Còn điều gì bạn chưa biết về Davos?
Trong gần 50 năm qua, cứ vào tháng Một hằng năm, các nhà lãnh đạo thế giới, lãnh đạo các tập đoàn lớn nhất thế giới và một số nhân vật nổi tiếng lại tập trung tại một thị trấn nhỏ ở miền núi Thụy Sỹ có tên Davos để tham dự Diễn đàn Kinh tế Thế giới.
Nhưng diễn đàn đó là gì và tại sao họ lại đến đây? Sau đây là 10 thực tế hữu ích nên biết về diễn đàn này.
1. Không thực sự là Davos
Mặc dù mọi người gọi đó là Davos, nhưng cuộc gặp gỡ tháng Một thực sự là cuộc họp thường niên của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF). Davos chỉ đơn giản là tên của khu nghỉ mát trên núi Thụy Sỹ nơi tổ chức hội nghị thượng đỉnh.
Sự liên kết của thị trấn với cuộc họp hào nhoáng này có nghĩa là nhiều sự kiện "đối địch" đã tìm cách lợi dụng sự nổi tiếng của cái tên, thể hiện qua sự phổ biến của các hội nghị tự xưng là "Davos" hay tương tự như vậy.
Nhưng năm ngoái, khi một hội nghị đầu tư của Arabia Saudi được mệnh danh là "Davos trên sa mạc" vào khoảng thời gian xảy ra cái chết gây tranh cãi của nhà báo Jamal Khashoggi, WEF cuối cùng đã có phản ứng. Họ cảnh báo rằng họ sẽ sử dụng "mọi biện pháp để bảo vệ thương hiệu Davos chống lại sự chiếm đoạt bất hợp pháp".
Khu nghỉ mát Davos, Thụy Sỹ. (Nguồn: Getty Images)
2. Không chỉ là một hội nghị
Diễn đàn Kinh tế Thế giới là một nhóm phi lợi nhuận với sứ mệnh đầy tham vọng là cải thiện hiện trạng thế giới.
Cuộc họp thường niên của diễn đàn là một hội nghị chính thức. Có những bài phát biểu và phiên họp liên tục về mọi vấn đề, từ triển vọng của nền kinh tế toàn cầu đến sức ép quản lý.
Trên thực tế, hầu hết mọi người không có mặt ở đó để tham dự các phiên họp mà thường là để giao thiệp nhằm tìm kiếm các cơ hội kinh doanh. Trong một không gian tương đối nhỏ và 4 ngày cho phép các nhà lãnh đạo tập đoàn, các chính trị gia và báo giới có một số lượng cuộc họp không thể tin nổi trong một khoảng thời gian ngắn hiệu quả mà không cần phải đi lại nhiều.
Các cuộc gặp gỡ như vậy diễn ra hằng ngày từ chập tối đến đêm khuya với các bữa tối, đồ uống và các bữa tiệc chiêu đãi do các tập đoàn tham dự hội nghị tổ chức.
3. Các cuộc họp có thể dẫn đến hành động
Nhà sáng lập diễn đàn Klaus Schwab bắt đầu tổ chức cuộc gặp thường niên này từ năm 1971 để thảo luận thực tiễn quản trị toàn cầu.
Nhà sáng lập WEF Klaus Schwab. (Nguồn: Eforensicsmag)
Khung cảnh biệt lập của Davos mang đến cho các chính trị gia một cơ hội quý giá để tránh xa sự dòm ngó của công chúng. Chẳng hạn như hai miền Triều Tiên từng tổ chức cuộc họp cấp bộ trưởng đầu tiên tại Davos vào năm 1989. Hay năm ngoái, Thủ tướng Hy Lạp và người đồng cấp Macedonia đã gặp nhau lần đầu tiên sau 7 năm, mở đường cho sự kết thúc của một cuộc tranh chấp kéo dài 27 năm về tên gọi của Macedonia.
4. Các doanh nghiệp trả nhiều tiền để tham dự diễn đàn
Những đại diện duy nhất phải trả tiền để tham dự WEF là các công ty; tất cả những đại biểu khác được mời miễn phí. "Giá vé vào cửa" dành cho các công ty là 27.000 Franc Thụy Sỹ (23.800 EUR) mỗi người. Nhưng đó không phải là tất cả.
Đại biểu tham dự cũng phải là thành viên của WEF. Có một số mức phí thành viên, thấp nhất là 60.000 Franc Thụy Sỹ/năm cho đến 600.000 Franc Thụy Sỹ/năm để trở thành một "đối tác chiến lược" của diễn đàn.
Đó là một phi vụ đắt đỏ, nhưng các thành viên hàng đầu được tiếp cận các phiên họp kín với các đồng nghiệp trong ngành và không giống như tất cả những người khác, họ được cung cấp một chiếc xe đưa đón riêng và một tài xế tận tụy. Một số người có thể nói rằng đó là cái giá xứng đáng.
5. Vé hội nghị được mã hóa màu
Cải thiện sự bất bình đẳng luôn là một đề tài lớn có thể thảo luận ở Davos, nhưng WEF vận hành hệ thống rất bất bình đẳng của mình được quyết định bởi một hệ thống đẳng cấp phức tạp của các biển hiệu nhiều màu sắc.
