Cơn điên của Milan vùi dập Juventus và Ronaldo
Bất chấp sự sa sút về lực lượng và thành tích, AC Milan vẫn biết cách cho tất cả thấy họ vĩ đại như thế nào sau màn ngược dòng không tưởng trước Juventus.
Tại kinh đô thời trang Milan, biệt danh "điên" (pazza) thuộc về Inter Milan với những cuộc lội ngược dòng khó tin vào phút cuối. Song ở năm 2020 đầy kỳ quặc này, Inter đã biến thành đội bóng đầy bảo thủ dưới thời Antonio Conte và chẳng biết "điên" là gì với những trận cầu tẻ nhạt.
Milan, dù yếu ớt, lại "điên" nhất hạng với những chiến thắng khi không ai dám nghĩ họ sẽ thắng, mà màn lội ngược dòng thắng 4-2 từ thế bị dẫn 2-0 trước Juventus rạng sáng 8/7 là minh chứng không thể rõ ràng hơn.
Danh dự của gã khổng lồ
Ngay cả khi mất Matthijs de Ligt, Paulo Dybala vì treo giò và phải tung vào sân Rugani và Higuain từ đầu, Juventus vẫn quá mạnh so với Milan. Nếu không phải người theo dõi Serie A thường xuyên, độc giả nhiều khả năng sẽ không biết ít nhất một nửa số cầu thủ Milan ra sân từ đầu trận này.
Ngoài ông già 39 tuổi Ibrahimovic trên hàng công và thần đồng Gianluigi Donarumma trong khung gỗ, Milan là tập hợp của những cái tên hạng trung, chưa từng vô địch quốc gia, dưới sự chỉ đạo của HLV chỉ chuyên đi chữa cháy - Stefano Pioli.
Cầu thủ chơi ở vị trí tiền đạo lệch phải của Milan trước Juve, Alexis Saelemaekers được mượn từ Anderlecht. Nửa đầu mùa này, Saelemaekers từng đối đầu với Sint-Truidense khi ấy sở hữu Công Phượng.
Cuộc va đập giữa hai khối cầu hết sức chênh lệch ấy sau cùng lại cho ra phần thắng thuộc về bên yếu hơn. Milan với danh dự của gã khổng lồ trong quá khứ đã không cho phép bản thân chịu quỳ gối trước Juventus thêm nữa.
Hai bàn thắng của Rabiot và Ronaldo ngay đầu hiệp 2 không khiến Milan chịu trận. Ngược lại, 2 cú đấm ấy đã kích hoạt công tắc điên của Rossoneri.
Cú đá phạt đền của Ibra là khởi đầu, để rồi chỉ trong vòng 5 phút, Milan ngược dòng thành công trước kình địch với 3 bàn. Tất cả đều theo những kịch bản không tưởng. Franck Kessie chơi tệ cả mùa bỗng hóa Clarence Seedorf khi đi bóng xộc thẳng vào vùng cấm Juve trước khi dứt điểm thành bàn.
Rafael Leao, cả mùa mới chỉ ghi 5 bàn, đã tận dụng cực kỳ tinh quái tình huống được hưởng lợi thế từ trọng tài để đi bóng vào vùng cấm trước khi sửa lòng trong cực ngọt vào góc gần đánh bại Szczesny.
"Độ điên" ấy của Milan còn đi đến cùng khi Ante Rebic, một trong những á quân World Cup 2018 ít tiếng tăm nhất, quay người sút không cần nhìn trong vùng cấm để ấn định tỷ số 4-2 cho Rossoneri.
Milan từng sụp đổ trước Liverpool tại Istanbul vào năm 2005 trong 6 phút giữa hiệp 2 dù sở hữu đội hình mạnh bậc nhất lịch sử. 15 năm sau kỷ niệm khó quên ấy, Milan với đội hình yếu bậc nhất lịch sử, cuốn phăng Juve cũng bằng 3 bàn chỉ trong 6 phút.
Chiến thắng vượt ngoài mọi quy tắc này của Milan là lời bảo chứng cho danh dự và truyền thống của một trong những đội bóng vĩ đại nhất lịch sử,
Milan có thể yếu ớt và chẳng biết mùi Champions League là gì trong hơn nửa thập niên qua, nhưng không ai được phép coi thường họ.
Sư tử già Ibrahimovic
Một cuộc chia ly giữa Ibra và Milan là điều đã được nhìn thấy khi mùa giải này kết thúc. Milan 99% sẽ đưa Ralf Ragnick về làm HLV trưởng đội bóng, kiêm luôn chức vụ giám đốc thể thao và đẩy Paolo Maldini cùng Ibra ra đường.
Song những xung đột thượng tầng ấy không khiến Ibra xao nhãng khỏi trách nhiệm tại Milan. Trước Juve, Ibra là nguồn cảm hứng lớn nhất của Milan. Tiền đạo sinh năm 1981 di chuyển liên tục để gây sức ép lên hàng tiền vệ Juve, đồng thời tự mình tạo ra các cơ hội bằng các pha xử lý một chạm đẳng cấp.
