Còn đó nỗi lo thiếu nước sản xuất và sinh hoạt vào cao điểm mùa khô
Một số nơi trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện tình trạng cây trồng bị héo khô vì thiếu nước tưới, nhiều trạm cung cấp nước sạch khu vực nông thôn phải hoạt động hết công suất nhưng vẫn không đủ đáp ứng nhu cầu sử dụng của người dân.
Những tháng đầu năm 2024, tình hình hạn hán tại các tỉnh khu vực Nam bộ diễn biến khá gay gắt. Trong đó, Tây Ninh cũng chịu ảnh hưởng không nhỏ. Một số nơi trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện tình trạng cây trồng bị héo khô vì thiếu nước tưới, nhiều trạm cung cấp nước sạch khu vực nông thôn phải hoạt động hết công suất nhưng vẫn không đủ đáp ứng nhu cầu sử dụng của người dân.
Nhiều diện tích mía bị chết khô
Theo báo cáo của UBND xã Tân Đông (huyện Tân Châu), đợt nắng hạn vừa qua, trên địa bàn xã ghi nhận nhiều diện tích cây trồng bị chết khô vì thiếu nước tưới. Cụ thể, tại khu vực phía Bắc đường 792, thuộc ấp Tầm Phô, xã Tân Đông, có trên 30 ha đất trồng cây mía và cây mì bị khô héo. Trong đó có trên 10 ha mía của 8 hộ dân bị chết khô, thiệt hại ước tính lên đến hàng trăm triệu đồng.
Ông Chung Hoàng Anh, ngụ ấp Tầm Phô, xã Tân Đông cho biết, vụ mía năm 2024, gia đình ông trồng 25 ha nhưng do thiếu nước tưới nên khoảng 10 ha mía đã bị chết khô, không thể phục hồi. Theo ông, khu vực đất ông trồng mía có tầng đất thịt khá mỏng, phía dưới là lớp đá nên không thể khoan giếng lấy nước tưới cây trồng. Trước giờ, người dân nơi đây thường đào ao- với diện tích hơn 100 mét vuông- để trữ nước tưới trong mùa khô. Tuy nhiên, nắng hạn kéo dài suốt 6 tháng (từ tháng 11.2023 đến đầu tháng 5.2024) làm cho phần lớn các ao này đều bị cạn trơ đáy. Không đủ nước tưới khiến cây trồng bị chết, ước tính thiệt hại của riêng gia đình ông đã lên đến gần 200 triệu đồng.
Bà Nguyễn Thị Út, ngụ ấp Đông Tiến, xã Tân Đông cho biết, đợt nắng hạn vừa qua, gia đình bà có khoảng 1,2 ha mía tại ấp Tầm Phô bị khô héo, trong đó, khoảng 70% diện tích bị chết khô. Những năm trước dù có nắng hạn nhưng chỉ khoảng một đến hai tháng sẽ có mưa, chưa năm nào mùa khô kéo dài như năm nay. Hiện nay trên địa bàn xã Tân Đông đã có mưa, nhưng những diện tích cây trồng bị thiệt hại không thể phục hồi được.
Còn theo ông Nguyễn Văn Lực, ngụ ấp Tầm Phô, ngoài nguồn nước từ những cơn mưa, toàn bộ khu vực ấp Tầm Phô đều trông chờ vào một con suối chảy từ Campuchia qua Việt Nam. Tuy nhiên, nắng hạn kéo dài đã làm nước trong con suối này khô cạn. Việc lấy nước tưới của người dân nơi đây vô cùng khó khăn. Khu vực đất của gia đình ông Lực may mắn có mạch nước mọi, đủ để bơm tưới cho 0,5 ha mì của gia đình. Mặc dù vậy, việc bơm nước tưới cây trồng của ông cũng rất khó khăn, vất vả, mỗi lần bơm khoảng 30 phút là nước cạn, phải chờ đến 6 giờ đồng hồ mới có nước trở lại.
Ông Liêu Hồng Phong- Phó Chủ tịch UBND xã Tân Đông cho biết, tình hình nắng hạn kéo dài suốt 6 tháng trong mùa khô năm 2024 vừa qua đã khiến cho khu vực phía Bắc đường 792 thiếu nước trầm trọng. Nhiều diện tích cây trồng- chủ yếu là cây mía- bị chết khô, ảnh hưởng đến đời sống kinh tế của người dân.
Theo Phó Chủ tịch UBND xã Tân Đông, để giải quyết tình trạng thiếu nước tưới như thời gian qua, UBND xã Tân Đông có văn bản gửi UBND huyện Tân Châu đề nghị cho các hộ dân trên địa bàn ấp Tầm Phô nạo vét các ao chứa nước hiện có, tăng khả năng tích trữ nước trong mùa khô. UBND xã Tân Đông cũng sẽ vận động người dân thực hiện nạo vét con suối từ Campuchia chảy về, góp phần hạn chế tình trạng thiếu nước tưới.
Theo UBND huyện Tân Châu, do ảnh hưởng của nắng nóng kéo dài, trên địa bàn huyện có một số xã mực nước ngầm tụt xuống sâu (khu vực Đồng Nắng thuộc ấp Tân Trung B, xã Tân Hưng; khu vực Bàu Đá thuộc ấp Tân Kiên, xã Tân Hà; xã Suối Ngô; xã Tân Đông). Nhằm phục vụ cho hoạt động sản xuất nông nghiệp, người dân đã tự đào âm giếng xuống từ 2-3 m so với mặt đất để đặt máy bơm nước tưới.
