Cơn 'địa chấn chính trị' ở Israel ít có khả năng tác động tới quan hệ với Mỹ

Mối quan hệ Mỹ-Israel khó có khả năng thay đổi cho dù ông Netanyahu không còn là Thủ tướng. Tuy nhiên, ở một khía cạnh nào đó, chính phủ mới của Israel có thể sẽ dễ thỏa thuận hơn so với chính quyền Netanyahu trong nhiều vấn đề.

Tối 2/6, phe đối lập của ông Netanyahu, do chính trị gia cánh hữu Naftali Bennett và nhân vật ôn hòa Yair Lapid dẫn đầu, đã đạt thỏa thuận về một chính phủ liên minh, có thể đánh bật ông Netantahu khỏi vị trí Thủ tướng sau 12 năm.

Thủ tướng Israel Netanyahu và ông Joe Biden, khi đó là Phó Tổng thống Mỹ, dùng bữa tối tại tư dinh của ông Netanyahu ở Jerusalem, ngày 9/3/2010. Ảnh: Getty

Thủ tướng Israel Netanyahu và ông Joe Biden, khi đó là Phó Tổng thống Mỹ, dùng bữa tối tại tư dinh của ông Netanyahu ở Jerusalem, ngày 9/3/2010. Ảnh: Getty

Thỏa thuận sẽ cần được Quốc hội Israel phê duyệt trong cuộc bỏ phiếu dự kiến diễn ra đầu tuần tới.

Nếu được phê duyệt, ông Bennett sẽ thay thế ông Netanyahu trở thành thủ tướng Israel trong 2 năm tới, sau đó ông Lapid sẽ đảm nhận cương vị này theo thỏa thuận luân phiên giữa 2 người.

Sự nổi lên của ông Bennett như một nhân vật nhiều khả năng sẽ trở thành thủ tướng tiếp theo của Israel dường như dấy lên một “cơn đau đầu” địa chính trị mới đối với ông Biden.

Ông Bennett từng tuyên bố sẽ làm mọi điều trong phạm vi quyền hạn để phản đối nhà nước Palestine. Ông ủng hộ việc sáp nhập 60% Bờ Tây, cùng một số đề xuất khác có thể đe đọa một lệnh ngừng bắn vốn nhiều chông gai ở Trung Đông.

Dù ông Biden thường xuyên bất đồng với ông Netanyahu, nhưng hai người có mối quan hệ cá nhân suốt nhiều năm và điều này giúp Tổng thống Mỹ có cái nhìn sâu hơn vào chiến thuật chính trị cũng như các điểm áp lực của ông Netanyahu.

“Có một kiểu động lực được gọi là “ma quen hơn quỷ lạ”, theo ông Khaled Elgindy, một nhà nghiên cứu tại Viện Trung Đông có trụ sở ở Washington.

Nhưng ông Elgindy và các chuyên gia khác về Trung Đông nói rằng, ở một khía cạnh nào đó, chính phủ mới của Israel có thể sẽ dễ thỏa thuận hơn so với chính quyền Netanyahu với nhiệm kỳ thủ tướng trải dài 4 thời tổng thống Mỹ.

Ông Bennett sẽ là một thủ tướng ít quyền lực?

Việc ông Bennett nắm giữ quyền lực là có điều kiện đi kèm. Trong lúc ông nắm giữ cương vị thủ tướng, ông Lapid sẽ nắm giữ chức vụ ngoại trưởng trong chính phủ liên minh gồm ít nhất 8 chính đảng với nhiều hệ tư tưởng khác nhau của Israel.

“Họ sẽ cùng điều hành đất nước, và trên thực tế là điều hành cùng với nhiều đảng khác. Ông Bennett sẽ là thủ tướng ít quyền lực” so với người tiền nhiệm, ông Natan Sachs, Giám đốc Trung tâm chính sách Trung Đông của Viện Brookings nhận định.

Ông Bennett và ông Lapid đã nhất trí sẽ không theo đuổi các chính sách gây tranh cãi có thể ảnh hưởng tới liên minh đa đảng và mong manh, họ sẽ tập trung chủ yếu vào các ưu tiên trong nước.

“Liên minh này quá khác biệt và sẽ khó có thể thay đổi nhiều trong vấn đề xung đột Israel-Palestine”, ông Avi Eisenman, một người ủng hộ lâu năm của ông Bennett ở Bờ Tây cho biết.

Theo ông Sachs của Viện Brookings, nếu như ông Bennett có thể trở thành một “đối tác bất tiện” đối với Tổng thống Biden vì các quan điểm cực hữu trong các vấn đề Palestine, thì ông Lapid lại dễ gần hơn.

Từng là một nhà báo truyền hình, ông Lapid dẫn dắt đảng Yesh Atid theo đuổi các vấn đề kinh tế xã hội và ủng hộ giải pháp 2 nhà nước đối với xung đột Israel-Palestine. Có thể quan trọng hơn, ông đã cam kết cải thiện mối quan hệ của Israel với đảng Dân chủ ở Mỹ, mối quan hệ vốn căng thẳng do cách tiếp cận của ông Netanyahu với chính trị Mỹ.