Ngay khi có cơ hội để nhen nhóm màn trở lại với cơ hội từ chấm phạt đền, chính Ibra là người đứng ra lãnh trách nhiệm. Dĩ nhiên, anh thành công. Đẳng cấp, sự ngạo mạn và cái tôi ngút trời của Ibra là một trong những yếu tố giúp Milan không run sợ trước Juventus. Không chỉ vậy, tầm ảnh hưởng của Ibra tới những vệ tinh chơi xung quanh mình cũng là yếu tốt then chốt trong sự hồi sinh của Milan.
Rafael Leao và Ante Rebic, 2 cái tên ghi bàn quyết định cho Milan đều từng trực tiếp thừa nhận ảnh hưởng của Ibra tới bản thân.
Leao từng thừa nhận với L'Equipe trong buổi gặp đầu tiên, Ibra đã bước tới và nói thẳng: "Anh sẽ giúp cậu, với anh cậu sẽ giành được chiến thắng. Cứ hỏi anh bất kỳ điều gì". "Ibra như người anh lớn vậy. Đôi khi anh ấy hơi khó chịu, nhưng nếu ai đó muốn giúp bạn, không phải lúc nào lời khuyên cũng đi kèm nụ cười", Leao chia sẻ với L'Equipe.
Còn Rebic ghi tới 10 bàn sau 13 trận từ khi Ibra có mặt tại Milan dù trước đó tiền đạo người Croatia không thể nổi dù chỉ 1 bàn.
Ibra như con sư tử già trở lại với khu rừng. Dù anh không thể lúc nào cũng giúp Milan chiến thắng, sự uy nghiêm của ngôi sao lớn trên bầu trời bóng đá thế giới suốt 15 năm qua buộc các đối thủ phải tôn trọng Milan.
Giờ Rossoneri đã chạm tới vị trí thứ 5, đồng nghĩa với tấm vé dự Europa League. Trước khi Ibra tới, Milan từng tụt xuống vị trí thứ 14 sau 12 vòng và chỉ loanh quanh ở nửa sau bảng xếp hạng. Sau Ibra, có Milan vĩ đại đang đứng dậy từ vực thẳm.
Juve có gì ngoài Ronaldo?
"Black out" (mất điện) là cụm từ giới chuyên môn về bóng đá Italy thích sử dụng để miêu tả kịch bản sụp đổ như Juve trước Milan. 3 bàn thắng trong 5 phút của Milan là biểu tượng cho sự bùng nổ của đội bóng áo sọc đỏ đen, nhưng ở chiều ngược lại, Juve rõ ràng không có bất kỳ phản ứng nào trước cơn điên của đối thủ.
Juve hiếm khi phải chịu trận thua lên đồng kiểu như này trong quá khứ. Lần cuối cùng họ để thủng lưới 3 bàn trong 5 phút đã là câu chuyện của năm 2013. Trong thời gian rất dài, Juve luôn biết cách tiêm thuốc độc vào đối thủ mỗi khi dẫn trước.
Khi HLV Maurizio Sarri lên dẫn dắt và bắt đầu thực hiện cuộc cách mạng tấn công mà chính ban lãnh đạo Juve luôn ấp ủ, Juve dần mất đi sự sắt đá đó. Thay vì tiêm thuốc độc, Juve của Sarri ngây thơ để đối thủ vùng dậy, và sau cùng ngã ngửa khi mọi chuyện tuột ra ngoài tầm với.
Pha chuyền ngang ngớ ngẩn của Alex Sandro dẫn tới bàn thua thứ 4 là 1 pha bóng như thế. Hậu vệ người Brazil có ít nhất 3 phương án chuyền bóng an toàn, nhưng anh chọn cách đảo cánh để mở rộng biên độ tấn công và chuyền hỏng. Milan dĩ nhiên không bỏ lỡ cơ hội trời cho để kết liễu Juve.
Từ đầu mùa giải, những CĐV Juventus đã bị chia rẽ nhiều bởi Sarri. Không ít người muốn ban lãnh đạo đặt niềm tin cho nhà cầm quân này vì thứ bóng đá tấn công sẽ giúp Juve thay đổi bộ nhận diện và thích hợp để trở thành thương hiệu toàn cầu.
Song đa số phản đối lối đá mơ mộng của Sarri vì sẽ tạo ra Juve "nửa nạc, nửa mỡ", không còn là đội bóng sắt đá, ưa phòng ngự, coi trọng cường độ lao động thay vì cảm hứng như xưa.
Cristiano Ronaldo là người duy nhất cố gắng trong đội hình Juve sau khi nhận 4 bàn thua. Phần còn lại chơi bóng hời hợt, dâng lên theo chỉ đạo. Họ không tin mình có thể ngược dòng. Đó là thứ tinh thần không thể chấp nhận ở một đội bóng kiểu như Juventus.
Sarri rõ ràng có quá nhiều điều cần phải làm nếu muốn biến Juve trở thành đội bóng nhà giàu, chơi hay, đá đẹp như định hướng phát triển của CLB.
Trận thua ngược trước Milan có thể không ảnh hưởng tới khả năng vô địch của Juve khi khoảng cách giữa "Bà đầm già" với đội nhì bảng Lazio vẫn là 7 điểm.
Song cú đấm của Milan đã lột bỏ hoàn toàn chiếc mặt nạ hời hợt của Juve. Đến lúc "Bà đầm già" phải đối mặt với sự thật, thay vì cứ mãi núp dưới ánh hào quang của CR7.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/con-dien-cua-milan-vui-dap-juventus-va-ronaldo-post1104171.html