Trạm cấp nước... thiếu nước xử lý
Bà Nguyễn Thị Như Anh- Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Biên thông tin, trên địa bàn huyện có 18 công trình cấp nước tập trung khu vực nông thôn do Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh quản lý, vận hành khai thác, phục vụ nước sinh hoạt cho khoảng 7.270 hộ dân. Thời gian qua, do thời tiết nắng nóng kéo dài, nhu cầu sử dụng nước của người dân tăng cao nên một số công trình cấp nước tập trung nông thôn trên địa bàn 2 xã Tân Bình và Mỏ Công đã hoạt động vượt công suất thiết kế, có nguy cơ thiếu nước phục vụ cho người dân trong cao điểm mùa khô năm 2024.
Ông Lê Văn Chia, ngụ tổ 5, ấp Tân Thạnh, xã Tân Bình (huyện Tân Biên) cho hay, nhu cầu sử dụng nước của gia đình ông tăng cao do thời tiết nắng nóng kéo dài nhưng nước sạch được cấp từ Trạm cấp nước sạch nông thôn Tân Thanh - Tân Thạnh khá yếu. Mỗi lần muốn bơm nước lên bồn chứa của gia đình, ông đều phải canh giờ thấp điểm (từ 21 giờ đến 2 giờ sáng).
Chia sẻ về công tác vận hành Trạm cấp nước sạch nông thôn Tân Thanh - Tân Thạnh, ông Đặng Văn Điển - nhân viên quản lý Trạm cho biết, thời gian qua, nhu cầu sử sụng nước sạch của người dân trên địa bàn tăng cao nên trạm đã hoạt động liên tục, vượt công suất thiết kế nhưng cũng chỉ cung cấp đủ cho khoảng 50% nhu cầu của người dân. Nhiều thời điểm trong ngày, áp lực nước xuống thấp do nhiều hộ cùng sử dụng, dẫn đến có nhiều hộ than phiền “khó lấy nước”.
Trạm cấp nước Khu dân cư Cầu Sài Gòn 2 là một trong những trạm cấp nước sạch của tỉnh sử dụng nguồn nước mặt từ hồ Dầu Tiếng (thượng nguồn sông Sài Gòn) vào xử lý, cung cấp nước sạch đạt quy chuẩn cho người dân sử dụng. Tuy nhiên, thời gian qua, mực nước hồ xuống thấp, không đủ lượng nước cung cấp cho nhà máy hoạt động, khiến việc vận hành của Trạm gặp nhiều khó khăn.
Ông Lương Văn Tuấn- nhân viên quản lý Trạm cấp nước Khu dân cư Cầu Sài Gòn 2 (tại ấp Cây Khế, xã Tân Hòa, huyện Tân Châu) cho biết, khoảng 15 ngày trở lại đây, mực nước trong hồ Dầu Tiếng xuống thấp khiến các máy bơm liên tục bị hư hỏng, có khi các nhân viên của trạm phải sửa chữa đến 2, 3 giờ sáng. Vừa qua, Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh và đơn vị xây dựng công trình đã lắp thêm 2 máy phụ và hạ thấp máy chính xuống để bơm được nước. Đến nay, tình trạng thiếu nước đã cơ bản được giải quyết.
Ông Tuấn chia sẻ thêm, Trạm cấp nước Khu dân cư Cầu Sài Gòn 2 được cơ quan chuyên môn nghiệm thu, đưa vào sử dụng từ tháng 4 năm 2023. Công trình đang phục vụ cấp nước cho 1.200 hộ dân trên địa bàn 4 ấp: Cây Khế, Con Trăn, Cây Cầy và Tân Thuận thuộc xã Tân Hòa.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Đình Xuân thông tin, trên địa bàn tỉnh hiện có 79 công trình cấp nước (78 công trình cấp nước tập trung nông thôn và 1 công trình cấp nước nhỏ lẻ), trong đó, Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn trực tiếp quản lý, vận hành, khai thác 73 công trình, phục vụ nước sạch sinh hoạt cho khoảng 25.000 hộ dân.
Theo thống kê, khối lượng nước người dân khu vực nông thôn sử dụng trong tháng 3.2024 là 303.550 m3, tăng 29.202 m3 so với cùng kỳ năm ngoái. Qua rà soát kiểm tra, hiện có 11 công trình cấp nước tập trung nông thôn đang hoạt động vượt công suất thiết kế; nguy cơ thiếu nước phục vụ cho người dân trong cao điểm mùa khô năm 2024, gồm các công trình cấp nước trên địa bàn các xã: Tân Bình, xã Mỏ Công (Tân Biên); Suối Dây, xã Tân Hòa (Tân Châu); Biên Giới (Châu Thành) và Phước Chỉ (thị xã Trảng Bàng).
Để chủ động trong công tác cấp nước phục vụ cho người dân, Sở NN&PTNT đã chỉ đạo Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn phối hợp với Chi cục Thủy lợi, Phòng NN&PTNT các huyện/thị xã và UBND các xã kiểm tra, có kế hoạch bảo dưỡng, bảo trì, duy tu nâng cấp các trang thiết bị; mở rộng tuyến ống cấp nước đến các hộ dân; đồng thời, tiến hành đấu nối mạng lưới tuyến ống giữa các công trình cấp nước tập trung, hướng đến mô hình cấp nước liên ấp, liên xã, liên huyện, nâng cao khả năng cấp nước liên khu vực.