“Thủ tướng Netanyahu đã sai lầm khi liên kết quá chặt chẽ với đảng Cộng hòa [ở Mỹ]”, ông Lapid nói trong một diễn đàn với Brookings hồi đầu năm nay. Ông cũng nhấn mạnh rằng, ông Netanyahu thường xuyên bất đồng với Tổng thống Barrack Obama (đảng Dân chủ) về chính sách Trung Đông, và sau đó lại vun đắp mối quan hệ gần gũi vơi người kế nhiệm đảng Cộng hòa Donald Trump.

Amir Tibon, một nhà báo của Haaretz, cho rằng, ông Netanyahu dường như đã “chọn bên trong nền chính trị Mỹ” và đôi lúc có vẻ như đối đầu với đảng Dân chủ ở Mỹ.

“Ông Bennet sẽ là một gương mặt mới. Xây dựng niềm tin mới sẽ dễ dàng hơn là khôi phục niềm tin cũ với người từng đối đầu với bạn lâu nay”, Tibon nói.

Biden và chính phủ Bennett-Lapid

Ông Elgindy và các chuyên gia khác cho rằng, mối quan hệ giữa Mỹ-Israel sẽ khó có khả năng thay đổi nhiều thời hậu Netanyahu.

“Cả chính quyền Biden và chính phủ Bennett-Lapid đều sẽ muốn thu hẹp bất đồng”, Elgindy nói.

Dù vậy, các bất đồng cũng sẽ vẫn nổi lên.

Có một điểm quan trọng: Quyết định của chính quyền Biden về khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran, điều mà Israel phản đối lâu nay.

“Những bất đồng về vấn đề Iran là đáng kể. Đó sẽ là một câu hỏi lớn”, ông Sachs nói.

Và dù ông Bennett và ông Lapid sẽ tìm cách “đóng băng” xung đột Israel-Palestine, thì thực tế cũng sẽ vẫn được phơi bày – như những gì chúng ta đã chứng kiến trong tháng trước theo cách tồi tệ nhất.

Các vấn đề dẫn tới cuộc xung đột 11 ngày giữa Israel và Hamas hồi tháng 5 vẫn chưa được giải quyết.

“Câu hỏi đặt ra là chính phủ thiếu ổn định này của Israel sẽ giải quyết các vấn đề đó ra sao”, ông Elgindy nói.

Tình bạn giữa Biden và Netanyahu vẫn tồn tại

Ông Biden và ông Netanyahu có mối quan hệ được mô tả là nồng ấm và thân thiện suốt hàng thập kỷ. Hai người đều thận trọng khi thể hiện sự một mặt trận thống nhất trong vòng xoáy xung đột giữa Israel và Hamas gần đây.

Tuy nhiên, mối quan hệ cũng cũng lạnh nhạt hơn trong những năm gần đây, đặc biệt là khi ông Netanyahu ngày càng thân thiện với đảng Cộng hòa của Mỹ.

Có thể nhận thấy mối quan hệ này ở mức độ nào khi ông Biden ký tặng một bức ảnh cho ông Netanyahu với dòng chữ: “Bibi, tôi không đồng ý với những thứ tệ hại ông làm nhưng tôi yêu quý ông”.

Ngay cả một số người ủng hộ Netanyahu cũng không tin rằng, việc ông không còn nắm giữ cương vị thủ tướng sẽ ảnh hưởng tới liên minh Mỹ-Israel.

“Tôi không nghĩ mối quan hệ của Israel với Mỹ sẽ thay đổi chỉ vì ông Netanyahu không còn làm Thủ tướng. Chúng tôi là đồng minh và Mỹ có lợi ích lớn ở Israel. Cuộc chiến Gaza cho thấy Mỹ đứng về phía Israel và ủng hộ Israel về mặt quân sự khi cần thiết”, nhà báo Amar nói.

Frank Lowenstein, người từng là đặc phái viên về đàm phán Israel-Palestine trong nhiệm kỳ thứ 2 của Tổng thống Obama, nói rằng sẽ có sự “nghi ngờ” đối với ông Bennett vì quan điểm cực đoan của ông này với các vấn đề Palestine, vì không không giống như Netanyahu, đó là một ẩn số.

“Bibi có nhiều kinh nghiệm và nhiều mối quan hệ ở Mỹ để có thể tìm cách khiến hệ thống chính trị của chúng tôi phản đối thỏa thuận hạt nhân Iran”, ông Lowenstein nói về các nỗ lực của Netanyahu khi tìm cách ngăn cản thỏa thuận này năm 2015. Ông Bennett không có các mối quan hệ như vậy ở Mỹ để có thể làm đòn bẩy chính trị.

Theo ông Lowenstein, ông Netanyahu sẽ không mờ nhạt đi trên chính trường Israel cho dù ông không còn là Thủ tướng. Liên minh mới, nếu được phê duyệt, cũng sẽ rất mong manh, và ông Netanyahu sẽ vẫn là thế lực đối lập có tiếng nói nhất./.

Hoàng Phạm/VOV.VN (biên dịch) Theo USA Today

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/con-dia-chan-chinh-tri-o-israel-it-co-kha-nang-tac-dong-toi-quan-he-voi-my-863224.vov