: "Ai đời bố chồng lên chơi mà con dâu không cho ăn gì, chỉ cho ăn bánh mì. Chắc nó nghĩ ở quê tôi nghèo, đến cái bánh mì cũng không có mà mua nên nó phải mua cho cả chục cái mang về ăn dần".
Đến tối, Huyền gọi chồng vào phòng, kể lại sự việc với anh và đề nghị anh ngày mai mời bà về quê với lý do là để ông ở nhà một mình sợ ông buồn. Chị tự nhủ với lòng, thà một mình chị làm hết mọi việc còn hơn ở chung với mẹ chồng chuyên gia mách lẻo như vậy, rồi đến một ngày bà kể lể với chồng Huyền những chuyện không đúng sự thật thì đến cãi nhau to mất thôi.