Vâng, bạn có thể ở cùng một nơi với Hoàng tử William hoặc Thủ tướng New Zealand nhưng không chắc bạn sẽ tình cờ gặp hay va vào họ trong nhà vệ sinh.
Những vị khách cấp cao như vậy được phát một biển hiệu màu trắng với ảnh chụp không gian ba chiều gắn trên đó, cho phép họ có thể ra vào mọi nơi - bao gồm các phòng họp kín đặc biệt dành riêng cho họ.
Có những biển hiệu màu khác nhau dành cho phu nhân/phu quân của các đại biểu tham dự và các nhà báo, tất cả đều có các cấp độ truy cập khác nhau. Cấp thấp nhất là biển hiệu "hotel", có nghĩa là bạn hoàn toàn không thể vào trung tâm hội nghị, nhưng có thể tham dự các bữa tiệc tối hoặc đi trượt tuyết. Người ta có thể nói rằng hệ thống biển hiệu đang hoạt động tốt.
6. Có rất nhiều nam giới
Trong 49 năm kể từ khi Davos bắt đầu tổ chức các cuộc họp thường niên, số lượng đại biểu là nam giới đông hơn phụ nữ rất nhiều mặc dù có một hệ thống hạn ngạch đối với các công ty lớn, theo đó các công ty phải cử ít nhất một phụ nữ bên cạnh 4 đại diện nam giới dự diễn đàn.
"Davos Man" thậm chí đã trở thành một "nghề" theo đúng nghĩa của nó, đồng nghĩa với đại biểu khuôn mẫu: một nhân vật thượng lưu quyền lực và giàu có - người mà nhiều người coi là không liên quan với thế giới thực.
Tất nhiên, điều này phần lớn phản ánh thực tế hiện tại: những người đứng đầu trong cả môi trường doanh nghiệp và chính trị chủ yếu là nam giới.
Tuy nhiên, khi những bức ảnh tập thể gồm những nhân vật khoác Complet nghiêm trang với dòng chú thích "thấp thoáng bóng phụ nữ" xuất hiện khắp trên các mạng xã hội hàng năm, tình hình vẫn đang dần được cải thiện.
Năm nay, 22% người tham dự sẽ là nữ giới. Con số đó không lớn, nhưng tỷ lệ phụ nữ tham dự diễn đàn đã tăng gấp đôi kể từ năm 2001.
7. Đó không phải là một đám đông trẻ tuổi
Bạn phải mất thời gian để thăng tiến và xoay xở để có giấy mời tham dự Davos và độ tuổi trung bình của những đại biểu tham dự diễn đàn phản ánh điều này: đó là quy định 54 tuổi đối với nam giới và 49 tuổi đối với phụ nữ.
Tất nhiên có một số ngoại lệ. Mới 16 tuổi, Skye Meaker, nhiếp ảnh gia về động vật hoang dã người Nam Phi là đại biểu trẻ nhất tham dự Davos năm nay, trong khi đại biểu nhiều tuổi nhất là phát thanh viên 92 tuổi, ngài David Attenborough.
8. Diễn đàn có ngôn ngữ riêng
Biệt ngữ phức tạp riêng của công ty là một đặc trưng của diễn dàn Davos. Điều mà bất cứ ai cũng có thể thực sự thấy khó hiểu, ngay cả với người theo dõi WEF dày dạn. Ngay cả chủ đề của hội nghị mỗi năm cũng thường không thể hiểu nổi. Năm nay là "Toàn cầu hóa 4.0: Định hình một Kiến trúc toàn cầu trong kỷ nguyên của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư".
Chủ đề đó thực sự muốn nói về cái gì? Sẽ được biết trong tuần này.
9. Nó giống như bay... mà không thực sự bay
Những đại biểu tham dự năm nay gồm Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern, cũng như Hoàng tử William và Thủ tướng Đức Angela Merkel.
Dựa trên danh tiếng và chức vụ của nhiều đại biểu tham dự, an ninh được thắt chặt là điều dễ hiểu.
An ninh được thắt chặt tại Davos. (Nguồn: CNBC)
Có những tay súng bắn tỉa nấp trên các mái nhà và có một khu vực an toàn mà bạn cần phải có mật khẩu để vào bên trong. Mỗi lần bạn vào trung tâm hội nghị chính, bạn phải cởi áo khoác, đặt máy tính xách tay và túi xách của bạn vào máy soi an ninh. Giống như bạn đi qua hệ thống giám sát an ninh sân bay mà không bao giờ bay tới bất cứ đâu.
10. Tất cả đều thích chiếc mũ len chỏm miễn phí
Các đại biểu tham dự có thể là những người đứng đầu nhà nước và các giám đốc điều hành giàu có kiếm được hàng trăm nghìn hoặc thậm chí hàng triệu USD/năm, nhưng không thể cưỡng lại được sức hấp dẫn của một chiếc mũ len chỏm miễn phí.
Mỗi năm, hãng bảo hiểm Zurich đều cung cấp những chiếc mũ len dệt kim màu xanh sáng mà bạn có thể tự mua ở một cửa hiệu tồi tàn. Và hầu như ai cũng vậy. Nhiều tháng sau nếu bạn thấy ai đó đội một chiếc, bạn có thể gật đầu chào nhau một cách kín đáo. Bạn là một phần của nhóm Davos.
Nguồn TG&VN: http://baoquocte.vn/con-dieu-gi-ban-chua-biet-ve-davos-86130.html