'Cơn điên' của thị trường dầu
Bức tranh thị trường dầu mỏ thế giới đã chứng kiến nhiều biến động trong nhiều năm qua, từ chìm sâu cho đến bật tăng. Theo nhiều chuyên gia, giá dầu sẽ diễn biến khó lường khi nỗi lo lạm ngày càng hiện hữu và việc FED tăng lãi suất mạnh mẽ hơn.
Trong hai năm qua, dầu đã được giao dịch với giá rẻ nhất 19 USD/thùng (hoặc thấp hơn nếu mua dầu WTI của Mỹ) và cao nhất tới 139 USD/thùng.
Thị trường chưa từng chứng kiến giá dầu dao động mạnh như vậy kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, khi dầu rơi từ mức 150 USD/thùng xuống dưới 40 USD do lo ngại về suy thoái kinh tế toàn cầu khiến nhu cầu giảm.
Sự biến động của giá dầu trong khoảng thời gian này được nhận định là do một số yếu tố gây ra: đại dịch Covid-19; quá trình chuyển đổi năng lượng; đầu tư hạn chế vào các dự án mới; hoạt động của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ Opec; và trên hết là sự khó đoán trong từng kế hoạch của nước Nga.
Cuộc chiến về giá trong đại dịch
Đầu năm 2020, thế giới bắt đầu giãn cách xã hội khi phải đối mặt với đại dịch Covid-19. Mọi hoạt động du lịch đều tạm ngưng, các nhà máy phải chịu cảnh đóng cửa. Các nhà sản xuất dầu đối phó với điều này bằng cách cắt giảm bớt sản lượng dầu.
Tuy nhiên, Nga quyết định tiếp tục bơm thêm dầu để giảm giá đến mức các nhà sản xuất dầu đá phiến của Mỹ, với chi phí cao hơn, sẽ lỗ trên mỗi thùng.
Đáp lại, Ả Rập Xê-út quyết định giành thị phần từ tay Nga và chuyển sang phủ sóng toàn bộ thị trường bằng dầu, nâng sản lượng lên mức cao nhất mọi thời đại là 12 triệu thùng/ngày và giảm giá tới 8 USD/thùng.
Ngay khi Ả-rập Xê-út mở vòi, nhu cầu tăng bật lên, bởi ngày càng có nhiều quốc gia rơi vào tình trạng phong tỏa, giãn cách xã hội trên toàn thế giới.
Cuối cùng, chính quyền Trump đã thành công trong việc thuyết phục Ả Rập cắt giảm sản lượng nhằm ổn định giá. Opec đã đồng ý bắt đầu cắt giảm sản lượng 9,7 triệu thùng/ngày vào tháng 5, dưới 1/3 sản lượng hàng ngày.
Nhưng trước khi việc cắt giảm có hiệu lực, các bể chứa trên thế giới đã đầy và các trung tâm lớn như Cushing, Oklahoma không còn nơi nào để chứa thêm dầu. Cuối tháng 4, thế giới lần đầu tiên chứng kiến giá dầu tại Mỹ chuyển biến tiêu cực do người dân được trả tiền để mua bớt dầu từ các thương nhân.
Sự phức tạp trong quá trình chuyển đổi năng lượng
Các vấn đề địa chính trị không phải là yếu tố duy nhất gây ra sự chao đảo trên thị trường dầu mỏ. Đại dịch đã tăng tốc kêu gọi các công ty dầu mỏ đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng. Giá dầu giảm đã buộc ngành đá phiến của Mỹ phải ghi nhận khoản lỗ 300 tỷ USD và các nhà đầu tư đã hoài nghi bán bớt cổ phần của Big Oil.
Sau khi xóa sổ hàng tỷ USD từ giá trị tài sản dầu mỏ toàn cầu của mình vào tháng 6, BP cho biết họ sẽ xem xét các kế hoạch thăm dò và việc cắt giảm sẽ "giúp cạnh tranh tốt hơn thông qua quá trình chuyển đổi năng lượng". Shell cũng tuyên bố sẽ "thích ứng để đảm bảo hoạt động kinh doanh, duy trì khả năng phục hồi".
Khi các chuyên gia dầu mỏ bắt đầu hạn chế đầu tư vào các hoạt động khai thác và sản xuất mới, thế giới ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào các công ty dầu khí nhà nước.
Khi các lệnh phong tỏa được dỡ bỏ vào cuối năm 2020 và nhu cầu dầu tăng cao, Opec quyết định tăng sản lượng một lượng tương đối, với lo ngại đại dịch vẫn có thể gây thêm gián đoạn cho nền kinh tế.
Bên cạnh đó. tổ chức cũng bị hạn chế bởi cơ sở hạ tầng đã xuống cấp của một số thành viên, chẳng hạn như Nigeria và Angola, những quốc gia thậm chí không đạt được tỷ lệ trong mục tiêu sản xuất tương đối khiêm tốn của mình.
Nga châm ngòi cho cuộc chiến giá dầu mới
Giá cả bắt đầu leo thang trở lại khi xung đột giữa Nga và Ukraine nổ ra kể từ tháng 2 năm 2022. Các nước châu Âu ban đầu thận trọng với việc áp đặt các biện pháp trừng phạt năng lượng vì lục địa này đang phụ thuộc nhiều vào khí đốt của Nga, nhưng đến tháng 5, EU đã đồng ý cấm vận chuyển dầu từ đường biển của Nga vào cuối năm 2022.
Khối cũng nhân cơ hội này để nhấn mạnh sự cần thiết của việc chuyển đổi sang các nhà cung cấp năng lượng khác và các lựa chọn thay thế xanh hơn, đồng thời cam kết chi 195 tỷ euro cho quá trình chuyển đổi này.
Một tương lai đầy biến động
Quy mô của quá trình chuyển đổi năng lượng và sự không chắc chắn về địa chính trị có thể sẽ ảnh hưởng đến thị trường dầu trong tương lai.
Giám đốc điều hành của ExxonMobil, Darren Woods, dự đoán sẽ có nhiều khoản đầu tư hơn vào dầu khí. Nhưng ông cũng thừa nhận rằng các công ty dầu khí đang phải vật lộn để thực hiện các kế hoạch lớn trong khoảng thời gian không chắc chắn như vậy.
Ông dự báo nguy cơ xảy ra nhiều biến động và gián đoạn trên thị trường dầu mỏ nếu các nước không có các chính sách thận trọng hơn nữa. Hiện nay, tâm lý bất an của thị trường đối với lạm phát trỗi dậy, cùng với đó là việc Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất mạnh mẽ hơn.
Trong khi đó, giám đốc điều hành của Shell, Ben van Beurden cho biết nền kinh tế toàn cầu và nhu cầu dầu khó có thể phục hồi hình chữ V vì đại dịch sẽ tác động tới nhu cầu năng lượng trong nhiều năm. Ông lưu ý rằng cú sốc hàng hóa từ xung đột Ukraine cuối cùng đã khiến các chính phủ phải cố gắng giải quyết các vấn đề khác nhau trong hệ thống năng lượng toàn cầu.
Nguồn Tổ Quốc: https://toquoc.vn/con-dien-cua-thi-truong-dau-420222875376583.htm